Trong quá trình lịch sử, các cuộc bầu cử
dân chủ luôn là hoạt động tiêu biểu, quan trọng nhất trong các hoạt động dân chủ
trực tiếp của người dân. Thông qua các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu
Hội đồng nhân dân, quyền công dân, quyền "làm chủ" của dân được thể
hiện đúng với bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Mọi quyền lực
thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nói cách khác, tham gia bầu cử đại
biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chính là hình thức dân chủ
trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân
dân trong việc xây dựng nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan
quyền lực nhà nước từ Trung ương tới địa phương ở nước ta nói riêng. Tham gia bầu
cử chính là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc lựa
chọn, bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng là quyền
làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng,
hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trong lịch sử đất nước ta, sau khi Chủ tịch
Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
(02/9/1945), cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 06/01/1946 được tổ chức thành
công là mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam trong điều kiện đất nước
vô cùng khó khăn của "thù trong, giặc ngoài", tình hình kinh tế,
chính trị, xã hội hết sức khó khăn. Do đó, cuộc Tổng tuyển cử này không chỉ là
một cuộc vận động chính trị thông thường mà thực chất là một cuộc đấu tranh
chính trị, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp vô cùng gay go, phức tạp. Tuy
nhiên, đại đa số người dân tham gia bầu cử luôn xúc động và tự hào vì "...
ngày mai mà một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ra bắt đầu hưởng
dụng quyền dân chủ của mình..."[1]. Trong quá trình vận động và phát triển,
tính dân chủ trong bầu cử và ứng cử ngày càng được mở rộng và quy trình bầu cử
cũng như lựa chọn nhân sự ngày càng chặt chẽ và khoa học. Mặc dù, vẫn còn một số
ít những tồn tại, hạn chế nhưng phải khẳng định một điều rằng chất lượng đại biểu
Quốc hội, Hội đồng nhân dân ngày càng được nâng cao. Điều này được minh chứng
trên diễn đàn của Quốc hội, của Hội đồng nhân dâncác cấp ngày càng xuất hiện
nhiều hơn những tiếng nói đại diện cho quyền lực nhân dân trong hoạt động kiểm
tra giám sát của các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, trong các phát biểu,
kiến nghị, góp ý và thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, trong giải quyết
những vấn đề mà cử tri, nhân dân cả nước quan tâm. Để đạt được những thành tựu
trên, một trong những yếu tố quyết định và không thể không nói đến đó là tinh
thần, trách nhiệm của mỗi người dân ngày càng được nâng cao thông qua việc lựa
chọn những người đại diện xứng đáng nhất để thay mặt quyết định các vấn
đề trọng đại của đất nước, dân tộc.
Trải qua nhiều kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội
và Hội đồng nhân dân các cấp, người dân đã ý thức được quyền và nghĩa vụ của
mình nên đã tích cực thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu,
tích cực tham gia vào cuộc bầu cử từ giai đoạn giới thiệu người ứng cử, tham
gia các Hội nghị cử tri để đóng góp ý kiến, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với
người ứng cử đến giai đoạn bỏ phiếu bầu để ngày bầu cử đã thực sự trở thành
ngày hội, một dịp sinh hoạt chính trị của đồng bào, nhân dân cả nước. Những vấn
đề chưa phù hợp trong quy chế, quy định bầu cử đã tiếp tục được hoàn thiện, tạo
cơ sở pháp lý đảm bảo cho quyền lực của người dân được thực hiện tốt hơn trên
thực tế.
Bên cạnh đó, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng
trong suốt quá trình bầu cử là một tất yếu nhằm lựa chọn được những người tiêu
biểu, xứng đáng nhất, có đủ các tiêu chuẩn theo quy định, không tham nhũng và
kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có năng lực, có điều kiện thực
thi nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đồng thời bảo
đảm cơ cấu và chất lượng, không vì cơ cấu mà giảm chất lượng. Đó là là cơ sở
pháp lý giúp cho việc hình thành các cơ quan nhà nước trong nhiệm kỳ mới, bảo đảm
tính liên thông, thống nhất với kết quả đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại
biểu toàn quốc của Đảng.
Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá công tác bầu
cử, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị
đã xuyên tạc bản chất vấn đề, đưa ra những luận điệu sai trái, khi cho rằng bầu
cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đều là sự sắp đặt nhân sự có chủ ý,
nhân dân không có quyền thực sự. Những luận điệu xuyên tạc này của chúng nhằm
hướng lái dư luận, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc để hiện thực hóa mục
đích "cài cắm mầm mống dân chủ" vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp
với mưu đồ biến nghị trường thành diễn đàn để các đối tượng thực hiện hoạt động
chống phá, hình thành lực lượng đối lập trong Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà
nước cao nhất, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
trong nội bộ và thực hiện "chiến lược diễn biến hòa bình" làm nước ta
tự suy yếu từ bên trong.
Trong lịch sử, có thể thấy chiêu bài
"đòi ghế" trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp của các thế lực
thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị không phải là vấn
đề mới. Từ năm 1946, trong lần Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ
cộng hòa, trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, tình hình thế giới có
nhiều diễn biến phức tạp, sau khi không phá hoại được Tổng tuyển cử, Việt Nam
Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội đã đòi 70 ghế trong Quốc hội.
Mặc dù, một trong năm phương thức lãnh đạo
của Đảng là thông qua công tác cán bộ và vai trò tiên phong gương mẫu của người
đảng viên. Đối với những cơ quan dân cử, các cấp ủy đảng cần trực tiếp xem xét,
tập thể quyết định việc lựa chọn, đánh giá, giới thiệu những cán bộ giữ chức vụ
quan trọng trong bộ máy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội.
Trên thực tế, sau khi chỉ thị của Bộ Chính
trị được ban hành, hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử được tổ chức để
kịp thời quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai công tác bầu cử. Hội đồng Bầu
cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội... ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ
đạo và hướng dẫn công tác bầu cử từ Trung ương đến địa phương. Các cấp ủy đảng,
Mặt trận Tổ quốc, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương cũng tiến hành
khẩn trương, nghiêm túc các công việc chuẩn bị bầu cử và lãnh đạo, chỉ đạo công
tác bầu cử ở các cấp. Các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập theo đúng quy
trình và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định. Việc chuẩn bị
nhân sự ứng cử đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Đoàn Chủ tịch Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì và tổ chức các hội nghị hiệp
thương, hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với người ứng cử
đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Quốc hội Việt Nam là cơ quan quyền lực nhà
nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, có chức năng lập pháp,
quyết định những chủ trương, chính sách quan trọng của đất nước về đối nội, đối
ngoại và giám sát tối cao hoạt động của bộ máy nhà nước; Hội đồng nhân dân là
cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền
làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước
nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Do đó, thực hiện thành công
cuộc bầu cử sẽ thiết thực góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đồng thời củng cố niềm
tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại
diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội
đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân.
Những luận điệu của các thế lực thù địch,
phản động cho rằng: "Việc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân chỉ là
nghĩa vụ chứ không phải là quyền lợi, dân chủ, đều là sự sắp đặt nhân sự có chủ
ý, nhân dân không có quyền thực sự"... là hoàn toàn xuyên tạc, sai sự thật,
nhằm xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá chế độ, chống
phá Đảng, Nhà nước Việt Nam trước thềm bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân
dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026./.
Mỗi cử tri cần hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của bản thân cũng như ý nghĩa của mỗi lá phiếu để tích cực tham gia bầu cử
Trả lờiXóa