Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

Tư tưởng V.I.Lênin về học tập và sử dụng những giá trị của chủ nghĩa tư bản


Trong lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, V.I.Lênin rất quan tâm đến vấn đề học tập và sử dụng những giá trị của chủ nghĩa tư bản.  Những tư tưởng của V.I.Lênin về xung quanh nội dung này không chỉ có giá trị lịch sử, mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Vào đầu năm 1921, địa vị quốc tế của đất nước Xô Viết được củng cố, một thế cân bằng lực lượng được xác lập, tuy còn “tạm thời, không ổn định, nhưng dù sao vẫn là một thế cân bằng”. Tuy nhiên, nhà nước Xô Viết đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Do bốn năm chiến tranh đế quốc, ba năm nội chiến và can thiệp quân sự của nước ngoài, nền kinh tế quốc dân bị suy sụp. Đứng trước vô vàn khó khăn, nhiệm vụ chính trị cơ bản, quan trọng và thiết yếu nhất lúc ấy của chính quyền Xô Viết chính là xây dựng, phát triển nền kinh tế. V.I.Lênin đã nói: Phải học tập và sử dụng những giá trị của chủ nghĩa tư bản; kiên quyết phản đối việc “đem chủ nghĩa tư bản đối lập một cách trừu tượng với chủ nghĩa xã hội”. Theo V.I.Lênin: “lùi một bước” và “thỏa hiệp” bằng việc thu phục và trả lương cao chuyên gia tư sản là giải pháp tốt nhất xúc tiến chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin cho rằng, không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm tổ chức quản lý, thì không thể nào chuyển lên chủ nghĩa xã hội được.
V.I. Lê-nin từng xem việc chuyển từ trấn áp sang sử dụng những chuyên gia tư sản là một thành tựu quan trọng nhất mà Đảng và Chính quyền Xô-viết đã đạt được trong những năm đầu xây dựng đất nước. Phê phán lập luận của “những người cộng sản cánh tả” cho là có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội mà không cần sử dụng các chuyên gia tư sản, V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “Cần phải đặt vấn đề chuyên gia một cách rộng rãi hơn nữa. Chúng ta phải sử dụng họ trong mọi lĩnh vực xây dựng mà chúng ta không thể bảo đảm thắng lợi được với những khả năng của bản thân chúng ta, vì chúng ta không có kinh nghiệm, cũng không có trình độ khoa học của những chuyên gia tư sản”.
Sử dụng các chuyên gia tư sản là một việc cần thiết, song việc cần thiết hơn là phải biết sử dụng họ như thế nào. Về điều này, V.I. Lê-nin đã nhắc nhở: “ Cần phải giao công việc cho họ, nhưng cũng phải theo dõi họ chặt chẽ, đặt họ dưới quyền các chính uỷ, ngăn chặn các ý đồ phản cách mạng của họ. Đồng thời cần phải học tập họ. Với tất cả những điều đó, và không mảy may nhượng bộ các ngài đó về chính trị, chúng ta sử dụng lao động của họ ở khắp mọi nơi có thể sử dụng được”[1].
          Việc “chuyển trọng tâm cách mạng sang lĩnh vực phát triển văn hóa” là một bước tiến có ý thức và tính chất hiện thực để đi tới chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin nhấn mạnh, những người cộng sản phải học khoa học và công nghệ, cách tổ chức lãnh đạo, quản lý xã hội, giáo dục và đào tạo, cách làm ăn buôn bán… phải biết tiếp thu tất cả những gì quý giá nhất của nhân loại. Chủ nghĩa xã hội có thể thực hiện được hay không là “tùy ở kết quả của chúng ta có kết hợp được chính quyền Xô viết với những tiến bộ mới nhất của chủ nghĩa tư bản”. V.I.Lênin chủ trương: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt đẹp của nước ngoài: Chính quyền Xô viết + trật tự nước Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơ rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ, etc… = chủ nghĩa xã hội”[2].




[1] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977,V.I. Lê-nin: Sđd, t. 38, tr. 7-8
[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 36, tr.684

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét