Một thương hiệu thời trang đang bị nhiều người Việt Nam kêu gọi tẩy chay. (Ảnh: Báo Tienphong)

Mới đây, một loạt thương hiệu thời trang nổi tiếng như H&M, Louis Vuiton, Gucci, UNIQLO, Chanel đã bị phát hiện sử dụng bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp trên website chính thức phiên bản tiếng Trung. Sự việc này đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ và tẩy chay từ cộng đồng mạng xã hội và người tiêu dùng Việt Nam. 

Cụ thể, ngay trên trang fanpage Facebook chính thức của thương hiệu H&M với 39 triệu lượt người thích, tại các bài đăng gần nhất, đồng loạt cư dân mạng Việt Nam đã bình luận bác bỏ bản đồ đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa và kêu gọi tẩy chay thương hiệu. Thậm chí có cư dân mạng còn muốn đánh sập trang fanpage của thương hiệu và muốn H&M rút khỏi thị trường Việt Nam vì “pha xử lý lật lọng”.

Dưới bài viết có nội dung “Cùng H&M tiếp tục hành trình hướng đến thời trang bền vững tại Việt Nam” đăng ngày 29/3, tính đến trưa ngày 4/4, có tổng cộng 80.000 lượt phẫn nộ cùng hàng chục nghìn bình luận phản đối bản đồ có “đường lưỡi bò”. Một bài viết đăng chiều ngày 2/4 về sản phẩm dành cho nam, đến chiều ngày 4/4 có 61.000 lượt phẫn nộ.

Tài khoản Lương Tuấn Phi bình luận tại bài viết trên trang Fanpage của H&M: “Một thương hiệu lớn nhưng không biết phân biệt phải trái đúng sai. Nếu không đính chính lại thông tin xin mời rời khỏi Việt Nam, đừng kinh doanh trên một đất nước mà bạn không tôn trọng chủ quyền”. Lời bình luận này đã nhận được tới 6.800 ý kiến đồng tình, hàng trăm bình luận ủng hộ.

Chưa hết, nhiều trang Fanpage anti H&M được lập ra trên mạng xã hội Facebook và nhanh chóng nhận được sự tham gia của hàng nghìn lượt tham gia như H&M anti với 1,9 nghìn người tham gia.

Không chỉ H&M, nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng như : Chanel, Louis Vuitton, Gucci, UNIQLO, YSL… cũng bị phát hiện công khai đăng bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp trên website phiên bản tiếng Trung. Sự việc thêm một lần nữa dấy lên làn sóng phẫn nộ và tẩy chay từ cộng đồng mạng và người tiêu dùng Việt Nam do bản đồ có đường lưỡi bò của Trung Quốc là bất hợp pháp và không được thế giới công nhận.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, các thương hiệu trên bị tố đăng tải bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc là do họ sử dụng các bản đồ Baidu (bản đồ điện tử), hoặc hệ điều hành riêng của Trung Quốc… Các hãng, thương hiệu bắt buộc sử dụng phần mềm này mới được bán hàng trên các sàn thương mại điện tử dùng hệ điều hành riêng của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đang lợi dụng thị trường tiêu dùng khổng lồ đông dân nhất thế giới của mình nhằm gây sức ép lên các thương hiệu nước ngoài, buộc họ phải lùi bước, chấp nhận đưa bản đồ có hình “đường lưỡi bò” phi pháp vào các website cũng như sản phẩm bán ở Trung Quốc cũng như trên thế giới.

Nhưng dù là với hoàn cảnh nào, các doanh nghiệp, nhất  là với vị thế của các thương hiệu lớn cũng cần thể hiện sự ngay thẳng, chính nghĩa, bày tỏ rõ ràng quan điểm, khách quan, chân thực đúng  với luật pháp quốc tế về vấn đề này chứ không nên xem nhẹ, thậm chí “đổi trắng thay đen” vấn đề chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của các quốc gia khác ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam mà phát tán cái bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp vừa thể hiện sự xem nhẹ công lý, vừa vi phạm luật pháp quốc tế...

Đến nay, phía các thương hiệu thời trang vẫn chưa lên tiếng giữa làn sóng tẩy chay dữ dội tại Việt Nam. Và nhiều người dân Việt Nam sẵn sàng tẩy chay các thương hiệu quốc tế đó nếu họ không có động thái tiếp theo. Đúng như tài khoản Vu Khoi khẳng định trên coment của báo Thanh niên: “Không có quần áo của Gucci, Chanel..... ta vẫn sống văn minh. Không có Tổ quốc ta sẽ chết”.

Thực tế thì Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhất quán, luôn  luôn khẳng định: Lâp trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác định phù hợp với quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam không công nhận cái gọi là đường 9 đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông - Ảnh 1.
 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh TL

"Theo đó, Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là "đường 9 đoạn" của Trung Quốc tại Biển Đông" - bà Hằng khẳng định.

Mới đây nhất, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến nội dung này, chiều 8/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá những nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như thực tế về vấn đề biển Đông".

“Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng nói và nhấn mạnh các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam cần tôn trọng luật pháp của Việt Nam.

Và gần 100 triệu dân Việt Nam có một thứ quyền lực rất lớn, đó là "không dùng sản phẩm" của bất cứ thương hiệu nào công nhận "đường lưỡi bò", xâm phạm trái phép chủ quyền của Việt Nam. Vì đối với mỗi người con đất Việt, giá trị của một chiếc logo nhãn hiệu trang sức, quần áo không là gì so với lòng tự tôn dân tộc. Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ luôn luôn là thiêng liêng và bất khả xâm phạm!

Mỗi người Việt chân chính sẽ không bao giờ đánh đổi những điều thiêng liêng đó, vì nó là máu, là xương của  Tổ quốc, của bao thế hệ cha ông. Và bởi ở bất cứ hoàn cảnh nào, lợi ích quốc gia luôn là tối thượng thưa các hãng thời trang danh tiếng!

Nguồn: dangcongsan.vn