Bầu cử là việc đưa ra quyết định của công
dân hoặc của thành viên một tổ chức để chọn ra các cá nhân nắm giữ các chức vụ
thuộc chính quyền, thuộc ban lãnh đạo của một tổ chức, cơ quan đơn vị nào đó.
Đây là cơ chế phổ biến được các nền dân chủ hiện áp dụng để phân bổ chức vụ
trong bộ máy lập pháp, đôi khi cả ở bộ máy hành pháp, tư pháp và ở chính quyền
địa phương. Bầu cử là cơ sở pháp lý cho việc hình thành ra các cơ quan đại diện
cho quyền lực Nhà nước. Bên cạnh đó, thông qua bầu cử giúp người dân có điều kiện
thể hiện quyền "làm chủ" của mình, nhất là trong việc lựa chọn
ra những người đại diện cho tiếng nói, cho lợi ích của mình.
Trong bất kỳ một thể chế chính trị nào, để
Nhà nước có quyền hợp pháp, thực sự là Nhà nước "của dân, do dân, vì
dân" thì phải có được sự đồng thuận của người dân.
Ở Việt Nam, quyền bầu cử và ứng cử là một
trong những quyền chính trị cơ bản của công dân và được quy định cụ thể tại Điều
18 Hiến pháp năm 1946: "Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân
biệt gái, trai, đều có quyền bầu cử trừ những người mất trí và những người mất
công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi,
và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử
và ứng cử", và tiếp tục được khẳng định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp
năm 1959 (Điều 23), Hiến pháp năm 1980 (Điều 57), Hiến pháp năm 1992 (Điều 54).
Hiến pháp năm 2013 và quyền của công dân luôn gắn liền với nghĩa vụ của công
dân. Trong đó, Điều 15, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Quyền công dân
không tách rời nghĩa vụ công dân", Điều 21 cũng quy định: "Công dân đủ
18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc
hội và Hội đồng nhân dân...". Theo Điều 2 Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng
nhân dân các cấp năm 2015 quy định: "Tính đến ngày bầu cử được công bố,
công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu
cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp
theo quy định của Luật này". Đồng thời, Khoản 5, Điều 4 Luật Bầu cử đại biểu
Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp năm 2015 quy định: "Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu
Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại
biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp".
Thông báo Kết luận số 174-TB/TW ngày
08/6/2020 của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và
đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 nêu rõ đại biểu Quốc hội
và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải là những người trung thành với Tổ quốc,
nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngoài tiêu chuẩn chung, Hướng dẫn
số 36-HD/BCHTW, ngày 20/01/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự
đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -
2026 đã quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội chuyên
trách và đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách.
Bên cạnh đó, tiếp thu tinh thần chỉ đạo của
Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại
biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ
2021 - 2026, Hướng dẫn số 36-HD/BCHTW ngày 20/01/2021 của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng đã bổ sung, hoàn thiện thêm nội dung về quy trình nhân sự theo hướng
việc giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
theo quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân
các cấp năm 2015; quy trình thủ tục, hồ sơ cụ thể thực hiện theo quy định của Hội
đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Như vậy có thể thấy, trong quy trình lựa chọn,
sự tín nhiệm của cử tri là thước đo rất quan trọng về tiểu chuẩn của đại biểu
Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Do đó, tại Nghị quyết
liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và Chính phủ lần này, trong quá trình lựa chọn, sàng lọc, đặc biệt
quan tâm đến yếu tố tín nhiệm. Nếu ở địa bàn, ở nơi công tác nếu cá nhân đó
không được tín nhiệm thì bước đầu tiên sẽ không đưa vào giới thiệu nhân sự bầu
cử. Ngoài ra, còn nhiều văn bản khác cũng quy định về quyền, nghĩa vụ của công
dân, cũng như tiêu chuẩn về nhân sự bầu của đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng
nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Việt Nam không hạn chế quyền ứng cử tự do
của công dân, nếu họ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định và được quần
chúng nhân dân tín nhiệm. Bên cạnh đó, việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội
khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 không chỉ là
quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của mỗi công dân; bản thân mỗi cử tri có vai trò
quyết định trong việc lựa chọn cho mình những người đại diện xứng đáng nhất để
thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, dân tộc.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóaBầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của mỗi công dân
Trả lờiXóa