Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

CƠ SỞ KHOA HỌC ĐỂ TỪNG BƯỚC HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG CHÍNH ĐÁNG, NHÂN VĂN

Việc Đảng ta đưa ra tầm nhìn, mục tiêu phấn đấu từng bước đưa nước ta phát triển trong 5 năm, 10 năm, 25 năm nhân dịp các mốc son lịch sử của dân tộc, không chỉ khích lệ, động viên, thúc giục toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH mà còn chủ động tạo ra thế và lực ngày càng ổn định, vững vàng để đưa đất nước bứt phá, phát triển cùng với xu thế phát triển của thời đại.

Sau nhiều năm giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, đặc biệt năm 2020 trong điều kiện đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, phần lớn các nước trên thế giới có mức tăng trưởng âm thì nước ta vẫn giữ được mục tiêu kép là vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa giữ mức tăng trưởng dương. Năm 2020 quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN; GDP bình quân đầu người đạt 3.521USD, đứng thứ sáu ASEAN.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chỉ tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5-7%/năm; GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5000USD. Như vậy, đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mục tiêu phấn đấu “là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp” là có cơ sở. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, mục tiêu phấn đấu “là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” cũng có căn cứ hiện thực, vì mục tiêu này dựa trên các kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với nguồn lực, khả năng hiện tại và triển vọng phát triển của đất nước.

Tầm nhìn, khát vọng phát triển của Việt Nam không phải dựa trên ý chí chủ quan, không phải là tâm lý “con hát mẹ khen hay” như một số luận điệu rêu rao mà điều này được giới truyền thông quốc tế nhận định là có cơ sở. Báo The Washington Times (phiên bản báo in) của Mỹ ngày 9-4 vừa qua đăng bài viết đánh giá Việt Nam đã thành công trong việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhà nước; đồng thời nhận định Việt Nam có một quá trình phát triển kinh tế đáng kinh ngạc khi vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong hai thập kỷ qua. Mặt khác, Việt Nam đã có được sự ổn định về mặt chính trị, tạo đà cho sự tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức thu nhập của người dân trong những năm tới.

Mới đây, nhiều hãng truyền thông uy tín tại Romania, như: Hãng thông tấn quốc gia Agerpres, Romaniatv.net, Republicatv.ro, Proarges.ro, Digi24.ro,... cũng nhận định, vào đầu nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 14 trên thế giới về dân số, quy mô nền kinh tế đứng thứ 48, nhưng đến nay, xếp hạng của Việt Nam đã tăng 11 bậc, đứng thứ 37 thế giới. Dù con đường phát triển còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng có cơ sở để tin tưởng Việt Nam từ ngưỡng thu nhập trung bình sẽ gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Mỗi con người có khát vọng đã là điều đáng quý. Càng quý trọng hơn khi mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia dân tộc đều có khát vọng cao cả để hy vọng làm được những điều tốt đẹp, góp phần làm thay đổi cuộc sống, xã hội theo chiều hướng tích cực, văn minh, tiến bộ; qua đó đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại.

Do đó, ngăn cản khát vọng vươn lên của một dân tộc không chỉ là thái độ phản lại những giá trị tiến bộ của nhân loại mà còn là hành vi chà đạp lên ước nguyện chính đáng của gần 100 triệu người Việt đang chung tay góp sức, nỗ lực đồng lòng xây dựng đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh. Những luận điệu sai trái đó nhất định sẽ bị phủ nhận hoàn toàn bởi niềm tin, ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, như lời khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Khát vọng về một nước Việt Nam hùng cường 2045 “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Bác Hồ và tinh thần Đại hội Đảng XIII đề ra, là mục tiêu cao cả mà chúng ta hôm nay và những thế hệ tiếp theo phải nỗ lực phấn đấu để giành được. Cha ông ta đã làm nên những trang sử hào hùng, được viết bằng mồ hôi và xương máu của biết bao thế hệ. Chúng ta có niềm tin mãnh liệt rằng: Tiếp nối truyền thống hào hùng sẽ có nhiều chương sử mới viết tiếp những kỳ tích tiến lên giàu mạnh, hùng cường của đất nước ta và dân tộc ta”.

2 nhận xét:

  1. Ngăn cản khát vọng vươn lên của một dân tộc không chỉ là thái độ phản lại những giá trị tiến bộ của nhân loại mà còn là hành vi chà đạp lên ước nguyện chính đáng của gần 100 triệu người dân Việt Nam

    Trả lờiXóa