Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

Vai trò của thế trận chiến tranh nhân dân trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”

Giữ vị trí trọng yếu về nhiều mặt, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hà Nội lại một lần nữa oằn mình chống chọi với các cuộc tấn công đánh phá của kẻ thù. Trong khói bom lửa đạn, truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, đặc biệt là thế trận toàn dân đánh giặc được quân và dân Thủ đô phát huy cao độ.
Thế trận chiến tranh nhân dân ở Hà Nội được triển khai đa dạng, nhiều tầng, nhiều lớp với nhiều hình thức phong phú. Trước khi cuộc tập kích bắt đầu, chính quyền thành phố Hà Nội đã tổ chức sơ tán khoảng 30 vạn người ra khỏi nội thành. Sau đêm 18-12-1972, đêm đầu tiên máy bay B52 “rải thảm”, lệnh sơ tán khẩn cấp và triệt để được thông báo tới toàn dân. Những dòng người hối hả rời Thủ đô. Họ tỏa về các vùng nông thôn, tìm đến vòng tay đùm bọc, che chở của bà con ven thị thành. Tuy không khí vội vã, nhưng hàng chục vạn người đã ra đi trong trật tự an toàn. Những người ở lại Hà Nội yên tâm bám trụ và sẵn sàng chiến đấu sinh tử với quân thù.
Không chỉ tổ chức cho nhân dân sơ tán, để triển khai thế trận chiến tranh nhân dân hiệu quả, chính quyền Hà Nội đã tổ chức hệ thống còi báo động rộng khắp. Do đó, mỗi khi nhận được lệnh máy bay địch xâm phạm vào vùng trời nước ta, còi báo động trong thành phố vang lên từng hồi liên tục. Các loa phóng thanh trên mọi nẻo đường truyền đi tiếng nói điềm tĩnh, dõng dạc của phát thanh viên: Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội một trăm cây số. Lực lượng vũ trang về vị trí chiến đấu, mọi người dân nhanh chóng đến nơi ẩn nấp. Lúc này, cả thành phố sẵn sàng chiến đấu!
Cùng với quá trình triển khai sơ tán và tổ chức báo động, Hà Nội đã phát động phong trào toàn dân bắn máy bay địch, lấy lực lượng phòng không ba thứ quân làm nòng cốt, xây dựng và phát triển phòng không của dân quân tự vệ. Hai lực lượng phòng không của dân quân tự vệ Hà Nội được tổ chức hiệu quả, đó là lực lượng trực chiến, gồm các tổ bắn máy bay thấp, bố trí và cơ động trên các trận địa đã chọn lựa và lực lượng không trực chiến, vừa tiến hành sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, khi có báo động thì triển khai tại các công sự đã chuẩn bị trước để bắn máy bay địch. Theo tính toán, trong 12 ngày đêm, lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu của tự vệ Hà Nội, lúc cao điểm, lên tới gần 54.000 người, sử dụng trên 500 súng trung liên, đại liên và súng máy cao xạ, triển khai tại 295 trận địa.
Điểm nổi bật thể hiện thế trận chiến tranh nhân dân là hình ảnh toàn dân làm công tác bảo đảm giao thông, vận chuyển. Hà Nội vốn là địa bàn tập trung các đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông của miền Bắc, có nhiều kho tàng lớn. Do đó, bảo đảm giao thông vận tải trở thành một mặt trận sôi động và ác liệt. Khi cuộc đánh phá của không quân Mỹ bắt đầu, Hà Nội xác định phải kiên quyết bảo đảm giao thông vận tải thông suốt, liên tục, an toàn để phục vụ sản xuất, sẵn sàng chiến đấu.
Để giành thắng lợi trên mặt trận này, Hà Nội đã phát huy vai trò nòng cốt lực lượng giao thông vận tải chuyên nghiệp và lực lượng công binh làm nhiệm vụ xung kích ở những trọng điểm bị địch đánh phá. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố triển khai rộng rãi lực lượng bảo đảm giao thông vận tải không chuyên, bao gồm các tổ ứng trực và khắc phục hậu quả ở các tuyến giao thông, các bến vượt, các cầu nhỏ với sự tham gia của dân quân tự vệ.
Việc tổ chức và kết hợp chặt chẽ các hoạt động của hai lực lượng không chuyên và lực lượng chuyên nghiệp trên mặt trận giao thông vận tải là sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật chỉ đạo bảo đảm giao thông vận tải trong chiến tranh nhân dân chống lại kẻ thù. Do làm tốt công tác này, dù các mục tiêu giao thông vận tải trên địa bàn thành phố bị đánh phá liên tục, nhưng lực lượng bảo đảm giao thông vận tải của chiến tranh nhân dân đã kiên cường bám trụ, kịp thời khắc phục hậu quả, bảo đảm được sự thông suốt trên các tuyến chính, phục vụ sản xuất và ổn định đời sống nhân dân. Dưới những đợt B52 rải thảm, vắt qua sông Đuống, sông Hồng vẫn có những chiếc cầu phao và cầu treo sừng sững, cùng những chuyến phà ngày đêm qua lại, giữ vững mạch máu giao thông, bảo đảm chi viện các trận địa đánh địch.  
Sức mạnh đoàn kết
Ngợi ca sự anh dũng, quả cảm của quân dân Hà Nội, một số khách nước ngoài từng ở Việt Nam trong những ngày khói lửa, đã nhận thấy trên gương mặt người Hà Nội hiện lên vẻ điềm tĩnh lạc quan và niềm tự tin đáng khâm phục. Phóng viên Mỹ Rai-bâu (Rainbow) viết trên tờ Tin nhanh mô tả: Nét mặt của họ có một vẻ đẹp tự nhiên, một vẻ bình tĩnh thư thái mà tôi chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào khác. Nhưng đáng khâm phục hơn, trong tiếng bom đạn rung trời chuyển đất và trong những đống đổ nát tan hoang trên mảnh đất “Thăng Long chiến địa”, người ta bỗng thấy những tốp thanh niên, nam nữ lao nhanh về các trận địa phòng không, giúp bộ đội tiếp đạn, tải thương, thay lá ngụy trang, khắc phục hậu quả; các bà mẹ tay xách, nách mang những rổ trái cây, những ấm nước chè xanh đến từng khẩu đội thăm hỏi, động viên các pháo thủ. Giữa những ngôi nhà sụp đổ, cạnh những đống lửa đang bốc cháy lên rừng rực, bóng các anh công an áo vàng, những chị em y tá, cứu thương, những đội viên dân phòng nhanh chóng xuất hiện, hối hả đào bới, cứu những người bị sập hầm, băng bó, chữa ngạt cho những người bị nạn, cứu những căn nhà bị cháy hoặc tháo gỡ những quả bom đang chờ nổ.
Cũng trong 12 ngày đêm đầy khói lửa này, những sân bay MIG, trận địa tên lửa, trận địa cao xạ trên địa bàn Hà Nội trở thành những mục tiêu tấn công của không quân Mỹ để triệt phá những đường băng, xóa sổ những chốt thép kiên cường trên mặt đất. Nhưng chỉ ít phút sau khi sân bay và trận địa bị bom Mỹ cày xới đã có ngay những lực lượng cứu trợ của nhân dân, không nề nguy hiểm, phối hợp với bộ đội công binh, nhanh chóng san lấp các hố bom, sửa chữa những đường băng, ụ pháo để cho máy bay tiếp tục cất cánh, cho đạn tên lửa và đạn cao xạ vạch trời lao đi tìm diệt máy bay địch.
Đồng hành cùng nhân dân Hà Nội, đồng bào Sài Gòn, bà con ruột thịt miền Nam và nhân dân cả nước luôn dõi theo và hòa nhịp vào bản hợp xướng của thế trận chiến tranh nhân dân đánh địch. Ở Hải Phòng, quân và dân nơi đây đã anh dũng chiến đấu, đánh thắng oanh liệt cuộc tập kích của đế quốc Mỹ; trực tiếp bắn rơi 17 máy bay các loại, trong đó có 4 máy bay chiến lược B52, 1 máy bay F111. Tại Thái Nguyên, quân và dân Thái Nguyên bắn rơi 2 máy bay B52 của địch. Tính chung trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác. Bị thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ buộc phải kết thúc cuộc tập kích, trở lại bàn đàm phán Pa-ri, ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27-1-1973.
Đứng trên bình diện tổng thể, thắng lợi “Điện Biên Phủ trên không” có sự đóng góp to lớn của thế trận chiến tranh nhân dân. Trong thế trận đó, một cao trào toàn dân làm công tác phòng tránh, toàn dân bắn máy bay địch, toàn dân làm công tác giao thông vận tải, toàn dân hợp tác và giúp đỡ bộ đội chiến đấu,… đã được kết hợp nhuần nhuyễn; cộng với trí thông minh, lòng dũng cảm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đã góp phần quyết định thực hiện thắng lợi chiến lược “đánh cho Mỹ cút” và chuẩn bị đầy đủ tiền đề tiến đến “đánh cho Ngụy nhào”, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đã 45 năm trôi qua, nhưng giá trị của thế trận chiến tranh nhân dân chống lại cuộc tập kích chiến lược của Mỹ cuối tháng 12-1972 vẫn mang đầy đủ tính lý luận và thực tiễn sâu sắc. Những bài học đúc kết này vẫn luôn được vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét