Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

CÁC MÔ HÌNH ĐẠI DIỆN CHÍNH TRỊ TRÊN THẾ GIỚI

Đến nay, theo Heywood, có thể khái quát bốn mô hình đại diện chính trị tiêu biểu, gồm: i) đại biểu thông thái; ii) đại sứ của cử tri; iii) đại diện ủy nhiệm; và iv) đại diện theo cơ cấu xã hội. Điểm chung là mỗi mô hình đại diện chính trị đều có ưu điểm và hạn chế nhất định.

Mô hình “đại biểu thông thái”: Các quốc gia theo chế độ đại nghị như nước Anh đã từng áp dụng mô hình “Đại biểu thông thái - Trustee Model”. Trong mô hình này, cử tri đặt trọn lòng tin vào các đại biểu mà họ thừa nhận về tri thức và bản lĩnh hơn người. Các đại biểu này được tin là sẽ suy nghĩ và hành động trên cơ sở lợi ích của những người đã bầu chọn họ. Cá nhân các đại biểu có thể độc lập hoạt động dựa trên tri thức và quan điểm của mình. Tuy nhiên, do sự xuất hiện và vai trò ngày càng nổi bật của các Đảng chính trị cho nên sự độc lập của các đại biểu ưu tú luôn bị đặt dấu hỏi: liệu họ có thể khách quan hay không khi mà họ cũng có thể là đảng viên nên phải tuân thủ kỷ luật của các đảng chính trị khi tham gia Quốc hội?

Mô hình “đại sứ của cử tri”: Các quốc gia theo chế độ Tổng thống như Hoa Kỳ lại vận dụng mô hình “Đại sứ của cử tri - Delegate Model”. Trong mô hình này, các đại biểu sẽ đại diện cho các đơn vị bầu cử, nhận sự ủy nhiệm, và hành động như là những “đại sứ” của các cử tri nơi họ đại diện. Các đại diện chính trị này sẽ không thể tự do hành động theo ý mình muốn, cũng không chịu sự chi phối của các Đảng chính trị mà họ có tư cách thành viên. Để duy trì tư cách đại diện chính trị, họ phải gắn bó chặt chẽ với đơn vị bầu cử và hành động nhất quán theo lợi ích và quan điểm của cử tri nơi đã bầu cho họ.

Mô hình “đại diện ủy nhiệm”: Những bất cập của mô hình “đại biểu thông thái” thúc đẩy sự hình thành của mô hình “đại biểu ủy nhiệm - Mandate Model". Mô hình đại diện này xuất phát từ ý tưởng: với chiến thắng sau cuộc bầu cử, đảng chính trị đã giành được sự ủy nhiệm của số đông cử tri để thực hiện những chính sách mà họ đã đề ra trong chiến dịch tranh cử. Như vậy, chủ thể đại diện là các đảng chính trị chứ không phải cá nhân các chính trị gia. Các đại biểu phục vụ cử tri bằng cách trung thành với đảng chính trị và các chính sách của đảng, chứ không thể hành động độc lập hay thu thập và chuyển tải nguyện vọng hay quan điểm của cá nhân cử tri. Điển hình cho mô hình đại diện ủy nhiệm là Quốc hội của vương quốc Anh, khi mà cử tri thường quan tâm đến các đảng chính trị và chủ trương, chính sách, chứ không phải cá nhân đại biểu ứng cử.

Bản thân mô hình đại diện ủy nhiệm cũng có những hạn chế nhất định. Chẳng hạn, hành vi bầu cử của cử tri có thể bị tác động bởi vô vàn yếu tố khiến họ quan tâm đến cá nhân ứng viên hơn là các đảng chính trị. Cử tri cũng có thể thiếu thông tin và tri thức cho nên họ không thể đủ duy lý để tìm hiểu và bỏ phiếu cho các chủ trương, chính sách của đảng chính trị. Thực tế này dẫn đến một biến thể khác là sự kết hợp giữa mô hình đại diện ủy nhiệm và mô hình “đại sứ của cử tri”. Điển hình cho sự kết hợp này là Quốc hội Đức – nơi cử tri vừa bầu cho đại diện của đơn vị bầu cử (chiếm 50% số đại biểu Quốc hội), vừa bầu cho đại diện của các Đảng chính trị (chiếm 50% còn lại).

Mô hình “đại diện theo cơ cấu xã hội - Resemblance Model”: đây là mô hình đại diện chính trị được áp dụng cho cơ quan lập pháp trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Mô hình này nhấn mạnh đến tính bao trùm của các nhóm dân cư khác nhau trong xã hội. Theo đó, một chính quyền đại diện phải giống như một xã hội thu nhỏ, có đủ đại diện đến từ các nhóm xã hội, các khu vực, các giới, các nghề nghiệp… khác nhau.

1 nhận xét: