Trước những hành động kịp thời và trên hết là vì sức
khỏe người dân, vì sự bình an cho đất nước của Đảng và Nhà nước, khắp nơi trên
cả nước, người dân đã phát huy cao độ tính tự giác, đề cao trách nhiệm trong
phòng, chống dịch. Nhiều người đã đăng tải bài viết, sáng tác ca khúc kêu gọi bạn
bè, người thân hạn chế việc đi lại và chỉ ra ngoài nếu thật sự cần thiết để
phòng chống Covid-19. Song, thật buồn và đáng lên án những suy nghĩ và hành động
của một số người, vì sự ích kỷ, kiêu ngạo cá nhân mà làm cho cả cộng đồng phải
gồng mình, căng sức trước diễn biến hết sức phức tạp, khó lường của đại dịch. Đặc
biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 15 và 16 nhằm tăng cường các biện
pháp phòng, chống, ngăn ngừa, tiến tới đẩy lùi dịch Covid-19, thì lại xuất hiện
một số cá nhân không chấp hành, ngang nhiên vi phạm các quy định về cách ly xã
hội. Mặc dù Chỉ thị nêu rõ: cấm tụ tập đông người nơi công cộng, như: quán bar,
vũ trường, karaoke, massage, nhưng họ lại lén lút mở cửa hoạt động, vô tư đi tắm
biển ở bãi biển Bình Thuận (ngày 30/3/2020); thậm chí một số đối tượng còn hung
hãn chống đối khi lực lượng chức năng nhắc nhở, chấn chỉnh sai phạm về phòng,
chống dịch của bản thân, v.v. Những hành vi nói trên không chỉ thể hiện sự thiếu
ý thức mà còn coi thường pháp luật và sinh mạng cộng đồng, đi ngược lại các giải
pháp phòng, chống, đẩy lùi đại dịch đang có hiệu quả của chúng ta cho nên cần
phải lên án và xử lý thật nghiêm minh để làm gương cho người khác.
Câu chuyện về sự khai báo gian dối, vòng vo không
trung thực của các bệnh nhân số 34 ở Bình Thuận, bệnh nhân số 17 ở Hà Nội và bệnh
nhân số 178 ở Thái Nguyên thời gian qua đã gây họa cho chính mình, người thân của
mình; đồng thời, gây khó khăn cho cơ quan chức năng và hệ thống phòng dịch, làm
ảnh hưởng chung tới công tác phòng dịch của nhiều địa phương cũng như của cả nước,
để lại hệ lụy thật khôn lường. Dưới góc độ đạo đức, những người ích kỷ như những
trường hợp nêu trên, hẳn trong suy nghĩ của họ không bao giờ có cách sống “mình
vì mọi người” mà trong họ chỉ muốn “mọi người vì mình”. Họ chẳng bao giờ cảm
thông, sẻ chia những gian lao, hiểm nguy của những người trên tuyến đầu chống đại
dịch, mong đem lại sự sống, sự bình yên của con người và cộng đồng, trong đó có
chính họ. Hậu quả của sự ích kỷ, thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng, chắc chắn
tới đây họ sẽ bị pháp luật xử lý theo quy định; song, trước hết, là sự day dứt
lương tâm và phán xét của xã hội dành cho mình. Đó là bài học đắt giá, là gương
để mọi người soi vào, tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp với trào lưu chung của
xã hội. Trong hoàn cảnh này, sự ích kỷ và kiêu ngạo còn nguy hiểm hơn cả
Covid-19. Hãy chung sức, đồng lòng cùng nhau chống dịch chứ không nên vì
cái “tôi” ích kỷ mà chống đối, không tuân thủ sự khuyến cáo, hướng dẫn phòng,
chống dịch của Bộ Y tế và những quy định của Chính phủ, của địa phương. Cần gạt
bỏ sự ích kỷ, kiêu ngạo, hãy “mình vì mọi người”, tự ý thức bản thân làm cái gì
đó cho xã hội, trước hết là tự giác thực hiện cách ly xã hội để bảo vệ chính bản
thân mình, bảo vệ những người mà chúng ta yêu thương, bảo vệ toàn thể cộng đồng
xã hội, để sớm thắng “giặc Covid-19”.
“Bao giờ mới hết dịch?”, “Bao giờ cuộc sống mới trở về
bình thường?”. Câu hỏi này, lời giải đáp chính là hành động của chúng ta ngày
hôm nay. Nếu mọi người còn chủ quan, lơ là, không tuân thủ triệt để yêu cầu của
Chính phủ và khuyến cáo của Bộ Y tế thì có thể chính họ sẽ bị nhiễm bệnh và trở
thành nguồn lây không mong muốn. Và cuộc chiến này sẽ còn kéo dài, tốn công sức,
tiền của và sức khỏe của cộng đồng. Vì vậy, điều cần thiết nhất lúc này là
mọi người cần bình tĩnh, thực hiện theo khuyến cáo của Chính phủ và ngành Y tế.
Việc phải cách ly, hạn chế ra khỏi nhà, giảm tiếp xúc, giao tiếp là điều không
ai muốn nhưng nay là biện pháp cấp thiết, quyết định đến việc thành bại của cuộc
chiến chống dịch bệnh này. Việc chống “giặc Covid-19” thời điểm này với nguyên
tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với
xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng
Chính phủ là cách tốt nhất để chúng ta chặn được đà lây lan của dịch.
Hiện nay, cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Việt Nam
vẫn đang trong vòng kiểm soát với sự quyết tâm cao độ, cùng sự nỗ lực không
ngưng nghỉ của cả hệ thống chính trị. Song, sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn và
chính quyền các cấp có thể “đổ sông đổ bể”, nếu một vài công dân thiếu ý thức
trách nhiệm trong phòng, chống dịch. Việc nâng cao ý thức công dân và thể hiện
trách nhiệm xã hội của mỗi người trong lúc này là thể hiện tinh thần yêu nước,
sức mạnh đoàn kết dân tộc và quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam
chiến thắng dịch bệnh. Niềm tin, ý thức và trách nhiệm công dân sẽ góp phần chiến
thắng dịch Covid-19, và chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng với tinh thần kỷ luật,
kỷ cương, đoàn kết, sát cánh cùng nhau vì sức khỏe cộng đồng và sự bình yên của
đất nước.
Trong mùa dịch bệnh này cả nước phải chung tay để phòng, chống dịch bệnh; những người đứng ngoài cuộc cần phải bị lên án mạnh mẽ
Trả lờiXóaBạn nói rất đúng
Xóa