Bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày
28-11-2013 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 chứa đựng những nội dung
mới về quyền con người và quyền công dân, thể hiện bước tiến lớn về tư duy nhà
nước pháp quyền và thể chế hóa quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với các chuẩn
mực được nêu trong các công ước quốc tế về quyền con người.
Nhằm cụ thể hóa các quy định mới của Hiến
pháp, Nhà nước Việt Nam đã và đang từng bước thực thi tổng thể những biện pháp
về cải cách và hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp về quyền con người, thể
hiện qua Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã được Quốc hội phê chuẩn.
Bên cạnh đó, với việc trở thành thành viên Hội
đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2014 – 2016, tham gia tích cực và
thực chất vào các diễn đàn quốc tế về quyền con người, phê chuẩn Công ước chống
tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục
con người và Công ước về quyền của người khuyết tật tháng 11-2014, Việt Nam
không những đảm bảo các quyền và tự do của người dân theo đúng các chuẩn mực quốc
tế, mà còn đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chung là thúc đẩy và bảo vệ các
quyền con người trên tất cả các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Trong năm 2017, Việt Nam đạt nhiều thành tựu nổi
bật trong lĩnh vực quyền con người. Đầu tiên, Việt Nam đã tham gia tích cực các
Hội nghị cấp cao về quyền con người, như Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần
thứ 27 diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 11 – 13-5, Hội nghị Cấp cao khóa 34
của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneve, Thụy Sĩ trong hai ngày 27 và 28-2…
Việt Nam tiếp tục tham gia đóng góp tích cực
vào các hoạt động của Hội đồng Kinh tế - Xã hội LHQ (ECOSOC), đặc biệt là việc
triển khai Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Tích cực đóng góp,
thúc đẩy các vấn đề về giáo dục, văn hóa tại Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục,
Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO).
Trong năm qua, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp
với các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan đón Báo cáo viên đặc biệt của
LHQ về quyền lương thực tới thăm Việt Nam từ ngày 23 – 24-11. Chuyến thăm, nhằm
tìm hiểu về đảm bảo quyền tiếp cận lương thực của người dân Việt Nam, đặc biệt
là những người dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em ở những vùng sâu, vùng xa,
đã đạt kết quả tốt.
Báo cáo viên đặc biệt đã có những nhận xét
tích cực về Việt Nam, về nỗ lực, chính sách của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền
lương thực; đánh giá cao thiện chí và sự cởi mở của các cơ quan Việt Nam.
Thành tựu tiếp theo là Việt Nam tiếp tục duy
trì hiệu quả cơ chế đối thoại về nhân quyền thường niên với Norway vào tháng 2,
Hoa Kỳ vào tháng 5, Australia vào tháng 8, với Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu
(EU) vào tháng 12.
Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, Việt Nam và
các nước liên quan đã trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình
đảm bảo và thúc đẩy quyền con người, góp phần tăng cường hiểu biết, thu hẹp khoảng
cách khác biệt giữa Việt Nam và các nước liên quan trong lĩnh vực này.
Đặc biệt phải kể đến kết quả thành công của Đối
thoại Nhân quyền chung giữa Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2017 được đưa vào Tuyên bố
chung giữa hai nước nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi
tháng 5. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến về quyền con người
tại các diễn đàn đa phương.
Trong năm 2017, Việt Nam tiếp tục là đồng tác
giả và giới thiệu Nghị quyết về tác động của biến đối khí hậu và quyền con người
(cùng Philippines và Bangladesh) tại Hội đồng Nhân quyền khóa 35 hồi tháng 6.
Nghị quyết đã được thông qua bằng đồng thuận với hơn 50 nước đồng bảo trợ.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tổ chức 2 tọa đàm tại
Hội đồng Nhân quyền LHQ với các chủ đề: Nâng cao giáo dục cho trẻ em về biến đổi
khí hậu tại Khóa 34 (tháng 3-2017) và Bảo đảm quyền của phụ nữ ven biển trước
tác động của biến đối khí hậu tại Khóa 45. Ngoài ra, Việt Nam cũng tổ chức tọa
đàm bên lề Phiên họp Cấp cao ECOSOC về truyền thông và xóa đói giảm nghèo (tháng
7-2017).
Trong năm qua, Việt Nam đã triển khai nghiêm
túc các khuyến nghị Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ II và đã thực hiện được
147/182 khuyến nghị đã chấp thuận (chiếm hơn 80,7% số khuyến nghị). Nhiều Hội
thảo đã được tổ chức nhằm tuyên truyền rộng rãi về kết quả thực hiện các khuyến
nghị, trong đó nổi bật là Hội thảo quốc tế tháng 6-2017 tại Hà Nội và tháng
12-2017 tại Cần Thơ.
Việt Nam cũng đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ,
cam kết quốc tế về quyền con người. Cụ thể, Việt Nam đã hoàn thiện và đệ trình
Báo cáo quốc gia lần đầu tiên về thực thi Công ước Chống tra tấn (CAT) lên Ủy
ban Công ước CAT (tháng 7-2017); Hoàn thiện và đệ trình Báo cáo quốc gia định kỳ
về thực thi Công ước Quyền Dân sự, Chính trị (ICCPR) lên Ủy ban Công ước ICCPR
(tháng 12-2017); đang hoàn thiện Báo cáo quốc gia lần đầu tiên về thực thi Công
ước Quyền của Người khuyết tật (CRPD), Báo cáo quốc gia định kỳ về thực thi
Công ước Quyền Trẻ em (CRC) để trình Thủ tướng Chính phủ thông qua.
Cũng trong năm 2017, Việt Nam đã lồng ghép các
sáng kiến về quyền con người, nhóm yếu thế trong khuôn khổ APEC 2017, như: Bình
đẳng giới; các sáng kiến hướng về người lao động và nhóm dễ bị tổn thương… Các
sáng kiến này đã nhận được sự đánh giá cao và hưởng ứng của lãnh đạo các nền
kinh tế APEC.
Thành tựu tiếp theo là việc tiếp tục thúc đẩy
phát triển văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo. Trong năm 2017, nhiều hoạt động tín
ngưỡng, tôn giáo đã được tổ chức, trong đó nổi bật là các hoạt động kỷ niệm Đại
lễ Phật đản năm 2017; sự kiện kỷ niệm 500 Tin lành Phúc âm tại Hà Nội trong hai
ngày 7 và 8-12 với sự tham gia của hơn 10.000 người.
Và không thể không kể đến việc, ngày 7-12, Ủy
ban Liên chính phủ UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể đã chính thức ra
Nghị quyết công nhận Bài chòi Trung Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của
nhân loại. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 12 của Việt Nam được UNESCO
công nhận.
Bảo đảm tốt quyền của người Việt Nam ở nước
ngoài cũng là một thành tựu nổi bật trong lĩnh vực quyền con người năm 2017 của
Việt Nam. Trong năm qua, Việt Nam chú trọng công tác hỗ trợ, tạo điều kiện cho
kiều bào ổn định địa vị pháp lý, hội nhập vào sở tại, làm ăn sinh sống ở nước
ngoài, ưu tiên lồng ghép nội dung này trong trao đổi cấp cao; tập trung hỗ trợ
cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài duy trì tiếng Việt, gìn giữ và phát huy bản
sắc dân tộc, mở rộng các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa; tăng cường thông
tin tuyên truyền cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài về tình hình đất nước;
thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài, xử lý khẩn trương các vụ
việc, sự cố có liên quan đến công dân Việt Nam ở nước ngoài…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét