Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

MỘT SỐ GIẢI PHÁP KẾT HỢP HÀI HÒA LỢI ÍCH CÁ NHÂN VÀ LỢI ÍCH XÃ HỘI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Một là, nâng cao nhận thức của các chủ thể lợi ích trong việc giải quyết quan hệ lợi ích, nhất là giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội
Nâng cao nhận thức của các chủ thể lợi ích để các chủ thể lợi ích xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong các quan hệ lợi ích, tránh xung đột lợi ích giữa các chủ thể. Cần nâng cao nhận thức của các chủ thể về tầm quan trọng của sự thống nhất lợi ích. Mỗi chủ thể cần được giáo dục để tự đặt lợi ích của bản thân trong mối quan hệ với các lợi ích khác. Trong mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, chủ thể cá nhân cần nhận thức được rằng, lợi ích xã hội chỉ có thể đạt được khi mỗi cá nhân cố gắng thực hiện tốt các lợi ích chính đáng của mình thông qua việc tích cực học tập, lao động, rèn luyện, hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ; mặt khác chủ thể của lợi ích xã hội chủ yếu là Đảng, Nhà nước cũng cần nhận thức được rằng, muốn  thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phải quan tâm đến lợi ích thiết thực của mọi cá nhân, của từng đối tượng, nhất là quan tâm đến những người có công với cách mạng, những đối tượng yếu thế trong xã hội, thực hiện tốt ASXH và PLXH.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện chính sách về sở hữu, phân phối và tổ chức thực hiện tốt các chính sách trên thực tế để giải quyết quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội
Theo đó, cần tiếp tục thực hiện nhất quán một chế độ pháp lý kinh doanh cho các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế. Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật, tạo cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận các nguồn lực. Cụ thể hóa các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận tài sản công của mọi chủ thể trong nền kinh tế, trong đó, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Hoàn thiện thể chế bảo vệ nhà đầu tư, quyền sở hữu và quyền tài sản của mọi chủ thể. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, năng lực quản trị tiên tiến. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, nhất là với doanh nghiệp nhà nước.
Ba là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách tiền lương, kết hợp thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội
Cùng với đó, Đảng, Nhà nước cần thực hiện tốt chính sách ASXH, PLXH trong toàn xã hội, nhất là đối với các đối tượng còn nhiều khó khăn như nông dân, công nhân, những đồng bào vùng sâu, vùng xa, đối tượng chính sách... thực hiện tốt chính sách xóa đói, giảm nghèo, thực hiện thật tốt các chế độ, chính sách, nâng cao đời sống đối với các đối tượng có công với cách mạng, đảm bảo cho họ được hưởng thụ các giá trị căn bản của sự phát triển như đời sống vật chất, y tế, giáo dục, hưởng thụ các giá trị văn hóa - xã hội khác. Thực hiện tốt chính sách tiền lương theo Đề án cải cách tiền lương đã được ban hành, đảm bảo tiền lương thực sự đảm bảo cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt đối với người công nhân; có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với những nhân tài của từng lĩnh vực, địa phương.
Bốn là, thực hiện các giải pháp đảm bảo công khai, minh bạch nhằm ngăn chặn những hành vi tiêu cực như tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm
Đảng, Nhà nước cần thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp công khai, minh bạch để phòng ngừa các hiện tượng tham ô, tham nhũng, lãng phí. Nâng cao năng lực, hiệu quả sử dụng tài sản công, phát huy tốt trách nhiệm giải trình, thực hiện tốt các biện pháp công khai tài chính, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức... Trên phạm vi toàn xã hội, cần phải tiến tới một xã hội minh bạch, trên cơ sở quản lý tốt việc sở hữu tài sản của mỗi cá nhân, xây dựng một xã hội hạn chế dùng tiền mặt, quản lý chặt chẽ các nguồn tiền trong thanh toán... Mặt khác, cần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm tội tham ô, tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, trốn thuế, hàng giả, hàng kém chất lượng... đây là những hành vi phá hoại nghiêm trọng các quan hệ lợi ích, gây tổn hại tới cả LICN và các mục tiêu của LIXH.
Năm là, khuyến khích cá nhân thực hiện lợi ích chính đáng của mình đồng thời bảo đảm lợi ích xã hội
Cần tích cực khuyến khích mỗi cá nhân tích cực vươn lên trong học tập, lao động, sản xuất - kinh doanh, lập thân, lập nghiệp bằng nhiều cơ chế, chính sách cụ thể, nhất là trong khởi nghiệp nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho sự phát triển. Thông qua các biện pháp giáo dục - đào tạo, tuyên truyền, các hoạt động thực tiễn phong phú để họ thấy rằng, để thỏa mãn các nhu cầu, lợi ích của bản thân, trước hết cần có sự cố gắng, rèn luyện, cần cù, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, đóng góp cho xã hội; đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, vi phạm các lợi ích chính đáng của bản thân từ các chủ thể khác; loại bỏ tư tưởng tự mãn, ỷ lại; có cái nhìn tích cực về các vấn đề của xã hội, tìm ra những cơ hội cho sự phát triển của mỗi cá nhân. 

2 nhận xét:

  1. Quan tâm đến lợi ích cá nhân chính là quan tâm đến lợi ích xã hội; dân giàu thì nước sẽ mạnh

    Trả lờiXóa