Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

Dân chủ và lợi dụng dân chủ ở Việt Nam của các thế lực thù địch

Thực tiễn trong thời gian qua, lợi dụng một số vấn đề như: ở một vài nơi cấp chính quyền, việc tiếp dân được thực hiện, nhưng chưa thật sự có hiệu quả; khiếu kiện tố cáo khá phổ biến; quy chế dân chủ ở cơ sở nhiều khi chỉ là hình thức. Quần chúng nhân dân chưa được biết, bàn và kiểm tra những vấn đề liên quan đến quyền lợi chính đáng của mình. Nhiều cán bộ, đảng viên không giữ được phẩm chất đạo đức cách mạng khiến quần chúng nhân dân mất niềm tin, tình trạng tham nhũng không giảm, mà còn có chiều hướng gia tăng với những hình thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp…, nên không ít thế lực thù địch ở trong và ngoài nước mượn cớ “dân chủ” để công kích đường lối chủ trương của Đảng.
Họ cho rằng, ở Việt Nam không có dân chủ, không có nhân quyền, rằng nhân quyền cao hơn chủ quyền... Từ đó họ kích động, lôi kéo các phần tử xấu chống lại sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Hiện nay, phương tiện thông tin nhiều, mạng internet tạo ra cơ hội truyền thông rộng rãi; đó là cơ hội tốt cho mọi người được tiếp nhận thông tin, bày tỏ quan điểm tư tưởng của mình. Tuy nhiên đây cũng là một kênh thông tin quan trọng để các thế lực xấu tung tin thất thiệt gây hoang mang nhằm chia rẽ, tạo ra sự bất ổn trong xã hội để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, nhằm tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vậy thực chất đặc điểm nền dân chủ ở Việt nam ra sao và có phù hợp với lịch sử phát triển của xã hội không?
Nước ta đang thực hiện dân chủ trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong thực tế thì dân chủ và pháp quyền không mâu thuẫn nhau; dân chủ càng cao thì pháp quyền càng nghiêm; pháp quyền nghiêm thì dân chủ cao mới thực hiện được. Bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Bản chất ấy thể hiện tính dân chủ của Nhà nước do Đảng lãnh đạo hiện nay đang được xây dựng và từng bước hoàn thiện. Dân chủ và Nhà nước pháp quyền tưởng như là hai vấn đề đối lập nhau, nhưng thực chất lại có mối quan hệ hữu cơ, bổ sung cho nhau. Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là thành tựu của nhân loại, ra đời từ kết quả đấu tranh của các giai cấp, các tầng lớp tiến bộ trong lịch sử nhằm hạn chế sự độc tài chuyên chế. Dân chủ và Nhà nước pháp quyền có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Thực tiễn của tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền trong thời gian qua đã chứng tỏ từng bước lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Đảng là đúng đắn, hợp với lòng dân. Ba ngành lập pháp, tư pháp và hành pháp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, vừa có sự độc lập vừa có sự hợp tác trong hoạt động của mình. Cơ chế dân chủ ở cơ sở phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được thực hiện khá tốt ở cơ sở. Hoạt động của Quốc hội được cải tiến. Nhiều bộ luật được xây dựng và áp dụng vào cuộc sống. Hình thức chất vấn các thành viên của Chính phủ được truyền thông rộng rãi. Các cơ quan tư pháp như viện kiểm sát, tòa án ngày càng phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện nghiêm minh luật pháp.
Đảng ta hiện nay luôn nhấn mạnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; mọi đường lối, chủ trương Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân; cán bộ công chức phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân. Để thực hiện dân chủ, cần thực hiện tốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Nhân dân làm chủ phải được xem như yếu tố đảm bảo sự công khai, minh bạch trong công tác lãnh đạo của Đảng. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhân dân trao quyền cho Nhà nước thông qua quyền phổ thông đầu phiếu. Những cán bộ được nhân dân bầu cử vào các cơ quan chính quyền nhà nước phải lấy việc phục vụ nhân dân làm đầu, không thể xa lánh, thậm chí đứng trên, sách nhiễu, ức hiếp nhân dân. Quyền làm chủ của nhân dân chỉ có thể được hiện thực hóa khi chính nhân dân thực hiện tốt nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Việc dân biết, dân bàn, dân kiểm tra lại phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế chính sách của Nhà nước và các tổ chức chính quyền, đoàn thể. Thực tiễn trong thời gian vừa qua rất nhiều các vụ việc vi phạm lớn sau khi được nhân dân phản ánh và Đảng đã chỉ đạo các cấp, các nghành vào cuộc sử lý một cách thỏa đáng, đúng pháp luật, được nhân dân cả nước đánh giá cao.
Trong công việc đổi mới hiện nay, việc xây dựng đất nước là trách nhiệm, là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Bản chất của Nhà nước ta là dân chủ, trong đó quyền làm chủ và trách nhiệm làm chủ thống nhất với nhau. Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta càng phải xây dựng Nhà nước trên nền tảng dân chủ…, đảm bảo các quyền tự do dân chủ, thực hiện chính quyền mạnh mẽ của nhân dân. Tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân…
Do vậy, các tổ chức cá nhân cần chú ý khi phát tin, nhận tin, xử lý thông tin,. đặc biệt phải tuân theo các bộ luật của Nhà nước về bảo mật, xuất bản, biểu diễn nghệ thuật, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Các lĩnh vực kinh tế, chính trị - xã hội và văn hóa - tư tưởng luôn cần phải được dân chủ hóa. Dân chủ ở đây phụ thuộc vào yếu tố công khai, minh bạch; phụ thuộc vào trình độ tổ chức của các cơ quan Đảng và chính quyền, vào trình độ giác ngộ, sự tự giác chấp hành pháp luật của quần chúng nhân dân.

Dân chủ hiện nay cần phải được triển khai thực hiện từng bước; mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội cần phải được dân chủ hóa. Dân chủ chỉ có thể thực hiện tốt khi luật pháp được đề cao và được thực hiện tốt. Đồng thời dân chủ được thực hiện phải trên cơ sở nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, phải giáo dục, định hướng và đặc biệt phải tổ chức quần chúng thông qua các hoạt động của hệ thống chính trị, tránh tình trạng để quần chúng bị lôi kéo, kích động hoặc theo tâm lý đám đông gây mất trật tự và an ninh xã hội, chống phá Nhà nước, gây cản trở đối với Việt Nam trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế. Trước tình hình trên, việc chủ động nhận diện và đấu tranh có hiệu quả với âm mưu lợi dụng vấn đề dân chủ để chống phá cách mạng Việt Nam là rất quan trọng, cấp thiết./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét