Chiến thắng “Hà Nội -
Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa vô cùng to lớn cả về quân sự, chính trị,
ngoại giao, làm thay đổi hoàn toàn cục diện chiến tranh, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp
định Pa-ri ngày 27-1-1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam,
rút toàn bộ lực lượng quân viễn chinh Mỹ về nước, đồng thời mở ra một bước ngoặt
lịch sử cho nhân dân ta tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất
nước.
Nỗi
ám ảnh của người Mỹ
Trong hồi ký của mình,
cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Mắc Na-ma-ra (Robert McNamara) viết: “Mỹ đã phạm
sai lầm lớn trong chiến tranh Việt Nam - những sai lầm cơ bản có tính chiến lược.
Mỹ đã không lường hết được ý thức dân tộc của con người Việt Nam khi Mỹ đổ quân
vào Việt Nam, ném bom miền Bắc lần này, phiêu lưu đến mức tung một lực lượng
không lực khổng lồ đánh thẳng vào các thành phố miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà
Nội. Mỹ cũng không nghĩ đến việc, về mặt khí tài và kỹ thuật quân sự, quân đội
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể trừng trị được các “chủ bài” trên không của
Mỹ và cuối cùng Mỹ đã không hiểu lịch sử Việt Nam xa và hiện tại…”.
Trong cuốn sách “Lời
phán quyết về Việt Nam”, Giô-dép A. Am-tơ (Joseph A. Amter) viết: “Trong
12 ngày tiếp theo, từ ngày 18-2 đến ngày 30-12-1972, Mỹ ném xuống Hà Nội, Hải
Phòng trên 35.000 tấn bom đạn. Lầu Năm Góc cho rằng, các trung tâm dân cư cũng
như các mục tiêu quân sự sẽ bị quét sạch chỉ còn là những đống gạch vụn. Toàn bộ
các vùng lân cận đã bị xóa sạch, các phương tiện vận tải hoàn toàn bị phá hủy,
và những bệnh viện quan trọng bị tàn phá. Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở y tế hiện đại
nhất của Hà Nội với trên 900 giường bệnh đã bị biến thành nơi đổ nát… Tổng thống
R.Ních-xơn đã đánh giá thấp quyết tâm của nhân dân Bắc Việt Nam… Khoảng 33 đến
35 B52 chở gần 100 phi công Mỹ đã bị bắn rơi trong 12 ngày đêm. Con số chính thức
được thừa nhận, chỉ 15 máy bay bị mất hầu như chắc chắn”.
Đại tá H.G.Săm-mơ
(Harry G.Summer) trong cuốn “An-ma-nach về chiến tranh Việt Nam” năm 1985,
đã viết: “Bắc Việt Nam là một trong các hệ thống phòng không có hiệu quả nhất
trong lịch sử. Hệ thống này gồm máy bay tiêm kích MiG-17 và MiG-21, các tên lửa
đất đối không SAM-2 cùng hàng nghìn vũ khí khác từ súng PK 12,7 mm đến pháo 100
mm. Pháo cao xạ buộc máy bay tiến công phải bay cao, dễ bị SAM và MiG đánh. Ngược
lại, nếu bay thấp để tránh SAM và MiG thì máy bay dễ bị sát thương bởi hỏa lực
pháo phòng không. Các kíp bay chiến đấu của không lực Mỹ vào miền Bắc Việt Nam
có cảm giác như lao vào lưới lửa phòng không”.
Tuần báo Mỹ AW&ST,
ngày 12-2-1973 nhận xét: “Đây là một cuộc chiến tranh nhiễu điện tử quy mô lớn
đầu tiên giữa hai phe tiến công và phòng thủ đều mạnh. Chiến tranh điện tử đòi
hỏi có chiến thuật linh hoạt, khôn khéo và trang bị hiện đại. Những trận đánh ở
Hà Nội đã chứng minh điều đó… Hà Nội theo dõi các tín hiệu nhiễu trên màn ra-đa
do máy gây nhiễu trên B52 phát ra, giao hội các nguồn nhiễu, tính toán đường
bay rồi phóng hàng loạt tên lửa dọc theo đường bay phán đoán… thiệt hại B52 lên
đến đỉnh cao”.
Trên tạp chí Không
quân (Mỹ) đăng tải loạt bài về thất bại của chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II.
Đa-na Đrên-cao-xki (Dana Drenkowsky) trong bài “Thảm kịch của cuộc hành quân
Lai-nơ-bếch-cơ II” đã viết: “Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II hầu như hoàn toàn do
Bộ chỉ huy không quân chiến lược Hoa Kỳ đảm nhiệm, là một thảm họa cho phi công
và là một tiền lệ nguy hiểm cho tương lai. Hậu quả của cuộc hành quân này là một
số lớn B52 bị bắn hạ một cách không thương tiếc và nhiều phi công bị thương tật,
chết hoặc bị bắt sống”.
Tháng 2-1973, J.Phi-sơ
đã viết: “trong Chiến tranh thế giới thứ hai, tổn thất máy bay ném bom bị bắn hạ
ước tính trung bình là 1 chiếc/ 64 phi đội xuất kích… trên không phận Hà Nội, Hải
Phòng, cứ 49 phi đội xuất kích thì lại có 1 B52 bị SAM bắn hạ”.
Nhận xét về “Chiến dịch
Lai-nơ-bếch-cơ II”, tháng 6-1973, tướng Gioóc-giơ I-đơ, cựu Phó Tham mưu trưởng
phụ trách kế hoạch và tác chiến của không quân Mỹ viết: “Bắc Việt Nam có lực lượng
phòng không dày dạn kinh nghiệm nhất thế giới, nhất là kinh nghiệm phóng tên lửa
SAM để hạ máy bay. Về không chiến, các phi công Mỹ dựa vào hệ thống cảnh giới
trên không tuy hiện đại song chắp vá nên hạn chế, trái với các máy bay MiG được
ra-đa hoàn chỉnh điều khiển cho nên đa số máy bay Mỹ bị rơi vì đối phương đánh
bất ngờ và chỉ khi một tên lửa lao đến ống thoát khí ở đuôi thì phi công mới biết
là máy bay đang bị tiến công…”.
Đại úy phi công Mỹ
R.E.Hon-phơ, người trực tiếp tham gia Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II, trong bài
báo nhan đề “Cuộc hành quân Lai-nơ-bếch-cơ II theo nhận định của một phi công”
tháng 9-1973, đã viết: “Để ngăn chặn việc Hà Nội phục hồi lại sức mạnh, đô đốc
T. Mu-rơ, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ khuyến cáo nên mở một
chiến dịch mới ném bom Bắc Việt Nam ồ ạt hơn nữa... Thất vọng vì thái độ ương
ngạch của Hà Nội và cảnh giác trước việc Quốc hội có thể cắt bỏ ngân sách, Tổng
thống chấp thuận giải pháp này vào tháng 12-1972. Cuộc hành quân mới này mang
tên Lai-nơ-bếch-cơ II. Thoạt tiên, nó được hoạch định dưới hình thức một cuộc tập
kích bằng không quân kéo dài ba ngày vào khu vực Hà Nội, Hải Phòng nhưng sau đó
được mở rộng thành 11 ngày… Không phải B52 không được bảo dưỡng tốt (trong 729
phi vụ chỉ có một chiếc B52 bị hỏng động cơ khi bay) mà một số máy bay chiến lược
Mỹ bị rơi nhiều chính là vì mật độ vũ khí phòng không của Hà Nội, Hải Phòng tập
trung cao buộc máy bay B52 phải bay lên tầm cao và ở tầm này dễ bị tên lửa bắn
hạ…”.
Trong cuốn sách “Người
Mỹ ở Việt Nam” xuất bản năm 1980, Gu-en-tơ Le-vi nhớ lại: “Cả chiến dịch
“Sấm rền” và “Lai-nơ-bếch-cơ II” đều không mang lại sự nhượng bộ quan trọng của
Bắc Việt Nam. Cái giá mà Mỹ phải trả cho cuộc chiến tranh không quân ở Bắc Việt
Nam là quá đắt về mặt tài chính và chính trị…”.
Khi phân tích nguyên
nhân thất bại của Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II, J.T. Giôn Út viết trong cuốn “Cuộc
chiến tranh Việt Nam”: “Những điểm yếu nghiêm trọng của việc vạch kế hoạch và
thực hiện bộc lộ trong những cuộc oanh tạc ngày thứ nhất đã trở nên rõ rệt một
cách bi thảm trong những ngày sau. Các chiến thuật áp dụng trong chiến dịch ném
bom ở miền Nam không thích hợp với khu vực Hà Nội, nơi có hỏa lực phòng không mạnh”.
Trong bài viết nhan đề
“Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II” trên tạp chí Không quân, tháng 11-1997,
Oa-tơ Boi-nơ hồi tưởng: “Vào thời điểm năm 1972, sau một thời gian xây dựng, Bắc
Việt Nam đã có một hệ thống phòng không tích hợp mạnh nhất thế giới. Quy mô và
sức mạnh của hệ thống phòng không - không quân này mạnh đến mức nhiều người tin
tằng, các máy bay ném bom B52, “át chủ bài” của lực lượng tiến công tầm xa của
Mỹ khó mà sống sót… Có ba nguyên nhân dẫn đến tổn thất của B52. Thứ nhất,
các ra-đa của Bắc Việt Nam có thể vô hiệu hóa các biện pháp đối phó điện tử của
B52. Thứ hai, diện tích phản xạ hiệu dụng của B52 quá lớn. Thứ ba,tốc
độ gió quá lớn làm giảm tốc độ của máy bay… ”.
Đối với các phi công Mỹ
tham gia chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II bị bắt làm tù binh, đó là những ký ức
kinh hoàng: “Ở sân bay U Ta-pao không khí bao trùm là lo lắng và sợ hãi. Bởi vì
chúng tôi phải đi vào những nơi nguy hiểm nhất. Bởi vì nhiều máy bay B52 hàng
ngày không trở về. Bởi vì cứ như thế này thì ai cũng sẽ đến lượt phải chết. Chết
trong đêm tối. Chết bi thảm. Chết vì mục đích không thể hiểu nổi”. (Giôn
Ha-ri I-u-nin, trung tá, lái chính bị bắt tại Hải Hưng). “Tôi có thể khẳng
định rằng, nếu B52 còn vào thì còn bị bắn rơi nhiều nữa. Các ông chiến đấu dũng
cảm, mưu trí, có chính nghĩa. Tôi tin rằng nhất định các ông sẽ thắng vì lịch sử
ở phía các ông, đạo lý cũng ở phía các ông”. (Uy-li-am Con-li) “Máy
bay chúng tôi trúng tên lửa SAM. Chỉ huy chẳng ra lệnh gì cả. Tôi nghe hai tiếng
“búp”, “búp” biết rằng hai thằng ngồi trên ca bin nhảy dù rồi. Tôi liền nhảy dù
theo, chẳng kịp gọi thằng ngồi sau. Đang luống cuống cởi dù thì tôi bị bắt. Lạy
Chúa, tất cả diễn ra chừng 15 phút, 15 phút kinh hoàng nhất đời tôi”. (R.
Tô-mat Sim-sơn, đại úy, bị bắn rơi đêm 28-12-1972). “Trước hôm tôi tham
gia chuyến bay cuối cùng, trên báo quân đội Mỹ “Sao và Vạch” có đưa lên một số
máy bay B52 bị bắn hạ từ 18 đến 24-12. Chuyến bay nào cũng có máy bay không trở
về. Thật đáng sợ! Không khí bao trùm căn cứ An-đéc-xơn là không khí căng thẳng.
Không cười, không đùa, không nói to… ai nấy đều lo lắng. Không khí căng thẳng
này tăng lên từng ngày một” (Giêm Con-đân, thiếu tá, bị bắt ngày
27-12-1972).
Hãng Roi-tơ (Anh)
ngày 29-12-1972 bình luận: “với cái đà mất máy bay, phi công này, nếu Mỹ còn tiếp
tục ném bom thì chỉ đến ngày 28-4-1973, toàn bộ lực lượng không quân chiến lược
của Mỹ ở vùng Đông Nam Á sẽ hết nhẵn”. Rô-mét Chan-đra (Romesh Chandra), Tổng
Thư ký Hội đồng Hòa bình thế giới, trong bài đăng trên báo Cứu quốc, ngày
14-12-1973 đã nhấn mạnh: “tại Hà Nội anh hùng… người ta đã thấy rõ một dân tộc
không đầu hàng và không hề sợ sệt, quyết tâm làm theo Di chúc thiêng liêng của
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tại Hà Nội anh hùng đã đập tan vĩnh viễn câu chuyện
thần thoại của những B52”...
Bốn mươi năm đã trôi
qua. Những âm hưởng sự kiện ngày nào như vẫn còn nguyên trong ký ức, trong tâm
tưởng và trong lịch sử không chỉ của Việt Nam mà còn của cả nước Mỹ.
Đối với nước ta, trong
công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, quân đội ta dưới
sự lãnh đạo của Đảng, đang cùng với nhân dân cả nước kế thừa, phát triển kinh
nghiệm và truyền thống nghệ thuật quân sự dân tộc, đặc biệt là những kinh nghiệm
quý báu đã được tổng kết từ các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến
tranh bảo vệ Tổ quốc.
Quán triệt quan điểm
quân sự của Đảng “dựa vào sức mạnh chiến tranh nhân dân, lấy lực lượng vũ trang
nhân dân ba thứ quân làm nòng cốt” và từ kinh nghiệm của chiến thắng “Hà Nội -
Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, chúng ta có thể vận dụng vào xây dựng
các khu vực phòng thủ, tìm tòi, sáng tạo nhiều cách đánh linh hoạt của chiến
tranh nhân dân, trong đó có việc nghiên cứu hình thành và phát triển nghệ thuật
chiến dịch phòng không chống tập kích đường không bằng vũ khí công nghệ cao của
đối phương. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những bài học rút ra từ chiến thắng “Hà
Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét