Về hội nhập kinh tế quốc
tế. Đến nay, hội nhập kinh tế quốc tế đã phát triển cả về chiều rộng và
chiều sâu và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Độ mở của nền kinh tế nước ta
hiện nay vào loại cao nhất thế giới với tỷ trọng xuất khẩu trên GDP là hơn
200%. Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các hiệp định đa phương thế hệ mới. Với
các kết quả hội nhập kinh tế sâu, rộng như vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho
các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn
vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Rõ ràng, hội nhập kinh tế quốc
tế của Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới cả về chiều rộng, chiều
sâu và toàn diện. Với những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa được ký kết
có tính toàn diện, quy mô rộng, mức độ cam kết cao, điều chỉnh toàn bộ các lĩnh
vực, trong đó bao hàm nhiều nội dung mới như thương mại điện tử, phát triển bền
vững, các biện pháp sau biên giới, đồng bộ chính sách, giải quyết chính sách giữa
nhà đầu tư và nhà nước đem lại rất nhiều cơ hội cho phát triển, đồng thời đòi hỏi
những nỗ lực trong nước rất cao để có thể đem lại kết quả như mong muốn. Thông
qua hội nhập quốc tế, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế nước ta tăng rất
nhanh, từ 1,74 tỷ USD năm 1986 lên 10 tỷ USD năm 1996, 45 tỷ USD năm 2006 và
287,8 tỷ USD năm 2020(5). Hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần phát huy nội lực,
tranh thủ được nguồn lực nước ngoài, đặc biệt là công nghệ và quản trị hiện đại.
Thông qua hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thu hút được lượng vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài lớn, góp phần bổ sung nguồn lực trong nước. Nguồn vốn FDI thu hút
vào nước ta tăng rất nhanh, từ 428,5 triệu USD năm 1991 lên 4 tỷ USD năm 2006
và 20 tỷ USD năm 2020(6). Năm 2020, đã có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư
tại Việt Nam, trong đó, dẫn đầu là Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.
Đồng thời, hội nhập quốc tế cũng là áp lực giúp đẩy mạnh cải cách mạnh mẽ trong
nước để bảo đảm điều kiện hội nhập thành công và hiệu quả. Hội nhập kinh tế quốc
tế đã góp phần tạo ra tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam, góp phần đưa kim ngạch
xuất nhập khẩu tăng liên tục trong nhiều năm qua, góp phần chuyển dịch cơ cấu
xuất nhập khẩu theo hướng chất lượng hơn.
Tuy nhiên, quá trình đổi
mới, hội nhập quốc tế cũng cho thấy cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc
lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, qua những cuộc khủng hoảng, hoặc những
biến động của thế giới cho thấy để hội nhập thành công phải có nội lực mạnh, đồng
thời phải đa phương hoá, đa dạng hoá các đối tác, các thị trường để tránh những
rủi ro và lệ thuộc. Kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài cũng cho thấy cần phải
nhận thức sâu sắc hiệu quả của thu hút đầu tư, nhất là giai đoạn hiện nay, phải
bảo đảm thu hút được công nghệ cao, công nghệ sạch và làm tốt việc chuyển giao
công nghệ cũng như gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư
nước ngoài.
Bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa