Đây là một trận quyết
chiến chiến lược điển hình, thể hiện đặc sắc của ý chí Việt Nam, của chiến
tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới. Có nhiều nhân tố làm nên chiến
thắng oanh liệt của quân dân ta trong cuộc tập kích chiến lược đường không bằng
máy bay B52 của đế quốc Mỹ cách đây 35 năm, làm nên “Điện Biên Phủ trên không”
vang dội. Ý chí Việt Nam, chính trị - tinh thần Việt Nam là nhân tố cơ bản làm
nên chiến thắng đó.
Đây là cuộc đụng đầu lịch
sử, là đòn quyết chiến chiến lược của quân và dân ta với lực lượng không quân
chiến lược Mỹ; là cuộc đọ sức giữa chiến tranh nhân dân Việt Nam với chiến
tranh xâm lược, phá hoại bằng không quân hiện đại của đế quốc Mỹ ở trình độ
cao, ở nấc thang cao nhất của chiến tranh phá hoại miền Bắc do chúng tiến hành;
là cuộc đọ sức giữa ý chí và tinh thần của quân dân ta với sức mạnh và sự tàn
khốc của vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ. Trong lịch sử dân tộc
chưa từng có cuộc đọ sức nào như thế.
Đế quốc Mỹ thực hiện
chiến dịch tập kích đường không chiến lược mang tên LAINƠBÊCHCƠ II vào Thủ đô
Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số địa phương khác trên miền Bắc, nhằm uy hiếp
tinh thần và ý chí chiến đấu, phá hoại lực lượng kinh tế, quân sự của miền Bắc
nước ta, thực hiện ý đồ thương lượng trên thế mạnh. Chúng đã tập trung huy động
một lực lượng máy bay chiến lược lớn nhất mà lịch sử chiến tranh nhân loại chưa
từng biết đến, với 48% số máy bay chiến lược B52, 31% số máy bay chiến thuật hiện
đại; thực hiện 740 lần chiếc B52, hơn 1000 lần máy bay chiến thuật, có cả máy
bay F111, đánh tập trung, ném ồ ạt gần 20.000 tấn bom xuống Hà Nội, Hải phòng
và một số địa phương trên miền Bắc.
Với bước leo thang bằng
không quân cao nhất này, đế quốc Mỹ những tưởng rằng chúng sẽ nhanh chóng giành
thắng lợi, nhanh chóng làm tan rã ý chí chiến đấu của quân dân ta; rằng Hà Nội
“sẽ không chịu đựng nổi một Hirôsima không có bom nguyên tử”, rằng “Hà Nội sẽ
trở lại thời kỳ đồ đá”.
Thế nhưng, những máy
bay và phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân bậc nhất đương thời lại vấp phải
sức mạnh to lớn, vô địch của ý chí Việt Nam, của chiến tranh nhân dân Việt Nam
và cuối cùng phải chịu thất bại. Quân và dân ta bước vào cuộc chiến đấu với tư
thế chủ động, tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, vững vàng về chính
trị, tư tưởng và tâm lý. Với ý chí quyết chiến, quyết thắng, với tinh thần “Hà
Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tán phá, song nhân dân
Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày
thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”[1], quân và dân miền Bắc, đặc
biệt là quân dân Thủ đô Hà Nội, lực lượng phòng không không quân, đã anh dũng
chiến đấu, vượt lên đau thương, mất mát, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ
trên không”.
Trong cuộc đụng đầu lịch
sử này, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52, 5
F111, diệt và bắt sống nhiều phi công Mỹ. Bị tổn thất to lớn và không đạt được
mục đích chiến dịch đề ra, đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá
miền Bắc, nối lại đàm phán với ta tại Hội nghị Pari. Thắng lợi của quân dân ra
đã góp phần trực tiếp làm thất bại mưu đồ đánh nhanh thắng nhanh, thương lượng
trên thế mạnh của Mỹ; thúc đẩy nhanh chóng sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống
nhất Tổ quốc đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đó là thắng lợi của ý chí Việt
Nam, của tinh thần Việt Nam, của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Lòng yêu nước nồng nàn,
khát vọng độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc; lòng căm thù giặc sâu sắc; ý chí
“Không có gì quý hơn độc lập tự do”, tinh thần quyết chiến, quyết thắng quân
thù... những nội dung cốt lõi trong chính trị - tinh thần, được thăng hoa, trở
thành động lực trực tiếp làm xuất hiện và nở rộ những hành động anh hùng của
quân dân miền Bắc, tạo nên sức mạnh thần kỳ, “đánh sập một thần tượng” của
không lực Hoa Kỳ, viết nên một bản hùng ca bất hủ của một dân tộc anh hùng, một
quân đội anh hùng.
Có hiểu sâu sắc ý chí
quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta mới có thể hiểu được vì sao lại
chói ngời những hình ảnh cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu
chống quân thù. Không thể cảm nhận hết ý nghĩa to lớn và hào khí của “Điện Biên
Phủ trên không” nếu không hiểu được sức mạnh chính trị - tinh thần, ý chí chiến
đấu được biểu hiện ở những hành động dũng cảm, kiên cường, vượt qua mọi khó
khăn ác liệt, hy sinh quên mình trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu của cán bộ,
chiến sỹ quân đội và các tầng lớp nhân dân ta, của những người dân bình thường,
của người già và trẻ em trong cuộc đọ sức chiến lược này.
Tinh thần ấy, ý chí ấy
trong những ngày cuối tháng 12 năm 1972 được nuôi dưỡng, phát huy đến độ rực rỡ,
mà cho đến bây giờ, 35 năm sau, những con cháu của thế hệ làm nên “Điện Biên Phủ
trên không” vẫn được thôi thúc bởi ý chí ấy như một nguồn động lực to lớn cho sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta trong tình hình mới gặp nhiều khó khăn và
thách thức mới. Cùng với chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch,
sự xuất hiện một loại hình chiến tranh mới, chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ
khí công nghệ cao do chủ nghĩa đế quốc tiến hành chống các quốc gia độc lập có
chủ quyền trên thế giới đã đặt ra những thách thức mới hết sức gay gắt đối với
ý chí con người, đối với nhân tố chính trị - tinh thần. Làm thế nào để xây dựng,
phát huy được nhân tố chính trị - tinh thần, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết
thắng, tạo nên sức mạnh tổng hợp đủ sức chiến thắng địch trong “diễn biến hoà
bình” và cả trong điều kiện chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí công nghệ
cao (nếu xảy ra) là vấn đề to lớn, đặc biệt hệ trọng đặt ra đối với nước ta
trong thực hiện chiến lược quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trong điều kiện mới,
chiến tranh nhân dân vẫn là lời giải cơ bản cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc của
nhân dân ta; sức mạnh cơ bản và vũ khí sắc bén của chiến tranh nhân dân Việt
Nam bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa vẫn là chính trị - tinh thần, là ý chí quyết
chiến, quyết thắng. Vì thế, xây dựng, củng cố và phát huy chính trị - tinh thần
của quân đội và nhân dân là nhiệm vụ cơ bản, cấp thiết của sự nghiệp bảo vệ Tổ
quốc hiện nay. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tạo ra được một sức mạnh chính trị
- tinh thần, một ý chí quyết chiến, quyết thắng Việt Nam với một trình độ mới,
chất lượng mới, đáp ứng với tình hình mới.
Yêu cầu cơ bản là, khi
chưa xảy ra chiến tranh thì thực hiện “cả nước một lòng, toàn dân giữ nước”, mọi
công dân đều có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khi xảy ra chiến tranh
thì thực hiện chiến tranh nhân dân “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “cả nước một
lòng, toàn dân đánh giặc”, tạo ra những “tấm lưới sắt”, “bức thành đồng”, thế
trận toàn dân đánh giặc giữ nước. Đó là bí quyết chiến thắng của sự nghiệp bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay mà bài học kinh nghiệm lịch sử và
hào khí “Điện Biên Phủ trên không” đã truyền lại./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét