Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Vì sao phải xây dựng các tiêu chí đánh giá bình đẳng giới trong quản lý cán bộ, công chức?

Việc xây dựng các tiêu chí đánh giá bình đẳng giới trong quản lý cán bộ, công chức là cấp thiết, xuất phát từ một số lý do cơ bản sau: 
Một là, tiêu chí là cơ sở để đánh giá hiện trạng bình đẳng giới trong quản lý cán bộ, công chức, từ đó chỉ ra những điểm chưa hợp lý từ góc độ bình đẳng giới trong quản lý cán bộ, công chức. Tiêu chí đánh giá có vai trò như thước đo về bình đẳng giới trên các phương diện về xây dựng chính sách, pháp luật, tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. 
Hai là, tiêu chí đánh giá là định hướng để bảo đảm công bằng và nâng cao bình đẳng giới trong quản lý cán bộ, công chức. Nếu có tiêu chí đánh giá xác đáng sẽ bảo đảm công bằng, bảo đảm tính đại diện về giới trong hoạt động công vụ, thể hiện như sau: 
Bảo đảm sự công bằng trong hoạt động công vụ: Phụ nữ và nam giới đều có những lợi thế, những mặt mạnh riêng, vì vậy, giới không thể là rào cản trong việc gia nhập và phục vụ nền công vụ của mỗi cá nhân. Ở mỗi quốc gia, vấn đề bảo đảm sự tham gia của nữ giới vào hoạt động công vụ đều được chú ý và có những biện pháp để tăng tỷ lệ nữ giới gia nhập nền công vụ, tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước. 
Bảo đảm tính đại diện của mỗi giới trong hoạt động công vụ: Mỗi chính sách đều có những tác động khác nhau đối với nam và nữ, xuất phát từ sự khác biệt giữa nam và nữ về trách nhiệm gia đình, hình thức công việc đảm nhận trong thị trường lao động, khả năng tiếp cận các nguồn lực cơ bản, như nguồn vốn, tài sản và tín dụng. Đặc biệt, đối với các cơ quan hành chính nhà nước, công chức còn phải chịu trách nhiệm trước người dân, đại diện và phục vụ cho lợi ích của nhân dân.

Bảo đảm tính hình mẫu và định hướng xã hội của hoạt động công vụ: Công vụ là hình ảnh của Nhà nước trước cộng đồng xã hội. Thực tiễn sử dụng lao động của Chính phủ sẽ là chuẩn mực cho các cơ quan khác. Sự cân bằng giữa nam và nữ trong các cơ quan hành chính nhà nước sẽ là một mô hình mẫu, định hướng giá trị cho các cơ quan, tổ chức khác trong xã hội.

Ngôn ngữ, ngữ hệ của các dân tộc ở Việt Nam hiện nay

Ngôn ngữ của các tộc người ở Việt Nam hiện nay được phân loại thành 4 ngữ hệ: Nam Á, Thái, Nam - Đảo, Hán - Tạng bao gồm 6 nhóm ngôn ngữ. Trong đó, ngữ hệ Nam Á có số tộc người sử dụng đông nhất, gồm ngôn ngữ của các tộc người tại chỗ, cư trú từ miền núi đến đồng bằng trên cả nước. Ngữ hệ Thái và ngữ hệ Hán - Tạng chủ yếu phân bố ở miền Bắc. Ngữ hệ Nam - Đảo gồm một số tộc người ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cụ thể:
Ngữ hệ Nam Á gồm 32 ngôn ngữ tộc người với 4 nhóm ngôn ngữ:
Nhóm Việt - Mường có 4 ngôn ngữ chính: Việt, Mường, Thổ, Chứt.
Nhóm Môn - Khơme có 21 ngôn ngữ: Khơ-me, Ba-na, Cờ-ho, Xơ-đăng, Hrê, Mnông, Xtiêng, Bru - Vân Kiều, Cơ-tu, Khơ-mú, Tà-ôi, Mạ, Co, Gié - Triêng, Xinh-mun, Chơ-ro, Mảng, Kháng, Rơ-măm, Ơ-đu, Brâu.
Nhóm Hmông - Dao có 3 ngôn ngữ: Hmông (Mèo), Dao, Pà Thẻn.
Nhóm hỗn hợp có 4 ngôn ngữ: La Chí, La Ha, Cơ Lao, Pu Péo.
Ngữ hệ Thái gồm 8 ngôn ngữ: Tày, Thái, Nùng, Sán Chay, Giáy, Lào, Lự, Bố Y.
Ngữ hệ Nam - Đảo gồm 5 ngôn ngữ: Raglai, Êđê, Chăm, Gia rai, Churu.
Ngữ hệ Hán - Tạng gồm 9 ngôn ngữ:
Nhóm Hán có 3 ngôn ngữ: Hoa (Hán), Sán dìu, Ngái.

Nhóm Tạng - Myanma có 6 ngôn ngữ: Hà Nhì, Phù Lá, La Hủ, Lô Lô, Cống (Coóng), Si La.

Nguồn gốc nhân chủng của tộc người Việt (Kinh)

Vấn đề nguồn gốc tộc người Việt (Kinh) đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước. Hiện nay, các quan điểm đều thống nhất cho rằng, người Việt là kết quả hỗn chủng giữa đại chủng Môngôlôit và  cư dân thuộc loại hình nhân chủng Anhđônêdiêng tại chỗ.
Vào thời kỳ đồ đá mới cách đây 4-5 nghìn năm, qua nghiên cứu nhân chủng di cốt đào được ở các di chỉ Bình Gia, Làng Cườm (Lạng Sơn) cho thấy rằng, loại hình nhân chủng Anhđônêdiêng đã cư trú từ lâu ở Việt Nam. Loại hình này là kết quả hỗn chủng lâu dài giữa tiểu chủng Nam Môngôlôit ở phía Bắc xuống và cư dân tại chỗ thuộc chủng tộc Ôtxtralôit từ thời kỳ đồ đá giữa sang đầu thời kỳ đồ đá mới (8 - 15.000 năm). Họ là chủ nhân của các nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn... ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam.
Đến thời đại đồ đồng, cách đây khoảng 3,5-4 nghìn năm, các di cốt của loại hình nhân chủng Nam Á cổ đã xuất hiện ở Bắc Việt Nam và là tổ tiên trực tiếp của người Việt. Từ các di chỉ khảo cổ cho thấy, hình dáng người Việt cổ bấy giờ đã khá điển hình cho người Việt hiện nay. Qua đo đạc các di cốt hóa thạch tìm được, các nhà khoa học kết luận, loại hình Nam Á cổ (Việt cổ) là kết quả chuyển biến hình thái của cư dân Anhđônêdiêng tại chỗ, song không phải là quá trình tự động tiến hóa mà bao gồm nhiều giai đoạn, khi thì mang tính nội tại, khi thì pha trộn nhiều yếu tố nhân chủng; và là kết quả hỗn chủng giữa  tiểu chủng Nam Môngôlôit ở phía Bắc di cư xuống với người Anhđônêdiêng đã cư trú lâu dài trước đó. Từ Bắc Đông Dương, loại hình Nam Á cổ tiếp tục phát triển và tác động ngày một sâu đậm ra xung quanh tới tận các vùng hải đảo Đông Nam Á.

Như vậy, người Việt cổ là kết quả hỗn chủng hàng nghìn năm của nhiều loại hình nhân chủng với yếu tố chủng tộc Môngôlôit ngày càng vượt trội. Vào thời đại đồ đồng thau, người Việt cổ đã cư trú ổn định ở Bắc Việt Nam, đã sáng tạo ra văn minh Sông Hồng, Sông Mã với nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng, tạo dựng nền móng vững chắc cho quốc gia dân tộc Việt Nam.

Nguồn gốc và đặc điểm nhân chủng của các tộc người ở Việt Nam

Hiện nay, 54 tộc người ở Việt Nam đều thuộc 2 loại hình nhân chủng là Anhđônêdiêng và Nam Á của tiểu chủng Nam Môngôlôit, chủng tộc Môngôlôit. Trong đó, loại hình nhân chủng Nam Á chiếm số lượng chủ yếu. Các tộc người lớn như Việt, Mường, Tày, Thái, Hmông, Dao, Khơme, Chăm... đều thuộc loại hình nhân chủng Nam Á. Các tộc người nhóm ngôn ngữ Việt - Mường là loại hình Nam Á điển hình. Các tộc người thuộc loại hình Anhđônêdiêng như: các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên, người Bru-Vân Kiều, Tà-ôi ở Trung Trung Bộ. Các cư dân nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme ở Tây Bắc là các tộc người trung gian giữa loại Nam Á và Anhđônêdiêng, nhưng họ giống loại hình nhân chủng Nam Á hơn; họ tập trung chủ yếu ở phía Bắc, càng về phía Nam thì yếu tố nhân chủng Nam Á nhạt dần.
Các tộc người ở Việt Nam có chung các đặc điểm nhân chủng như: tóc đen thẳng, lông trên người ít phát triển, gò má nhô trung bình, cánh mũi bè và dẹt thiên về trung bình, kích thước đầu và mặt thuộc loại trung bình, tầm vóc trung bình thiên về thấp. Giữa hai loại hình nhân chủng ở Việt Nam cũng có sự khác biệt nhất định như sau:
Đặc điểm
Loại hình Nam Á
Loại hình Anhđônêdiêng
Tầm vóc
Cao hơn
Thấp hơn
Màu da
Sáng hơn
Thẫm hơn
Dạng đầu
Đầu ngắn
Đầu dài thiên về trung bình
Hình dạng mũi
Hẹp hơn
Rộng và bẹt hơn
Tóc
Đen, thẳng, tóc sóng rất ít
Tỷ lệ uốn sóng nhiều hơn
Khuôn mặt
Trung bình
Mặt ngắn, bè

Như vậy, ở loại hình nhân chủng Nam Á ,yếu tố Môngôlôit trội hơn, trong khi đó các tộc người thuộc loại hình Anhđônêdiêng còn mang một số đặc điểm hình thái của chủng tộc Ôxtralôit. Nhưng cần phải tính đến điều kiện môi trường cư trú vì nó tác động không nhỏ đến đặc điểm hình thái cơ thể.

Những đặc điểm cơ bản của các dân tộc ở Việt Nam

Các dân tộc có tỷ lệ số dân và trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều. Các dân tộc có quá trình lịch sử phát triển khác nhau, trong điều kiện tự nhiên, xã hội có nét khác nhau, dẫn đến số dân và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc rất không đều nhau. Theo Tổng điều tra năm 2009, dân tộc Kinh chiếm 86,2% dân số, 53 dân tộc thiểu số chiếm 13,8%, trong đó có 12 dân tộc có số dân từ 10 vạn người trở lên; 21 dân tộc có số dân từ 1 vạn đến 10 vạn người; 15 dân tộc có số dân từ 1.000 người trở nên; 5 dân tộc có số dân dưới 1.000 người.
Các tộc người nước ta có trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều. Có những tộc người dân số ít đời sống kinh tế - xã hội còn kém phát triển, dấu ấn nguyên thủy còn khá đậm nét, tỷ lệ đói nghèo cao, dân trí thấp. Ngược lại, các tộc người ở vùng đồng bằng châu thổ có trình độ kinh tế - xã hội vượt trội so với nhóm cư dân vùng cao biên giới. Qua mấy chục năm đổi mới, mặc dù đã thu được những thành tựu quan trọng, nhưng trình độ phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng tộc người thiểu số so với tộc người đa số vẫn còn chênh lệch lớn.
      Các dân tộc ở Việt Nam cư trú đan xen ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Dân tộc Kinh cư trú chủ yếu ở đồng bằng, thành phố, các dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu là vùng miền núi, biên giới, với diện tích tự nhiên chiếm 3/4 diện tích đất liền quốc gia. Đây là vùng có vị trí địa lý, kinh tế và quốc phòng quan trọng. Hiện nay xu hướng đan xen ngày càng tăng lên.
     Các dân tộc ở Việt Nam cùng chung sống gắn bó, đoàn kết tương trợ. Đây là truyền thống quý báu xuất phát từ yêu cầu khác quan trong lao động sản xuất, chinh phục tự nhiên và đấu tranh chống ngoại xâm, phát triển quốc gia dân tộc. Thực tế, sự hình thành đồng bằng Bắc Bộ cùng với hàng ngàn kilômét đê sông, đê biển là chứng tích của một dân tộc đa tộc người hợp sức dựng nên. Trước vận mệnh chung, lợi ích chung, để tồn tại, không bị đồng hóa, các dân tộc ở Việt Nam buộc phải sớm đoàn kết để chống ngoại xâm, bảo vệ sự sống còn của từng tộc người và cả cộng đồng dân tộc.
    Mỗi tộc người đều có ngôn ngữ và sắc thái văn hoá riêng, góp phần tạo nên nền văn hoá Việt Nam thống nhất trong đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Hầu hết các tộc người đều có ngôn ngữ riêng song các ngôn ngữ đều thuộc trong 4 ngữ hệ lớn ở Đông Nam Á. Do điều kiện sống xen kẽ và nhu cầu giao tiếp nên ở nhiều tộc người thường sử dụng song ngữ hay đa ngữ.  Tiếng Việt là quốc ngữ, được dùng làm phương tiện giao tiếp của tất cả các tộc người. Tiếng mẹ đẻ của tộc người vẫn được tôn trọng, gìn giữ và phát huy. Trên các lĩnh vực: văn hoá sản xuất, kiến trúc, xây dựng, văn hoá ăn, mặc, phong tục tập quán, lối sống của mỗi tộc người đều có những nét riêng, độc đáo. Kho tàng văn hoá dân gian của các dân tộc vô cùng phong phú và có giá trị lớn, bao gồm các làn điệu dân ca, các điệu múa, các bản trường ca, v.v....

Các dân tộc ở Việt Nam có chung những giá trị văn hóa cao đẹp: cần cù chịu khó, thông minh trong sản xuất; gắn bó hoàn đồng với thiên nhiên; không khoan nhượng với kẻ thù; nhân hậu vị tha, khiêm nhường với con người, tuy nhiên các dân tộc vẫn còn các phong tục tập quán lạc hậu.   

Những yếu tố tác động đến sự ra đời cộng đồng dân tộc Việt Nam

Ở Việt Nam, cộng đồng dân tộc ra đời sớm hơn nhiều nước trên thế giới do đặc điểm các hình thái kinh tế - xã hội tiền tư bản của xã hội phương Đông và những điều kiện lịch sử cụ thể nước ta qui định:
Do đặc điểm của các hình thái kinh tế - xã hội trước chủ nghĩa tư bản. Việt Nam không trải qua thời kỳ chiếm hữu nô lệ kiểu phương Tây. Kết thúc thời nguyên thủy, các công xã thị tộc chuyển lên thành công xã nông thôn, có tính tự trị cao. Sở hữu ruộng đất thuộc về công xã (làng xã). Phân hóa xã hội chậm chạp. Nông dân chiếm số lượng chủ yếu. Nhà nước vừa bóc lột vừa quan tâm chức năng xã hội, đã tạo ra sự cố kết cộng đồng quốc gia từ sớm. Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc là thời kỳ thịnh trị của hình thái này.
Từ năm 939, nước ta bước vào thời kỳ phong kiến. Công xã nông thôn vẫn tồn tại phổ biến và có quyền tự trị rất lớn. Sở hữu ruộng đất thuộc về đại bộ phận công xã và chia ruộng cho nông dân. Tư hữu ruộng đất nảy sinh muộn và tăng tiến dần nên mâu thuẫn xã hội không gay gắt. Đất nước không có sự cát cứosphong kiến như ở phương Tây. Nhà nước phong kiến tập quyền ra đời sớm và tiếp tục lãnh đạo nhân dân chống giặc ngoại xâm, lao động sản xuất.
Các đặc trưng kinh tế - xã hội đó đã tạo ra sự cố kết cộng đồng tộc người cả nước, đẩy nhanh quá trình hình thành dân tộc.
Do yêu cầu chinh phục thiên nhiên phát triển nông nghiệp trồng lúa nước. Từ thời bộ tộc Văn Lang đến nay, nước ta là một nước nông nghiệp trồng lúa nước, toàn bộ đời sống xã hội vận hành trên nền tảng nông nghiệp lúa nước.
Nông nghiệp lúa nước Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên,  vừa thuận lợi, vừa có nhiều khó khăn, thách thức; hạn hán, lũ lụt xảy ra thường xuyên. Để duy trì, phát triển nông nghiệp lúa nước, cư dân các tộc người, vùng miền sớm phải cố kết, tập hợp lại dưới sự lãnh đạo của các nhà nước để trị thủy và thủy lợi, khai hoang đồng ruộng, phát triển sản xuất, đắp đê ngăn lũ, đào sông ngòi tưới tiêu. Công cuộc chinh phục thiên nhiên phát triển nông nghiệp lúa nước đã đặt ra yêu cầu khách quan phải đoàn kết, cố kết nhân dân các vùng miền trong nước, thúc đẩy nhanh quá trình dân tộc Việt Nam.
Do yêu cầu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Việt Nam có vị trí địa - chính trị quan trọng ở Đông Nam Á nên thường xuyên thu hút sự nhòm ngó của kẻ thù, nhất là các đế chế phương Bắc.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước. Hiếm có quốc gia nào lại phải liên tục chống ngoại xâm nhiều như Việt Nam. Không triều đại nào của Trung Quốc là không xâm lược Việt Nam. Kẻ thù xâm lược thường mạnh hơn ta rất nhiều về tương quan lực lượng nên các cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta rất khốc liệt. Chiến tranh chống giặc ngoại xâm đã đặt ra yêu cầu khách quan là phải đoàn kết, hợp sức các tộc người, các giai tầng trên mọi miền đất nước dưới sự lãnh đạo của chính quyền trung ương để đánh giặc giữ nước. Điều đó đã thúc đẩy mạnh mẽ sự cố kết tộc người, sự gắn bó, thống nhất của các dân tộc Việt Nam.
Do kết cấu thành phần tộc người ở nước ta. Từ thời Hùng Vương dựng nước đến nay, nước ta luôn là quốc gia đa thành phần tộc người. Các tộc người cùng cư trú đan xen, không có lãnh thổ tộc người riêng, sớm có giao lưu về nhiều mặt. Đồng bào cùng chung một vận mệnh, lợi ích trong dựng nước và giữ nước, cùng nhau sáng tạo nên một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng với các giá trị nổi bật là đoàn kết, tương trợ, yêu nước… Tộc người Việt luôn là cư dân đa số, đóng vai trò là hạt nhân đoàn kết và cố kết các tộc người khác. Đặc điểm kết cấu tộc người đó sớm tạo ra sự đoàn kết, tương trợ trong lãnh thổ quốc gia thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ dân tộc.

Các đặc điểm trên cùng liên kết tác động, thúc đẩy nhanh chóng sự ra đời dân tộc Việt Nam; quy định kết cấu, diện mạo, bản sắc của dân tộc ta.

Các hình thức cộng đồng tộc người ở Việt Nam trong lịch sử

Việt Nam nằm trong cái nôi nguyên thủy của loài người. Các tộc người nước ta đã trải qua đầy đủ các hình thức cộng đồng tộc người trong lịch sử.
Thời kỳ thị tộc - bộ lạc
Giai đoạn đầu của thị tộc mẫu hệ ở nước ta đã được các nhà khảo cổ học tìm thấy thông qua nền văn hóa khảo cổ Sơn Vi (Phú Thọ) có niên đại cách đây 15-20 nghìn năm. Lúc này, các thị tộc - bộ lạc đã có sự phân bố rộng, mật độ cư trú khá dày, có nơi cư trú ở ngoài trời, có nơi ở hang động (miền núi, trung du phía Bắc: Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang,...). Tiếp đó, thị tộc mẫu hệ phát triển cao qua thời kỳ Văn hóa Hòa Bình (Hòa Bình) có niên đại cách đây 8-11 nghìn năm, phân bố rộng ở Việt Nam. Nông nghiệp trồng lúa đã nảy sinh, thị tộc mẫu hệ đạt cực thịnh với biểu hiện là ngôi nhà dài còn đến ngày nay.
Giai đoạn thị tộc phụ hệ là thời kỳ Văn hóa Phùng Nguyên (niên đại khoảng 4.000 năm nay), rồi phát triển mạnh mẽ qua các giai đoạn kế tiếp: Văn hóa Đồng Đậu (3.500-3.100 năm), Văn hóa Gò Mun (3.000 năm). Các thị tộc - bộ lạc phân bố trải rộng ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Đứng đầu bộ lạc là thủ lĩnh có uy tín gọi là Pò Khun (Khun - Hùng), Cun - Lang Cun. Lúc này, nông nghiệp lúa nước đã thuần thục, chăn nuôi khá phát triển, công cụ lao động đồ đá được chế tác tinh xảo, công cụ đồ đồng đã xuất hiện. Người đàn ông chiếm vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội, hôn nhân cư trú bên chồng, con tính theo họ của cha, vai trò của già làng, trưởng bản trở nên quan trọng...
Thời kỳ bộ tộc
Vào cuối thời kỳ thị tộc - bộ lạc, cách đây 3-4 nghìn năm, công cụ lao động đồ kim khí bắt đầu xuất hiện ở miền núi và trung du Bắc Bộ, năng suất lao động tăng lên, tư hữa ra đời. Tầng lớp trên của các bộ lạc đã hình thành nên một cộng đồng chính trị xã hội - cộng đồng bộ tộc, thành lập nên nhà nước Văn Lang. Bộ tộc Văn Lang hay còn gọi là bộ tộc Lạc Việt ra đời trên cơ sở liên minh 15 bộ lạc ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, ngoài yếu tố giai cấp còn do yêu cầu trị thủy, canh tác lúa nước và chống ngoại xâm phương Bắc. Đến thế kỷ VII tr.CN, liên minh các bộ lạc đã cố kết với nhau tạo thành bộ tộc Lạc Việt, hình thành nên nhà nước Văn Lang - nhà nước của các vua Hùng. Dấu ấn bộ tộc về sau có thể thấy ở xã hội của người Thái, Tày, Nùng, Hmông, Mường tính đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Thời kỳ dân tộc
Loại hình cộng đồng tộc người dân tộc ở Việt Nam đã hình thành từ sớm, do những đặc điểm của các hình thái kinh tế - xã hội tiền tư bản nước ta và điều kiện lịch sử cụ thể đặc thù ở Việt Nam quy định. Trên nền tảng bản sắc độc đáo thời kỳ bộ tộc, có tiếp thu tinh hoa văn hóa Hán thời Bắc thuộc, dân tộc Việt Nam đã hình thành và xác lập cùng với sự hình thành và xác lập của chế độ phong kiến Việt Nam giai đoạn thế kỷ XI - XV.

Đến thế kỷ XV, dân tộc Việt Nam đã là một dân tộc trưởng thành với các đặc trưng dân tộc sâu sắc trên các phương diện lãnh thổ, ngôn ngữ (chữ Nôm và tiếng Việt), cơ sở kinh tế nông nghiệp lúa nước, đặc trưng văn hóa (kiến trúc, điêu khắc, tư tưởng, tinh thần, giáo dục khoa bảng, văn học, nghệ thuật), lãnh thổ quốc gia, ý thức dân tộc.

Lịch sử cư trú của các tộc người ở nước ta

Lịch sử cư trú của 54 tộc người nước ta được chia thành 2 nhóm: nhóm các tộc người tại chỗ (bản địa) và nhóm các tộc người thiên di đến Việt Nam.
- Các tộc ng­ười tại chỗ là những tộc người đã cư trú từ thời cổ đại ở Việt Nam, có quá trình phát triển liên tục từ thời kỳ đồ đá mới cách đây 4-5 nghìn năm đến nay. Các tộc người tại chỗ nước ta thuộc ba nhóm ngôn ngữ: Việt - Mường, Môn - Khơme và Nam Đảo. Đồng bào cư­ trú từ Bắc Bộ vào đến Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Nhóm ngôn ngữ Việt - M­ường gồm: Việt, Mường, Thổ, Chứt. Nhóm này là những cư dân tại chỗ lâu đời có vai trò quan trọng bậc nhất ở Việt Nam. Người Việt - Mường cổ là chủ nhân của nền văn hóa Đông Sơn thế kỷ thứ VII tr.CN, giữ vai trò chủ đạo thành lập nên nhà nước Văn Lang thời Hùng vương.
Nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme gồm: Ba-na, Xơ-đăng, Cơ-ho, Hrê, Mnông, Xtiêng, Bru - Vân Kiều, Cơ-tu, Khơ-mú, Tà-ôi, Mạ, Co, Giẻ-Triêng, Xinh-mun, Chơ-ro, Mảng, Kháng, Ơ-đu. Nhóm Môn - Khơme phía Bắc có các tộc người: Kháng, Khơ-mú, Mảng, Xinh-mun là chủ thể miền núi Tây Bắc, Bắc Trung Bộ. Hầu hết các dân tộc phân bố ở Tây Nguyên là cư dân tại chỗ như: Ba-na, Xtiêng, Mạ, Mnông, Chơ-ro…
Nhóm ngôn ngữ Nam Đảo gồm: Gia-rai, Ê-đê, Chăm, Ra-glai, Chu-ru. Họ là chủ nhân lâu đời ở Tây Nguyên và vùng Nam Trung Bộ.
Các tộc người tại chỗ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme và Nam Đảo đều có mặt ở Tây Nguyên từ thời kỳ đồ đá mới cách đây 4-5 nghìn năm.
Ngoài ra, các tộc người Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc vừa được coi là cư dân tại chỗ nước ta vừa là cộng đồng thiên di đến. Bởi vào thế kỷ thứ III tr.CN, ở lưu vực sông Cầu, sông Thương, sông Hồng, nước Âu Lạc ra đời với vị thủ lĩnh của người Âu Việt (Tày, Nùng cổ) là An Dương Vương Thục Phán (tiếng Tày - Nùng là Túc Phằn) trên cơ sở thống nhất hai bộ phận cư dân Lạc Việt và Âu Việt. Từ thế kỷ XIII, các nhóm Nùng ở Trung Quốc không chịu nổi chính sách phân biệt đối xử của các triều đại phong kiến đã từng đợt di cư vào Việt Nam, hội nhập với các nhóm Tày và Thái có mặt từ trước.
- Các tộc ng­ười di c­ư vào Việt Nam tập trung trong các nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, Hmông - Dao, Hán - Tạng.
Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái gồm: Tày, Thái, Nùng, Sán chay, Lào, Lự, Giáy, Bố Y. Họ là các tộc người tại chỗ ở Nam Trung Quốc và Bắc Lào. Hầu hết, các dân tộc này di cư vào nước ta làm nhiều đợt theo hai hướng từ phía Bắc xuống và từ phía Tây sang.
Nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao gồm: Hmông, Dao, Pà Thẻn đều di cư từ Nam Trung Quốc vào Việt Nam khoảng từ thế kỷ XII đến nửa đầu thế kỷ XX.
Nhóm ngôn ngữ Hán - Tạng gồm: Hoa (Hán), Sán Dìu, Ngái, Hà Nhì, Phù Lá, La Hủ, Lô Lô, Cống, Si La. Hầu hết các tộc người này đều thiên di từ phía Bắc vào Việt Nam.
Ngoài ra, có 3 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme là: Khơ-me, Brâu, Rơ-măm đã di cư đến Việt Nam. Người Brâu có tổ tiên ở Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Họ di cư đến nước ta khoảng 5 - 6 đời nay. Người Khơ-me có mặt sớm nhất ở vùng Tây Nam Bộ nước ta kể từ thế kỷ VII sau CN.

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Nhận diện rõ chiêu bài mới của "diễn biến hòa bình"

Từ chỗ phủ nhận sự hiện diện của chiến lược “Diễn biến hòa bình”, coi đó là “con ngáo ộp” mà Đảng Cộng sản Việt Nam “hù dọa” nhân dân; gần đây, những người thiếu thiện chí với sự lãnh đạo của Đảng lại khẳng định: “Việt Nam không cần chống diễn biến hòa bình nữa”(!). Thế là từ phủ nhận, nay lại thừa nhận, nhưng để dễ bề lừa gạt dư luận và làm cho mọi người mất cảnh giác, họ nói rằng: “Chiến lược này đã kết thúc sứ mệnh, do các “cựu thù” đã thành đối tác toàn diện hay đối tác chiến lược của Việt Nam”(!).
Luận điểm này được tuyên truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông phương Tây, nhất là sau các sự kiện: Việt Nam và Mỹ tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (tháng 7-2013) trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma lần lượt đến Hoa Kỳ và Việt Nam trong các chuyến thăm chính thức (tháng 7-2015 và tháng 5-2016). Thêm nữa, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng…” cũng được người ta che giấu mối liên hệ giữa “diễn biến hòa bình” với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, để xuyên tạc rằng: “Hiện nay, Đảng không còn yêu cầu chống diễn biến hòa bình nữa, mà tập trung vào chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên”(!).

Có thể khẳng định ngay rằng, sự thay đổi thái độ nói trên chỉ là thủ đoạn mới, nhằm thực thi chiến lược “Diễn biến hòa bình” trong bối cảnh mới ở Việt Nam có hiệu quả hơn. Thủ đoạn đó rất tinh vi và vô cùng nguy hiểm, bởi nó sẽ tạo nên sự mơ hồ, mất cảnh giác trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, nhất là những người không biết tường tận về bản chất, thủ đoạn của chiến lược này. Trên cơ sở đó, họ có thể đạt được mục đích cuối cùng là thủ tiêu chủ nghĩa xã hội, như chính cựu Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn tuyên bố trong cuốn sách “1999 - chiến thắng không cần chiến tranh”. Vì thế, trong khi “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, chúng ta phải thường xuyên đề cao cảnh giác, kiên trì thực hiện phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, kiên quyết làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI VỚI VIỆT NAM

 Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917 đã đạt tới đỉnh cao bằng việc giành chính quyền về tay nhân dân. Đây là một sự kiện lịch sử vĩ đại của loài người và nó mang cả ý nghĩa trong nước và quốc tế.
Với nước Nga
Cách mạng tháng Mười mở ra một kỉ nguyên mới và làm thay đổi hoàn toàn tình hình đất nước và số phận hàng triệu con người ở Nga.
Lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga, giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc được giải phóng. Thoát khỏi mọi gông xiềng nô lệ, đứng lên làm chủ đất nước và vận mệnh của mình.
Lịch sử nước Nga bước sang một trang mới – một chế độ xã hội mới được thiết lập – chế độ xã hội chủ nghĩa với mục tiêu cao cả là xóa bỏ chế độ người bóc lột người; xây dựng một xã hội tự do, hạnh phúc, bình đẳng và công bằng cho mọi người lao động.
Với Thế giới
Cách mạng tháng Mười có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tiến trình lịch sử và cục diện Thế giới. Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười và sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa Xô Viết đầu tiên trên Thế giới đã làm cho chủ nghĩa tư bản không còn là một hệ thống hoàn chỉnh bao trùm Thế giới. Thế giới đã phân chia thành 2 hệ thống xã hội đối lập: Hệ thống xã hội Tư bản chủ nghĩa; Hệ thống xã hội Xã hội chủ nghĩa.
Cách mạng tháng Mười để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho Cách mạng Thế giới về sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản, về khối liên minh công nông và nghệ thuật chớp thời cơ để giành thắng lợi.
Cách mạng tháng Mười đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào Cách mạng của giai cấp công nhân Quốc tế, chỉ ra cho họ con đường đi tới thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Ngay sau khi Cách mạng tháng Mười thắng lợi, một cao trào Cách mạng vô sản đã bùng nổ ở Châu Âu (1918 – 1923) làm chấn động dữ dội nền thống trị của giai cấp tư sản nhiều nước. Quốc tế Cộng sản được thành lập năm 1919 và hoạt động đến năm 1943 có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển và thắng lợi của phong trào nông dân nhiều nước.
Cách mạng tháng Mười mở ra một thời kì mới trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi và khu vực Mĩ La-tinh. Một xu hướng mới đã xuất hiện trong phong trào giải phóng dân tộc nhiều nước, xu hướng đi theo con đường Cách mạng vô sản dưới ngọn cờ tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin với những nhận thức mới.
Phong trào giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của phong trào Cách mạng vô sản Thế giới.
Tính tất yếu của sự kết hợp chặt chẽ giữa phong trào cách mạng của giai cấp vô sản và phong trào giải phóng dân tộc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung và chủ nghĩa đế quốc. Nhờ đó, phong trào giải phóng dân tộc nhiều nước phát triển mạnh mẽ, Đảng Cộng sản ở nhiều nước ra đời và giành được những thắng lợi quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Như ánh mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu rọi khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa có cuộc Cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
Ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười đối với Việt Nam
Năm 1920, sau khi đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Đó là con đường đi theo Cách mạng tháng Mười Nga, con đường Cách mạng vô sản.
Tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam là “Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên” thành lập năm 1925 được sự huấn luyện và giảng dạy trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc đã nâng cao ý thức chính trị cho thanh niên Việt Nam. Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần tội ác của thực dân Pháp, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin và kinh nghiệm xây dựng Đảng vô sản kiểu mới ở Nga. Qua đó, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930.
Ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười đến Việt Nam thông qua con đường sách báo, lí luận và qua các thanh niên tiến bộ giữa lớp huấn luyện tại Quảng Châu của Nguyễn Ái Quốc.
Từ kinh nghiệm thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Mười, đó là sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô; Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào tháng 2/1930 đã lãnh đạo Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: Cách mạng tháng Tám năm 1945; kháng chiến chống Pháp năm 1945 đến năm 1954; kháng chiến chống Mĩ cứu nước năm 1954 đến năm 1975; công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay

Trong Cách mạng, Đảng ta cũng học tập kinh nghiệm từ Cách mạng tháng Mười: Đoàn kết công – nông – binh thành một khối thống nhất để tạo nên sức mạnh vĩ đại; xây dựng và củng cố chuyên chính vô sản; xây dựng lực lượng Cách mạng vững chắc kết hợp chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa Quốc tế vô sản.

BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHIÃ LÀ TRÁCH NHIỆM THIÊNG LIÊNG CỦA MỖI CÔNG DÂN

Thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân. Điều đó đã thành ý thức của mỗi người Việt Nam, nó được xuất phát từ truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Nghĩa vụ cao quý này đã được khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong Luật Nghĩa vụ quân sự của nước ta.  Hiện nay, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt, lực lượng thanh niên là những người tiên phong trong việc canh giữ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Trước tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có những diễn biến phức tạp, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo đang diễn ra gay gắt hiện nay, đòi hỏi mọi người dân đều phải nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Chủ trương của Đảng là: Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội..., xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững chắc theo phương hướng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ngày càng hiện đại.  Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên đòi hỏi mọi cấp mọi ngành, mọi người dân Việt Nam đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là rất thiêng liêng, đầy khó khăn gian khổ và lâu dài khi kẻ thù của chúng ta chúng đang dùng mọi âm mưu, thủ đoạn tinh vi sảo quyệt để chống phá. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này cần phải có một sức mạnh tổng hợp cả vật chất và tinh thần. Một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp là phải có được nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh. Điều đó chỉ có được khi mọi công dân, mọi tổ chức, mọi lực lượng, mọi cấp, mọi ngành ý thức đầy đủ được nghĩa vụ, trách nhiệm đối với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Vì vậy, mọi công dân, mọi tổ chức, lực lượng đều phải tham gia theo phạm vi và khả năng của mình.

CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NHÌN TỪ NHIỀU PHÍA

Nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là do đường lối đấu tranh và sách lược đúng đắn của đảng Bolshevik mà lãnh đạo là Lenin, biết lợi dụng sức mạnh quần chúng đang chịu nhiều khổ cực do chiến tranh đế quốc. Ngoài ra, cuộc cách mạng cũng biết lợi dụng hoàn cảnh quốc tế thuận lợi khi các nước đế quốc đang tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ nhất, không có điều kiện can thiệp vào nước Nga.
Với những người Cộng sản và các Phong trào giải phóng dân tộc, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, do giai cấp vô sản tiến hành, thắng lợi của cuộc cách mạng đã hình thành nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới, đưa nước Nga đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra Cách mạng Tháng Mười Nga còn cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân quốc tế và ở các nước thuộc địa, mở ra con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức.
Nhà nghiên cứu văn hóa P.B. Churbanov tuyên bố Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng vĩ đại, cuộc cách mạng ấy diễn ra là tất yếu và, trong thời điểm lịch sử đó, không ai ngoài những người Bolshevik có thể giữ vững được chính quyền.
Học giả Ia. A. Kesler, tác giả của rất nhiều cuốn sách về đề tài chính trị và lịch sử, cũng cho rằng Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ là tất yếu, hợp với quy luật phát triển của lịch sử, bởi lẽ, từ thời điểm đó hình thức tồn tại kiểu chế độ Nga hoàng đã lỗi thời, không còn hướng phát triển.
Giáo sư tiến sĩ sử học, chính trị gia B.Ph.Slavin với bài phát biểu có nhan đề đầy hứa hẹn nhiều điều thú vị "Cách mạng: huyền thoại và hiện thực", đã khẳng định rằng chính biến tháng Mười là đỉnh cao của việc giải quyết các vấn đề xã hội chính trị mà vào giai đoạn đó, chính quyền Nga hoàng mục nát không thể giải quyết được. Cuộc cách mạng này đã đưa nhân dân đến với sự bình đẳng giữa các công dân trong xã hội, sự thống nhất và đoàn kết giữa các dân tộc.
Năm 1927, trong cuốn sách sách giáo khoa lý luận chính trị "Đường Kách mệnh", nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc (1890 - 1969) chỉ ra rằng: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn - Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự”.

Trong một cuộc thăm dò dư luận tiến hành vào ngày 12/1/2008, trung tâm Phân tích Levada đã đưa ra các số liệu: 57% số người dân Nga được hỏi ý kiến cho rằng: Cách mạng tháng Mười Nga đã đem lại lợi ích cho nhân dân Nga; 26% người được hỏi tin tưởng cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga. 31% cho rằng Cách mạng đem đến sự nhảy vọt cho nền kinh tế và xã hội Nga. Sau 3 năm gián đoạn, ngày 11/4/2009, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký đạo luật Liên bang khôi phục ngày lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga từ đầu năm 2010. Văn kiện này đã được Đuma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga thông qua ngày 27 tháng 3 và 1 tháng 4 năm 2009.

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

Thế nào là dân tộc đa số, dân tộc thiểu số, dân tộc thiểu số ít người

Điều 4, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 14 tháng 01 năm 2011 về Công tác dân tộc, đã chỉ rõ:
Dân tộc đa số là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước, theo điều tra dân số quốc gia.
Dân tộc thiểu số là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vùng dân tộc thiểu số là địa bàn có đông các dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 
Dân tộc thiểu số rất ít người là dân tộc có số dân dưới 10.000 người.
Dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt là những dân tộc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo ba tiêu chí sau: Tỷ lệ hộ nghèo trong đơn vị thôn, bản chiếm trên 50% so với tỷ lệ hộ nghèo của cả nước; các chỉ số phát triển về giáo dục đào tạo, sức khỏe cộng đồng và chất lượng dân số đạt dưới 30% so với mức trung bình của cả nước; cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu chất lượng thấp, mới đáp ứng mức tối thiểu phục vụ đời sống dân cư.

Hiện nay, dân tộc đa số là dân tộc Kinh (Việt), 53 dân tộc còn lại là dân tộc thiểu số. Theo Tổng điều tra năm 2009, dân tộc Kinh có 73.594. 427 người, chiếm 86,2% dân số toàn quốc; 6 dân tộc có số dân gần một triệu trở lên là Tày, Thái, Mường, Khơme, Nùng, Hmông; 16 dân tộc thiểu số ít người có số dân dưới 10.000 là La hủ, La ha, Pà thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô lô, Mảng, Cờ lao, Bố y, Cống, Si la, Pu péo, Rơ măm, Brâu, Ơ đu.

Các tiêu chí để phân định tộc người ở Việt Nam

Việc xác định thành phần tộc người ở nước ta được coi là một nhiệm vụ quan trọng của ngành dân tộc học dưới chế độ mới trong những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX.
Các nhà dân tộc học Việt Nam, có sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô (cũ) đã tham khảo các tiêu chí phân định tộc người trên thế giới nhưng tính đến đặc thù điều kiện lịch sử - xã hội và đặc điểm tình hình dân tộc ở nước ta để xây dựng các tiêu chí. Năm 1973 tại Hà Nội, 2 cuộc hội thảo khoa học lớn (tháng 6 và 11) đã thống nhất lấy dân tộc (nghĩa tộc người - ethnic) làm đơn vị cơ bản trong xác định thành phần tộc người ở Việt Nam.
Sau nhiều lần trao đổi bằng các hội thảo khoa học, các nhà khoa học đã thống nhất đưa ra 3 tiêu chí xác định thành phần tộc người ở Việt Nam gồm:
1) Sự cộng đồng về ngôn ngữ.
2) Có các đặc điểm chung về sinh hoạt - văn hóa.
3) Có ý thức tự giác tộc người.
Từ các tiêu chí này, ngày 02 tháng 3 năm 1979, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức công bố danh mục 54 tộc người (và các nhóm địa phương) hay còn gọi là dân tộc hoặc thành phần dân tộc, sắp xếp theo thứ tự số lượng dân cư.

Sở dĩ, chúng ta không căn cứ hoàn toàn vào các tiêu chí trên thế giới vì đặc điểm tình hình dân tộc ở nước ta có nhiều khác biệt. Các tộc người nước ta có lịch sử cư trú khác nhau, vừa là cư dân tại chỗ, vừa thiên di đến vào các thời điểm khác nhau; các tộc người không có lãnh thổ tộc người riêng mà cư trú xen kẽ từ hàng nghìn năm nay; hầu hết các tộc người đều dựa trên nền tảng cơ sở kinh tế nông nghiệp trồng lúa miền nhiệt đới gió mùa với nhiều đặc điểm tương tự nhau... Nên, có những tiêu chí xác định tộc người được áp dụng phổ biến trên thế giới như: nguồn gốc, tâm lý, lãnh thổ, cơ sở kinh tế nhưng lại không phù hợp với thực tiễn dân tộc nước ta.

Quá trình ra đời của dân tộc học ở Việt Nam

Ở Việt Nam, dân tộc học hình thành muộn hơn so với thế giới nhưng các tài liệu dân tộc học đã được ghi chép trong nhiều tác phẩm từ thời cổ đại, trung đại; được lưu giữ phong phú, đa dạng trong đời sống sinh hoạt của các tộc người. Tư liệu về các nhóm tộc người bắt đầu được ghi chép từ thế kỷ XV trong các sách địa chí, lịch sử, thần phả, văn bia như: Nguyễn Trãi với Dư địa chí (1435), Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú…
Những nghiên cứu dân tộc học chỉ thực sự được bắt đầu cùng với quá trình xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam. Người Pháp đã chú ý nghiên cứu các tộc người Việt Nam có tính hệ thống. Lập ra cơ quan nghiên cứu Viễn Đông bác cổ, xuất bản Tạp chí Đông Dương. Các nghiên cứu của người Pháp và Việt thời này để lại nhiều tư liệu quý như: Người Mường của Quidiniê; Người Tày Đèng ở Lang Chánh - Thanh Hóa của Rôbe, Các dân tộc ở thượng du Bắc Kỳ, từ Phong Thổ đến Lạng Sơn của Côlani... Tuy nhiên, với mục đích sử dụng dân tộc học làm công cụ phục vụ khai thác thuộc địa nên nhiều công trình còn phiến diện và mang đậm màu sắc thực dân.
Sau năm 1954, ở miền Nam, Mỹ - ngụy tiến hành nghiên cứu về các tộc người thiểu số, tập trung vào các tộc người vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã sớm quan tâm đến công tác dân tộc và nghiên cứu dân tộc học. Ngành dân tộc học mác xít nước ta ra đời từ những năm 1950 với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên môn. Lúc đầu, dân tộc học được gộp chung vào khoa học lịch sử. Năm 1958, Tổ nghiên cứu dân tộc học được thành lập trong Viện Sử học. Năm 1960, Nhóm nghiên cứu, giảng dạy dân tộc học được thành lập trong Tổ Dân tộc học - Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1967, dân tộc học tách ra thành bộ môn riêng thuộc Khoa Lịch sử. Năm 1968, Nhà nước thành lập Viện Dân tộc học, phát hành Tập san Dân tộc học. Năm 1973, giáo trình dân tộc học đầu tiên là Cơ sở Dân tộc học của GS Phan Hữu Dật được xuất bản; đồng thời Tạp chí Dân tộc học ra đời.
Sau năm 1975, ngoài 3 cơ sở đào tạo cử nhân dân tộc học là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, dân tộc học là môn học của nhiều học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội. Năm 1992, Hội Dân tộc học Việt Nam được thành lập, với cơ quan ngôn luận của là Tạp chí Dân tộc và thời đại. 

Nguyên nhân mâu thuẫn và xung đột dân tộc, sắc tộc trên thế giới hiện nay là gì

Nguyên nhân các mâu thuẫn, xung đột dân tộc, sắc tộc trên thế giới rất đa dạng, nổi lên :
- Mâu thuẫn do lịch sử để lại hoặc mới nảy sinh giữa các tộc người, quốc gia dân tộc như: mâu thuẫn và xung đột lợi ích tộc người về kinh tế, lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên, tàn tích nô dịch và áp bức dân tộc. Các mâu thuẫn này đang bị các phe phái, thế lực chính trị lợi dụng làm cho phức tạp thêm.
- Do âm mưu, thủ đoạn chính sách lợi dụng, can thiệp của của tư bản, đế quốc. Chủ nghĩa đế quốc đã bóc lột, nô dịch các dân tộc, chia rẽ và kích động mâu thuẫn dân tộc để chống phá cách mạng hoặc làm mất ổn định để can thiệp, kiềm chế sự phát triển của các tộc người, dân tộc. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, chúng tìm cách chia rẽ đoàn kết dân         tộc, kích động tư tưởng ly khai để làm suy yếu chế độ. Chúng coi “vấn đề dân tộc” là một trọng điểm chống phá trong thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ.
- Do sai lầm trong chính sách dân tộc của nhà nước cầm quyền. Nhiều nước giải quyết không tốt quan hệ dân tộc, duy trì quan hệ bất bình đẳng, thực hiện đồng hóa cưỡng bức, năng lực điều hành đất nước yếu kém, không có chính sách kinh tế - xã hội đúng đắn để phát triển các dân tộc ít người, có sự cực đoan dân tộc, kỳ thị và phân biệt dân tộc; đàn áp các tộc người thiểu số để áp đặt quan điểm, chính sách của nhà cầm quyền.
- Do sự thoái trào của chủ nghĩa xã hội hiện thực, của phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế đã tác động đến quan hệ dân tộc. Các lực lượng tiến bộ trong các dân tộc, tộc người hoang mang, mất định hướng chính trị, suy giảm chủ nghĩa quốc tế, bị phân liệt, các trào lưu dân tộc chủ nghĩa phát triển. Phong trào dân tộc, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội mất đi sự hậu thuẫn to lớn.

- Do hệ quả của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và các yếu tố thời đại. Cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa mạnh mẽ làm cho xu thế độc lập tự chủ, tự cường, ý thức tự giác tộc người được thức tỉnh và nâng cao; đồng thời, thúc đẩy cả hai xu hướng của quá trình tộc người. Trước xu thế liên kết quốc gia và khu vực tăng lên, một số lực lượng chính trị trong các dân tộc tìm mọi cách chống lại, mưu đồ lợi ích riêng làm cho các trào lưu ly khai cũng tăng lên. Các tộc người, dân tộc “thức tỉnh” ý thức về các quyền và lợi ích của mình, gia tăng đấu tranh bảo vệ các quyền lợi của họ. Mặt trái của nó dẫn đến chủ nghĩa sô vanh, dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa dân tộc cực đoan nổi lên, mâu thuẫn và xung đột gia tăng.

Các đặc điểm chủ yếu của quan hệ dân tộc, sắc tộc trên thế giới hiện nay

Một là, quan hệ dân tộc, sắc tộc rất đa dạng, nhạy cảm và ngày càng phong phú, sinh động cùng với sự phát triển của thời đại. Sự đa dạng và phức tạp được biểu hiện trên các lĩnh vực từ nguồn gốc, nội dung của chính các khác biệt giữa các tộc người, dân tộc. Các cộng đồng người khác nhau có nhiều mối quan hệ tác động lẫn nhau, có lợi ích khác nhau về kinh tế, lãnh thổ, văn hóa, chính trị... đòi hỏi phải giải quyết. Các mối quan hệ đó đan xen nhiều chiều, giằng chéo nhau giữa các quan hệ dân tộc biểu hiện phong phú và sinh động trong các quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Sự nhạy cảm trong quan hệ dân tộc do động chạm tới tình cảm, tâm lý, ý thức dân tộc, tới quyền và lợi ích; tới bản sắc văn hóa và những sự khác biệt của các tộc người, dân tộc. Các quan hệ đó thường gắn với các vấn đề nảy sinh trong lịch sử và hiện tại, đã in sâu vào tâm lý, ý thức của tộc người, rất dễ bị kích động, bùng nổ và dễ bị lợi dụng, can thiệp.
Hai là, quan hệ dân tộc, sắc tộc còn tồn tại lâu dài. Như V.I. Lênin đã từng nói, khi giai cấp và vấn đề giai cấp mất đi, thì dân tộc và quan hệ dân tộc vẫn còn tồn tại. Trong xã hội có áp bức, bóc lột, các quan hệ dân tộc, đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp gắn bó mật thiết với nhau và diễn ra quyết liệt, gay gắt. Song một khi đối kháng giai cấp không, ở xã hội xã hội chủ nghĩa, con người vẫn tồn tại trong các tộc người, các quốc gia dân tộc. Và do đó, quan hệ dân tộc tiếp tục đặt ra những vấn đề cần giải quyết.

Ba là, quan hệ dân tộc, sắc tộc trên thế giới diễn ra nóng bỏng, vừa mang tính toàn cầu, vừa là vấn đề chính trị - xã hội phức tạp, nhức nhối của nhiều quốc gia và khu vực. Mối quan hệ dân tộc, sắc tộc đã và đang bùng nổ thành mâu thuẫn, xung đột, nội chiến và chiến tranh ở những quy mô, phạm vi, cường độ khác nhau; tạo ra các điểm nóng, gây nên mất ổn định, khủng hoảng, phá vỡ thống nhất quốc gia, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh quốc gia và quốc tế.