Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tin giả là nhiệm vụ cơ bản,
thường xuyên của cả hệ thống chính trị, toàn dân, trước hết là của cơ quan chức
năng và là vấn đề cấp thiết hiện nay; trong đó, tập trung thực hiện tốt mấy nội
dung giải pháp cơ bản sau:
Trước hết, cần
nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, nhận thức, năng lực
phân biệt, xử lý tin giả và tác hại của nó cho các đối tượng. Đây là vấn đề cơ
bản, quan trọng hàng đầu trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tin giả. Thực tế
cho thấy, tin giả thường không hề dễ phân biệt, lan truyền rộng trong xã hội, với
đủ loại đối tượng, nên chỉ khi nào mọi người dân cùng chung sức đấu tranh ngăn
chặn, thì việc loại trừ tin giả và tác hại của nó mới có hiệu quả. Vì thế, công
tác này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, với
những nội dung, hình thức, phương tiện phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Quá
trình thực hiện, cần tập trung làm rõ nguồn gốc, khái niệm, bản chất, phương thức
tồn tại, lan truyền, tác hại của tin giả. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính
xác cho người dân những thông tin chính thống về mọi mặt của đời sống xã hội,
nhất là trước dịp diễn ra kỷ niệm lớn, sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước,
v.v. Đặc biệt, cần đi sâu, làm cho nhân dân thấy rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá
của các thế lực thù địch; làm rõ những vấn đề phức tạp mà xã hội đang quan
tâm,… không để người dân bị “đói”, bị “nhiễu” thông tin, tạo điều kiện cho tin
giả lộng hành. Cơ quan chức năng cần hướng mạnh công tác tuyên truyền tới học
sinh, sinh viên, thanh niên, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo,
nơi đặc biệt khó khăn; thực hiện hiệu quả cơ chế cung cấp thông tin (người phát
ngôn), v.v. Qua đó, làm cho nhân dân nhận rõ thật, giả, đúng, sai, kiên quyết
không xem, không chia sẻ, không lan truyền tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng;
tích cực lên án, phối hợp cùng cơ quan chức năng đấu tranh, ngăn chặn, loại trừ
tin giả, làm trong sạch môi trường thông tin trong xã hội.
Thứ hai, phát
huy vai trò cơ quan báo chí, truyền thông trong định hướng dư luận xã hội, đấu
tranh loại bỏ tin giả. Việt Nam có hệ thống cơ quan báo chí, truyền thông với đội
ngũ người làm báo hết sức hùng hậu, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức,
kiến thức, trình độ, năng lực tốt; hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật
Việt Nam (khoản 1 Ðiều 14, Luật Báo chí). Họ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và
nhân dân, đóng góp quan trọng trong giữ vững “trận địa thông tin”, bảo vệ quyền
tự do thông tin, làm trong sạch môi trường thông tin trong xã hội. Với nhiều
phương pháp, hình thức chủ động, sáng tạo, cơ quan chức năng các cấp kịp thời
cung cấp thông tin chính xác để báo chí, truyền thông chuyển tải nhanh, nhạy,
đúng, trúng đến người dân, góp phần quan trọng ngăn chặn, phản bác, đầy lùi tin
giả. Hiện nay, Việt Nam có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo,
648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động
phát thanh - truyền hình với 02 đài Quốc gia, 64 đài địa phương, 05 kênh truyền
hình. Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí
(cả 4 loại hình), trong đó có 20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo. Đây là
lực lượng quan trọng, vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân để đấu
tranh, ngăn chăn, đẩy lùi tin giả. Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh việc tinh,
gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, cơ quan báo chí, truyền thông, đội
ngũ người làm báo cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước, thực tiễn đất nước, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tiếp tục
phát huy tốt vai trò trong tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, kiên quyết
đấu tranh loại bỏ thông tin “bẩn”, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc
đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, nhân dân của thế lực
thù địch, v.v.
Thứ ba, tiếp
tục xây dựng, củng cố, nâng cao hơn nữa chất lượng của lực lượng nòng cốt,
chuyên sâu. Đây là giải pháp có ý nghĩa trực tiếp quyết định đến hiệu quả đấu
tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tin giả. Lực lượng nòng cốt, chuyên sâu là lực lượng
trực ban, tác chiến thường trực, được bố trí ở các cấp trong hệ thống chính trị,
đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ lý luận, nhiệt
huyết, dũng khí; có trình độ, khả năng chuyên môn cao; sử dụng tốt các phương
tiện kỹ thuật để khai thác, phản bác thông tin xấu độc. Vì thế, bên cạnh tăng
cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng lực lượng đáp ứng yêu cầu đề ra, các
cấp cần chú trọng bồi dưỡng họ về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, kiến
thức, phương pháp, kỹ năng đấu tranh, phản bác tin giả; có cơ chế, chính sách
phù hợp khuyến khích, động viên họ tự học, tự rèn nâng cao kiến thức, trình độ,
năng lực xử lý thông tin độc hại, nhất là ở những thời điểm phức tạp, những vấn
đề dư luận quan tâm. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ
thuật tiên tiến, hiện đại,… đảm bảo cho lực lượng này phát huy năng lực, đấu
tranh, loại trừ tin giả một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Thứ tư, kịp
thời điều tra, có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng tung tin giả theo quy định
của pháp luật. Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng đã điều tra, xét xử nhiều
cá nhân tung tin giả xâm phạm quyền, lợi ích của không ít cá nhân, tổ chức và đất
nước (riêng quý I/2020, đã có 654 trường hợp bị phạt vì tung tin giả về dịch
Covid -19, với số tiền gần 02 tỷ đồng được dư luận rất đồng tình, ủng hộ),
nhưng nạn tin giả vẫn diễn biến rất phức tạp, gây hệ lụy khó lường. Nhà nước ta
là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi tổ chức, cá nhân sinh sống, học tập,
công tác ở Việt Nam đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật về thông tin; những
tổ chức, cá nhân nào vi phạm nhất định phải bị điều tra, xét xử, với những chế
tài cụ thể theo quy định, nhất là hành vi tung tin giả trong tình hình hiện
nay. Vì vậy, các cấp cần nắm chắc các điều quy định trong Bộ luật Hình sự, Luật
An ninh mạng,…. thực hiện nghiêm quy chế, quy định sử dụng thông tin; quản lý,
nắm chắc địa bàn, nội bộ và các mối quan hệ xã hội của từng người; giữ nghiêm kỷ
luật phát ngôn, kỷ luật thông tin, nhất là khi trao đổi, chia sẻ thông tin
trong xã hội, trên các trang mạng xã hội, blog cá nhân, v.v. Trong thực hiện,
cơ quan chức năng phải chỉ rõ nguồn gốc, lực lượng, nội dung, mục đích phát
tán, xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật, kiên quyết không để
tin giả lộng hành.
Hiện nay có rất nhiều thông tin giả, không trung thực trên các trang MXH; chúng ta phải chọn lọc để không nhiễm phải các thông tin xấu độc
Trả lờiXóaCác trường hợp tung tin sai sự thật về dịch bệnh, gây hoang mang dư luận phải bị xử lý nghiêm khắc
Trả lờiXóa