Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

NHẬN THỨC CỦA ĐẢNG VỀ AN SINH XÃ HỘI TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI

Trong hơn 30 năm đổi mới, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, song Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt chính sách ASXH. Nhận thức, quan điểm, chủ trương của Đảng về thực hiện chính sách ASXH đã được hoàn thiện qua từng kỳ đại hội. Trong từng chủ trương, chính sách phát triển, Đảng ta luôn gắn chính sách xã hội, bảo đảm ASXH với phát triển kinh tế, xuất phát từ lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động của nhân dân.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã sớm xác định việc thực hiện chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng CNXH. Phương hướng lớn của chính sách xã hội là: phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội. Chính sách xã hội bảo đảm và không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất; hoàn thiện hệ thống ASXH.
Tại Đại hội IX của Đảng (4-2001), thuật ngữ “An sinh xã hội” lần đầu tiên được ghi trong Văn kiện. Cho tới Đại hội X (2006), vấn đề ASXH được nhìn nhận rõ nét hơn. Đặc biệt, tại Đại hội XI (2011), ASXH được xác định là một hệ thống chính sách xã hội quan trọng, nội dung chủ yếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đã khẳng định: Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Ðến năm 2020, cơ bản bảo đảm ASXH toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.
Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên khẳng định quyền ASXH cơ bản cho người dân. Điều 34 quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” và Điều 59 quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống ASXH”.
Bộ Luật Lao động sửa đổi (năm 2012) tăng cường hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động yếu thế trên thị trường thông qua các chính sách hỗ trợ tạo việc làm. Luật Việc làm (năm 2013) mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đều bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp). Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi (năm 2013) mở rộng đối tượng được Nhà nước hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế. Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (năm 2014) mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động làm việc có hợp đồng từ 1 tháng trở lên; hoàn thiện chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng linh hoạt và phù hợp với điều kiện về việc làm và thu nhập của người lao động trong khu vực phi chính thức; khuyến khích người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội.
Đặc biệt, tại Đại hội XII của Đảng (2016), vấn đề ASXH được nâng lên tầm mới, gắn liền với sự phát triển của xã hội. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: Bảo đảm ASXH là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới. Đảng cũng chỉ rõ những định hướng bảo đảm ASXH là tiếp tục hoàn thiện chính sách ASXH phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống ASXH tới mọi người dân, hướng tới mục tiêu thực hiện ASXH toàn dân; khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm ASXH của mỗi người dân; gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách ASXH, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện bảo đảm ASXH và phát huy khả năng tự bảo đảm ASXH của mình.
Gần đây nhất, Nghị quyết 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội ban hành ngày 23-5-2018, đã có sự tiếp cận toàn diện và tích hợp để giải quyết những thách thức ASXH hiện nay. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đây là nghị quyết mang tính đột phá về cải cách bảo hiểm xã hội, đưa Việt Nam tiệm cận các nền kinh tế tiên tiến nhất trên thế giới trong lĩnh vực chính sách ASXH.

2 nhận xét:

  1. Đảng, Nhà nước ta mà tất cả mọi việc đều vì dân; cho nên đã luôn quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội

    Trả lờiXóa