Có thể nói, trong số các tác phẩm được in trọn quyển của Mác
và Ăng ghen thì "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là tác phẩm có tầm vóc khái quát cao nhất, mang
ý nghĩa thời đại rộng lớn nhất. Một quyển sách nhỏ nhưng đã
chứa đựng trong đó toàn bộ những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lê nin về
Triết học, Kinh tế chính trị học và về Chủ nghĩa xã hội khoa học. Vì vậy, ngay
từ lúc ra đời, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã là cương lĩnh trực tiếp chỉ đạo
tất cả các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân ở trên toàn thế giới trong cuộc
đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã là cẩm nang, là cuốn sách “gối đầu giường” của những người cộng sản. Đọc lại Tuyên ngôn, nhận thức thêm tính khái
quát và ý nghĩa thời đại của lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, mỗi chúng ta càng
thêm tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa xã hội nói chung, của cách mạng Việt Nam nói riêng.
Nếu như giữa thế kỷ XIX, chủ nghĩa cộng sản còn là một “bóng
ma” ám ảnh châu Âu, như các thế lực của châu Âu cũ từng rêu rao, thì với sự ra
đời của Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ rằng, cái “bóng ma” ấy đã thực
sự trở thành một thế lực cụ thể, và cái thế lực ấy cứ ngày một lớn dần lên, trở
thành những phong trào cách mạng hừng hực khí thế, những cuộc cách mạng bùng nổ
dữ dội và cả những quyền lực nhà nước được thiết lập trên hành tinh chúng ta. Từ
đứa con đầu lòng là Công xã Pa-ri năm 1871, đến sau chiến tranh thế giới thứ nhất
là sự ra đời của Liên Xô và một số nhà nước xã hội chủ nghĩa khác, rồi đến sau
chiến tranh thế giới thứ hai (tức khoảng 100 năm sau Tuyên ngôn), với thắng lợi
của hàng loạt cuộc cách mạng kiểu mới ở cả châu Âu, châu Á và Mỹ La tinh, chủ
nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống thế giới.
Trên thế giới đã có rất nhiều sự đổi thay, chỉ có một điều
không thay đổi đó là sự khát khao cháy bỏng của các giai cấp cần lao và loài
người nói chung được hoàn toàn giải phóng khỏi sự bóc lột, áp bức và bất công,
dù dưới bất cứ hình thức và mức độ nào. Bất kể ai, bất cứ lúc nào, dù đứng
về phía này hay phía khác, ủng hộ hay phản đối Tuyên ngôn cũng đều phải thừa nhận
một sự thật lịch sử không gì có thể chối cãi được. Đó là Tuyên ngôn đã thức tỉnh,
tập hợp giai cấp công nhân và những người lao động làm thuê khác thành một lực
lượng to lớn chống sự áp bức, bóc lột, giành được những quyền lợi và quyền lực
ngày càng quan trọng.
Đối với cách mạng Việt Nam, Tuyên ngôn nói riêng và chủ
nghĩa Mác - Lênin nói chung cùng với Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn là nền tảng
tư tưởng và kim chỉ nam dẫn đường. Trên cơ sở giải quyết đúng đắn mối quan hệ
giữa giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta
đã vạch ra đường lối chiến lược giải phóng dân tộc bằng cách mạng vô sản mà Mác
và Ăngghen đã chỉ ra trong Tuyên ngôn; đã vận dụng tư tưởng cách mạng không ngừng
của Mác để xây dựng đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên CNXH;
đã thấm nhuần tinh thần biện chứng của Tuyên ngôn để năng động, sáng tạo trong
xây dựng thành công trong xây dựng xã hội mới và trong công cuộc đổi mới hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét