Thứ nhất, nhạy bén
trong nắm bắt, đánh giá, phân tích tình hình của Bộ thống soái tối cao và các
cơ quan tham mưu chiến lược.
Trước hết, chúng ta phải
khẳng định, sự nhạy bén trong việc nắm bắt, phân tích tình hình, để có sự chỉ đạo
kịp thời của Bộ thống soái tối cao và các cơ quan tham mưu chiến lược là nhân tố
quyết định nhất làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Về chỉ
đạo chiến lược, lời tiên đoán chính xác của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đế quốc Mỹ chỉ
chịu thua trên bầu trời Hà Nội” là định hướng quan trọng để các cơ quan tham
mưu chiến lược chủ động đề ra những chủ trương, biện pháp tác chiến có hiệu quả
nhất. Ngay từ tháng 4-1972, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng
không - Không quân và các quân khu phải sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho
không quân, kể cả không quân chiến lược, đánh phá trở lại miền Bắc.
Trên cơ sở những nhận định,
chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương,
Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân đã sớm
hoàn thành Bản kế hoạch chiến dịch đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường
không bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các tài liệu hướng dẫn về cách
đánh B52. Theo đó, công tác chuẩn bị mọi mặt được tiến hành hết sức khẩn
trương. Việc điều chỉnh đội hình chiến đấu, triển khai sở chỉ huy dự bị các cấp,
huấn luyện các kíp chiến đấu, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng
quyết tâm, công tác bảo đảm vũ khí, khí tài, bảo đảm cơ sở vật chất,… cơ bản
hoàn thành đúng thời gian quy định. Sau khi thông qua kế hoạch tác chiến, Bộ Tổng
tham mưu khẩn trương điều chỉnh lực lượng, xây dựng thế trận của lực lượng
phòng không 3 thứ quân, chuẩn bị kế hoạch phòng không nhân dân, sẵn sàng đối
phó với âm mưu, thủ đoạn mới của địch.
Thứ hai, xây dựng tinh
thần tích cực, chủ động, quyết đánh và quyết thắng cho bộ đội phòng không và
toàn dân, toàn quân.
Thấm nhuần lời dạy của
Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững
chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”(4), có như thế mới tránh được tổn thất
do địch bất ngờ gây ra, còn ta phát huy được hiệu quả chiến đấu cao. Ngay từ
tháng 5-1966, Quân chủng Phòng không - Không quân đã điều động Đoàn Tên lửa Hạ
Long cơ động chiến đấu, trực tiếp nghiên cứu cách đánh B52 tại chiến trường
Vĩnh Linh. Đây là một quyết tâm rất cao thể hiện tư tưởng tích cực, chủ động tiến
công của các đơn vị quân binh chủng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp
là Quân chủng Phòng không - Không quân. Sau thời gian dài kiên trì bám trụ trận
địa phục kích đánh B52, đến tháng 9-1967, Đoàn Hạ Long đã bắn rơi B52.
Từ tháng 2-1968, theo
chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân
đã xây dựng kế hoạch tác chiến đánh máy bay B52 của Mỹ. Đến giữa năm 1972, Quân
chủng liên tiếp điều động 4 trung đoàn tên lửa cùng một số máy bay MIG vào Khu
4 để chi viện cho chiến dịch Trị - Thiên và trực tiếp nghiên cứu cách đánh B52
và đã bắn rơi B52. Tuy chưa bắn rơi tại chỗ và chưa bắt sống được giặc lái,
nhưng những kinh nghiệm được đúc kết từ những trận đánh này là cơ sở thực tiễn
rất quý giá, trực tiếp giúp Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng Phương
án đánh B52. Mặt khác, từ cuối năm 1972, bộ đội Phòng không - Không quân ta phải
một lúc đảm đương ba nhiệm vụ nặng nề: vừa tiếp tục tham gia tác chiến trong đội
hình quân binh chủng hợp thành ở chiến trường miền Nam, bảo vệ vùng giải phóng
Quảng Trị, vừa phải bảo vệ giao thông vận chuyển trên địa bàn Quân khu 4 và
trên tuyến cửa khẩu vượt Trường Sơn, đồng thời luôn phải sẵn sàng đánh trả cuộc
tập kích đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng...
Trước tình hình đó,
theo chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân
tiến hành một đợt sinh hoạt chính trị trong toàn lực lượng, giúp cán bộ, chiến
sĩ nhận thức sâu sắc hơn về âm mưu thâm độc của kẻ thù, nhất là thủ đoạn sử dụng
máy bay B52 đánh phá quy mô lớn ở miền Bắc, trọng tâm là Hà Nội, Hải Phòng.
Trên cơ sở đó, động viên tinh thần tích cực, chủ động của các đơn vị quân binh
chủng xây dựng quyết tâm, kế hoạch đánh B52. Có thể khẳng định, sự chủ động về
tinh thần, ý chí và sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt là một trong những yếu tố
quan trọng góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Thứ ba, xây dựng thế trận
phòng không 3 thứ quân hoàn chỉnh, vững chắc
Trong cuộc đối đầu với
cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, trên cơ sở đường lối chiến tranh
nhân dân, quốc phòng toàn dân, một thế trận phòng không nhân dân với lực lượng
phòng không - không quân là nòng cốt đã được hình thành và từng bước hoàn chỉnh.
Quân và dân Thủ đô Hà Nội, thành phố cảng Hải Phòng cùng các tỉnh lân cận đã tổ
chức được mạng lưới chiến tranh nhân dân rộng khắp cả ở thành thị và nông thôn,
kết hợp vũ khí thô sơ với vũ khí hiện đại, trong một thế trận mà kẻ địch sử dụng
các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại nhất trong lịch sử chiến
tranh Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, việc xây dựng nên thế trận, sử dụng các
loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại ấy chính là những con người Việt
Nam được rèn luyện và thử thách trong máu lửa của chiến tranh cách mạng dưới sự
lãnh đạo của Đảng, những thanh niên được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ
nghĩa, những trí thức thời đại Hồ Chí Minh là những người làm nên sức mạnh mới.
Mặt khác, chế độ xã hội chủ nghĩa đã đem lại cho quân và dân ta những tiến bộ rất
nhanh. Những đường băng cất cánh của máy bay MIG, những trận địa phòng không
liên kết đã tạo ra lưới lửa nhiều tầng, bệ phóng cho những quả tên lửa tới đích
thực sự là những yếu tố có tính chất quyết định để tạo nên thế trận phòng không
nhân dân hoàn chỉnh và vững chắc ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung. Thế
trận đó đã được kinh qua những thử thách ác liệt của nhiều năm chống chiến
tranh không quân của Mỹ, nên trước cuộc tập kích quy mô lớn của không quân chiến
lược Mỹ, quân và dân Hà Nội vẫn bình tĩnh - đĩnh đạc bước vào cuộc đụng đầu lịch
sử này, không mảy may nao núng mà còn vươn đến đỉnh cao của chiến thắng.
Thứ tư, tinh thần chiến
đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo - tầm cao trí tuệ Việt Nam
Chiến đấu chống lại cuộc
tập kích đường không chiến lược của Mỹ cuối tháng 12-1972 là cuộc đối đầu giữa
lực lượng phòng không nhân dân Việt Nam với máy bay B52 - một phương tiện chiến
tranh hiện đại bậc nhất thời bấy giờ - hoạt động trong màn nhiễu điện tử dày đặc.
Do vậy, đây thực sự là một cuộc đấu trí, đấu lực đỉnh cao của cả hai phía. Tầm
cao trí tuệ Việt Nam được thể hiện trong tài thao lược, trong nghệ thuật chiến
dịch phòng không, trong việc làm chủ vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại,
trong sáng tạo cách đánh của từng binh chủng, của từng thứ quân, trong việc kết
hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp đấu tranh quân sự
với đấu tranh ngoại giao ở bàn đàm phán Pa-ri. Đây chính là một quy luật đặc sắc
của chiến tranh cách mạng - một dân tộc nhỏ muốn đánh bại cuộc chiến tranh xâm
lược của một siêu cường phải biết sử dụng cả ý chí và trí tuệ. Hà Nội - trung
tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, nơi hội tụ trí tuệ Việt Nam - qua
thử thách của chiến tranh đã tự hào là “tọa độ lửa” đối với không quân Mỹ, là
Thủ đô của lương tri nhân loại, phẩm giá con người, là nơi thể hiện đỉnh cao
trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đây chính là một trong
những nhân tố mang tính nhân bản, cội nguồn tạo nên sức mạnh vô địch của Đông
Đô - Thăng Long - Hà Nội, một sự bảo đảm vững chắc để chúng ta làm nên Chiến thắng
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Điều này cũng đã được chính cố vấn đặc biệt
của Chính quyền Ních-xơn là H.Kít-xinh-giơ (Henry Kissinger) thừa nhận: “nếu Việt
Nam chỉ anh hùng không thôi thì chúng tôi sẽ đè bẹp, nhưng Việt Nam vừa anh
hùng vừa rất thông minh, sáng tạo nên chúng tôi đã thua”.
Cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã kết thúc toàn thắng cách đây gần 4 thập niên,
nhưng Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 - đòn đánh
quyết định cuối cùng buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút hết quân viễn
chinh và quân đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, mở ra thời cơ chiến
lược lớn để quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân
năm 1975, giải phóng miền Nam, thu non sông đất nước về một mối - vẫn mãi là
khúc khải hoàn ca âm vang trong tâm trí của các thế hệ người dân Thủ đô Hà Nội
nói riêng, cả nước nói chung và nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên
toàn thế giới. Hào khí Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cùng những
kinh nghiệm, bài học lịch sử của nó đã, đang và sẽ tiếp tục được phát huy,
nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận
chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của chúng ta hôm nay và mai sau./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét