Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

“THẦN TỐC, THẦN TỐC HƠN NỮA. TÁO BẠO, TÁO BẠO HƠN NỮA. TRANH THỦ TỪNG PHÚT, TỪNG GIỜ, XỐC TỚI MIỀN NAM. QUYẾT CHIẾN VÀ QUYẾT THẮNG. TRUYỀN ĐẠT TỨC KHẮC ĐẾN ĐẢNG VIÊN, CHIẾN SĨ” ĐƯỢC COI LÀ KIM CHỈ NAM, LỜI HỊCH TƯỚNG SỸ ĐỂ CÁC CÁNH QUÂN TIẾN THẲNG VÀO SÀO HUYỆT CỦA KẺ THÙ

Cách đây 46 năm, lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lịch sử dân tộc đã ghi một mốc son chói lọi khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong thắng lợi vẻ vang ấy, không thể không nhắc đến sự lãnh đạo và điều hành trực tiếp của Bộ thống soái tối cao: Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh. Trong những ngày tháng lịch sử đó, Bộ thống soái tối cao đã tập trung trí tuệ, tài năng ra những quyết định, kế hoạch chiến lược, chiến dịch, những mệnh lệnh, chỉ thị cho quân và dân cả nước biến các nghị quyết đúng đắn của Đảng thành sức mạnh chiến đấu và chiến thắng trên các chiến trường.

Một trong những mệnh lệnh đó do Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký trong bức điện khẩn ngày 7-4-1975. Bức điện với nội dung “thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ” được coi là kim chỉ nam, LỜI HỊCH TƯỚNG SỸ để các cánh quân tiến thẳng vào sào huyệt của kẻ thù.

Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, ngày 31-3-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Quân đoàn 1: 'Quân đoàn 1 (trừ Sư đoàn 308) có nhiệm vụ tổ chức hành quân gấp vào miền Đông Nam Bộ, hiệp đồng với các đơn vị bạn tham gia trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn-Gia Định'.

9 giờ 30 phút ngày 7-4-1975, Quân đoàn 1 nhận được bức điện khẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh của Đại tướng lập tức được chuyển đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đang hành quân nhiều ngày, đã khá mệt, nhưng khi nhận được lệnh, anh em phấn khởi cơ động suốt ngày đêm, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, có mặt đúng vị trí tập kết tại Đồng Xoài, tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước); nhanh chóng huấn luyện bổ sung cách đánh trong thành phố và cách đánh thọc sâu trong hành quân bằng bộ binh cơ giới. Với phương châm: Táo bạo, thọc sâu đánh nhanh các mục tiêu theo kế hoạch; đêm 25-4-1975, cùng với các đơn vị trong Quân đoàn 1, Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B đã tập trung ở Bầu Cá Trê, phía bắc Tân Uyên.

Ngày 26-4-1975, chúng tôi được lệnh tiến công đánh vượt qua Tân Uyên theo đường đất đỏ qua Bình Chuẩn; tối 29-4-1975, đơn vị vào tới Búng, cách Lái Thiêu 10km. Đến 20 giờ ngày 29-4, tôi (khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27) và đồng chí Trịnh Văn Thư, Chính ủy trung đoàn, cùng tổ trinh sát đã bắt được liên lạc với cơ sở cách mạng. Tại xã Thuận Giao, gia đình bà Huỳnh Thị Sáu (má Sáu Ngẫu) rất vui và lấy tấm bản đồ thành Sài Gòn cất giữ từ lâu, trao ngay cho chúng tôi. Má Sáu chỉ tường tận đường đi, các chốt đóng quân, trận địa hỏa lực của địch mà má đã đánh dấu. Nhờ tấm bản đồ chỉ dẫn của má Sáu, sáng 30-4-1975, trong đội hình của Sư đoàn 320B (Quân đoàn 1), Trung đoàn 27 theo trục đường 13, lần lượt đánh chiếm quận lỵ Lái Thiêu, bao vây, chia cắt, cô lập, bức hàng hơn 2000 tên địch tại Trại lính Huỳnh Văn Lương và đánh chiếm cầu Vĩnh Bình; tiếp đó tiến công đánh chiếm Bộ tư lệnh Thiết giáp ngụy, căn cứ Lục quân công xưởng Gò Vấp, tiếp quản Tổng y viện cộng hòa.

9 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, ba mũi tiến công của Quân đoàn 1 đã gặp nhau ở khu vực cột cờ, trước trụ sở Bộ Tổng tham mưu ngụy. 16 giờ ngày 30-4-1975, các đơn vị của quân đoàn đều hoàn thành nhiệm vụ được giao; quân đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về trình độ tổ chức, chỉ huy, tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, với nhiều bài học kinh nghiệm quý. Trước hết, là nét độc đáo về nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng thọc sâu chiến dịch, tạo ưu thế về sức mạnh, đánh chiếm mục tiêu chiến lược, giành thắng lợi. Thực hiện phương châm: “Thần tốc, quyết thắng”, nên bộ đội ta nhanh chóng đánh vượt qua các trọng điểm đề kháng vòng ngoài, đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu; đặc biệt là đánh chiếm các cầu để đưa quân ta vào đánh các mục tiêu chiến lược trong nội đô Sài Gòn. Đây là nét độc đáo về nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng thọc sâu trong chiến dịch; nhanh chóng tiêu diệt các cơ quan đầu não của địch; thực hiện triệt để tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Thần tốc, táo bạo, chắc thắng”.

Các đơn vị quân giải phóng đã tạo lập thế trận thọc sâu vững chắc, sẵn sàng đột kích đánh chiếm mục tiêu đảm nhiệm. Trước khi bước vào chiến dịch, ta đã khẩn trương chuẩn bị tốt các trục đường cơ động trên các hướng, nhất là đường cơ động cho xe cơ giới. Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ đạo các đơn vị tổ chức các đợt chiến đấu tạo ra thế trận thọc sâu vững chắc, bảo đảm có thể hợp vây lớn và chia cắt cả tập đoàn phòng ngự của địch. Đây là nghệ thuật tạo lập thế trận ban đầu rất quan trọng để các đơn vị nhanh chóng tiêu diệt, làm tan rã các đơn vị chủ lực của địch; khiến chúng không thể ứng cứu được cho nhau, dẫn tới sụp đổ nhanh chóng.

Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện nét độc đáo về nghệ thuật kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực với LLVT địa phương; giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng. Các đơn vị của Quân đoàn 1, cùng với việc xác định hướng tiến công đúng và sử dụng lực lượng hợp lý, đã tận dụng thế trận chiến tranh nhân dân tại chỗ để làm bàn đạp, tạo sức mạnh bảo đảm liên tục phát triển chiến đấu; vừa bảo vệ được đội hình, vừa bảo vệ được lực lượng trên hướng tiến công chủ yếu, nhanh chóng chuyển hóa thế trận, chuyển hướng tiến công, thực hiện đúng ý định và kế hoạch của Tư lệnh chiến dịch.

Mệnh lệnh lịch sử này đã góp phần quan trọng tạo nên tính lịch sử cho chiến dịch quân sự lớn nhất của Quân đội nhân dân việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Ngay sau Hội nghị Bộ Chính trị (ngày 31/3/1975 với quyết tâm của Bộ Chính trị thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất – NV), tôi suy nghĩ nhiều về trận chiến đấu sẽ diễn ra trên chiến trường trọng điểm Sài Gòn – Gia Định. Sau khi nghiên cứu, trao đổi với Tổng tham mưu phó Cao Văn Khánh và Cục trưởng tác chiến Lê hữu Đức, ngày 1 tháng 4, tôi gọi điện vào B2: Đúng như Bộ Chính trị nhận định, chiến tranh cách mạng ở miền Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt. Hiện nay ta đã có đầy đủ lực lượng và khả năng để dành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều.

Vấn đề quyết định là phải kịp thời nắm lấy thời cơ, tranh thủ vào trung tuần tháng 4 thì bắt đầu cuộc tấn công quy mô lớn vào Sài Gòn. Làm được như vậy thì thuận lợi nhất, bảo đảm thắng lợi giòn giã nhất. Bất ngờ hiện nay không còn ở phương hướng nữa. Địch biết nhất định ta sẽ đánh vào Sài Gòn nhưng chúng cho rằng ta cần chuẩn bị một hai tháng. Vì vậy bất ngờ hiện nay chủ yếu là khâu thời gian. Một mặt cần cơ động lực lượng nhanh chóng, thần tốc, mặt khác sử dụng ngay lực lượng hiện có để kịp thời hành động…”. (Trích Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, NXB Quân đội nhân dân).

Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trong ảnh, từ trái sang phải: đại tá Lê Hữu Đức (Cục trưởng Cục tác chiến), thượng tướng Hoàng Văn Thái (Phó tổng tham mưu), thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm (Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần), thượng tướng Song Hào (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thư Quận ủy Trung ương), trung tướng Lê Quang Đạo (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rõ hơn: “Cuộc tiến công lịch sử của Quang Trung – Nguyễn Huệ lại hiện về trong ký ức. Ngày 4-4, tôi gửi điện cho cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 đang hành quân: Các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ rất vẻ vang. Cần hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng…. Ngày 7/4, tôi ra lệnh cho các đơn vị đang dổ vào chiến trường: “Mệnh lệnh: 1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. 2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.

Bức điện khẩn “Thần tốc, thần tốc hơn nữa…” do tự tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy trung ương, Bộ trưởng bộ Quốc phòng ký tên được Ban Cơ yếu lập tức truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam như một lời hịch tướng sĩ. Mệnh lệnh đã truyền đạt quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tới các cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, tới mỗi đảng viên, chiến sĩ để chủ động sáng tạo, thừa thắng, xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Và cả dân tộc đã ra quân với khí thế ấy. Tất cả đều thấm nhuần: lúc này, lỡ thời cơ là có tội.

2 nhận xét:

  1. Đại thắng mùa Xuân 1975 được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang sử chói lọi nhất, biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

    Trả lờiXóa
  2. Thắng lợi của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang sử chói lọi nhất; chúng ta phải phát huy những thành quả đó và đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc

    Trả lờiXóa