Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

THỰC CHẤT CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN HIỆN ĐẠI

Chủ nghĩa tư bản là thủ phạm gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới với hàng triệu người bị thiệt mạng; là kẻ ném bom nguyên tử xuống dân lành Nhật Bản; là kẻ xúi giục hoặc trực tiếp gây ra hàng trăm cuộc chiến tranh lớn nhỏ công khai hoặc che đậy trên khắp hành tinh; là kẻ thường áp đặt những thủ đoạn trả thù nhỏ nhen như cấm vận, bao vây kinh tế đối với các nước không vừa ý. Sự sụp đổ về kinh tế và chính trị ở Đông Âu và Liên Xô đều có bàn tay độc ác của chủ nghĩa tư bản. Vì sao chiến tranh lạnh đã chấm dứt mà thế giới vẫn tiếp tục biến động, xáo trộn, mất ổn định và căng thẳng như hiện nay? Rõ ràng đó là vì vẫn còn chủ nghĩa tư bản với các chính sách gây chiến, can thiệp và áp đặt nói trên.
Chủ nghĩa tư bản đã và đang bóp méo nền văn minh nhân loại bằng chế độ dân chủ chủ yếu cho người giàu, bằng chế độ phân biệt chủng tộc, bằng việc nuôi dưỡng các tệ nạn ma túy, tham nhũng, làm kiệt quệ tài nguyên, hủy hoại môi trường sống vì lợi nhuận tối đa.
Chủ nghĩa tư bản dù là chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn tiếp tục gây đau khổ cho nhân dân các nước nhất là các nước đang phát triển. Sự xuất hiện và phát triển của tình trạng nợ nần ở các nước này là hậu quả trực tiếp của nền kinh tế - chính trị tư bản chủ nghĩa. Nợ nần đã gây ra bao thảm cảnh. “Thế giới thứ ba” hiện có hơn 500 triệu người bị đe dọa chết đói; khoảng 1,6 tỷ người sống trong cảnh khốn cùng; hơn 600 triệu người thất nghiệp; 800 triệu người mù chữ; 1,5 tỷ người không được hưởng dịch vụ y tế. Trẻ em là bị thiệt thòi nhất: hàng năm có tới 40.000 trẻ em bị chết vì không có ăn…
Chủ nghĩa tư bản còn lợi dụng ưu thế vốn có về kinh tế và kỹ thuật để tăng cường chạy đua vũ trang, làm kiệt sức, đi tới đánh gục các đối thủ. Một châu Phi bao người đói khát; một châu Á còn bao người nghèo túng; một Mỹ Latinh nợ nần chồng chất; rất cần có sự trợ giúp thế mà hàng năm người ta chi tới 1.300 tỷ đôla để chế tạo ra những vũ khí giết người!
Chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn là chế độ tư bản tàn bạo. Chính nó đã gây ra nhiều thảm họa cho các nước, nhất là các nước nghèo. Mặc dù đạt được những tiến bộ chưa từng thấy về kinh tế và công nghệ, nó luôn luôn bộc lộ sự thiếu khả năng và vô trách nhiệm trong việc hạn chế và loại bỏ tình trạng bần cùng của tuyệt đại bộ phận dân cư trên thế giới. Nó, trước sau vẫn là xã hội không có tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét