Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021

PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM SAI TRÁI “TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH KHÔNG PHẢI LÀ KẾT QUẢ CỦA SỰ VẬN DỤNG SÁNG TẠO VÀ PHÁT TRIỂN CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN VÀO VIỆT NAM”

 


Cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng hiện nay hết sức phức tạp, quyết liệt. Các thế lực thù địch quốc tế, được sự tiếp tay của một số phần tử cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất ở trong nước, đang sử dụng mọi biện pháp, tiền bạc để chống phá ta về chính trị, tư tưởng, làm xói mòn lòng tin với đảng, với chế độ, làm tha hóa về chính trị, tư tưởng đối với một số cán bộ, đảng viên. Với tham vọng, tạo ra được một “khoảng trống” về tư tưởng trong đảng ta, trong xã hội ta, dẫn đến “tự diễn biến”, tự chuyển hóa, tan rã từ bên trong, thực hiện mục tiêu chiến lược cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, buộc Việt Nam phải đi theo quỹ đạo của Chủ nghĩa Tư bản, phục tùng sự chi phối của nước ngoài.

Một trong những mục tiêu chúng tập trung chống phá là: phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta. Bản chất sâu xa của sự phủ định này là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những quan điểm, luận điệu sai trái đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, được chúng bịa đặt ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng có thể thấy tập trung ở hai vấn đề cơ bản sau:

- Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam; Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa, tiếp thu mù quáng, đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là một sai lầm.

- Chủ nghĩa Mác-Lênin, trước hết là chủ nghĩa xã hội khoa học là sai lầm và đối lập với nội dung đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cả hai cách đánh giá tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất ở trong nước, là những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt; Mặc dù đây là sự bịa đặt, vu khống, nhưng rất nguy hiểm. Dạng thứ nhất, chúng đánh vào cả tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng, một người không có tư tưởng gì cao siêu, lại đi học tập, tiếp thu mù quáng, đưa vào Việt Nam một chủ nghĩa đã lạc hậu, lỗi thời, là sai lầm, làm cho đất nước tụt hậu, không phát triển được. Dạng thứ hai, bề ngoài có vẻ như ca ngợi sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ phê phán chủ nghĩa Mác-Lênin; Đây là cách lừa gạt tinh vi, mà thực chất là đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin, một sự ngụy biện trắng trợn để bác bỏ sự thống nhất biện chứng tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ đó tạo ra sự ngộ nhận trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân,  gây ra mất niềm tin đối với cả tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác-Lênin.

Vạch trần những quan điểm và luận điệu sai trái trên, phải dựa trên những luận cứ khoa học, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta mấy chục năm qua về tính đúng đắn sáng tạo của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – ngọn đuốc soi đường cho thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam hơn 85 năm qua.

Trước hết, cần khẳng định Tư tưởng Hồ Chí Minh – mối quan hệ biện chứng thống nhất với chủ nghĩa Mác-Lênin.

Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin để tìm kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam . Hồ Chí Minh tìm thấy trong chủ nghĩa Mác-Lênin về phương thức đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống áp bức bóc lột để tự giải phóng cho dân tộc mình. Người thấy được sự gắn bó khăng khít giữa sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản với sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa, bị áp bức. Từ Lênin, Người tiếp tục nghiên cứu sâu về Mác và Ăngghen để hoàn thiện lý luận về giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, phong kiến, đem lại độc lập, tự do, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân tộc mình.

Toàn bộ lịch sử tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thống nhất, quan hệ biện chứng với chủ nghĩa Mác-Lênin  về những vấn đề của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa – đó là: Xây dựng Đảng, đội tiên phong của giai cấp và dân tộc để lãnh đạo công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của quần chúng nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân và xây dựng nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng nền Quốc phòng toàn dân; Về phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Đây là những vấn đề cốt lõi nhất của cách mạng cả trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Chúng ta bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin trong tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh trong chủ nghĩa Mác-Lênin, được quyện chặt không tách rời. Suốt cả cuộc đời, Hồ Chí Minh đã trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lênin để giành độc lập, tự do cho đất nước và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Chưa ai có thể tìm được sự đối lập, khác biệt giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác-Lênin. Mọi luận điệu tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin, càng chứng tỏ bọn phản động rất sợ hãi trước sức mạnh vô địch của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng phải giở những trò lừa bịp để xuyên tạc sự thật và lừa dối quần chúng nhân dân. Trước đây khi phê phán Cau-xky phản bội lại chủ nghĩa Mác, Lênin đã từng chỉ rõ: Cau-xky, một người thuộc lòng Chủ nghĩa Mác lại xuyên tạc chủ nghĩa Mác một cách kỳ quặc như vậy?... để che dấu sự phản bội của mình, Cau-xky bất cứ ở chỗ nào cũng nhất nhất phải giở trò lừa bịp.

Hai là, Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam

Trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh là một trong số ít các lãnh tụ cộng sản đã có sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Người đã tiếp thu lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin theo phương pháp luận Mácxít, đồng thời theo lối tư duy phương Đông, cốt lấy ở cái tinh thần, cái bản chất, chứ không bị trói buộc trong cái vỏ ngôn từ. Từ lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin để tìm ra những chủ trương chính sách phù hợp hoàn cảnh, điều kiện cụ thể trong từng thời kỳ cụ thể của cách mạng Việt Nam , không dập khuôn máy móc những lý luận đã có sẵn trong sách vở kinh điển.

Với quan điểm thực tiễn, quan điểm lịch sử và phương pháp luận biện chứng Mácxít ngay từ khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã thấy sự khác biệt giữa các nước tư bản ở Châu Âu mà C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin đã nghiên cứu so với thực tiễn Việt Nam – Một nước thuộc địa, nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, kinh tế kém phát triển… Người đã đề xuất bổ sung về “cơ sở lịch sử phương Đông”, để gắn với lịch sử ở phương Đông và Việt Nam.Trong một báo cáo tình hình Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản, Người viết: “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra như ở phương Tây… dù sao cũng không thể cấm bổ sung cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác, bằng đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác, ở thời mình không thể có được”.

Quá trình bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tự học tập để hoàn thiện cho mình vốn văn hóa, vốn chính trị và vốn hoạt động trong thực tiễn đấu tranh phong phú, tạo thành một bản lĩnh trí tuệ vững vàng, bản lĩnh đó đã nâng cao khả năng độc lập, tự chủ và sáng tạo của Người khi tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin để vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện, lịch sử Việt Nam.

Hồ Chí Minh là người đi tiên phong Trong chống chủ nghĩa thực dân, Người đưa ra luận điểm rất quan trọng về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cuộc cách mạng ở “chính quốc”, nhân dân thuộc địa có thể đứng lên, tự giải phóng mình.

Hồ Chí Minh có quan điểm sáng tạo trong giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Quốc tế. Người chỉ rõ, chủ nghĩa dân tộc là động lực của đất nước; chình từ đây Đảng ta đã đúc kết thành lý luận tạo sức mạnh tổng hợp bằng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Nhờ giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định phải từ giải phóng dân tộc đến giải phóng giai cấp, dân tộc không được giải phóng thì giai cấp cũng không được giải phóng. Đồng thời đưa ra vấn đề liên minh công - nông, trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng Việt Nam.

Hồ Chí Minh cũng có những phát triển sáng tạo về xây dựng Đảng cộng sản ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, đó là quy luật hình thành Đảng bằng kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước (trong chủ nghĩa Mác-Lênin chưa đặt vấn đề phong trào yêu nước), Đảng vừa đại diện cho lợi ích của giai cấp, vừa đại diện cho lợi ích của dân tộc. Đây là sự sáng tạo về xây dựng đảng kiểu mới ở một nước thuộc địa.

Đặc biệt tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là sự kế thừa, phát triển học thuyết quân sự của chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với truyền thống chống xâm lược của dân tộc lên trình độ cao về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và tiến hành chiến tranh nhân dân, đánh thắng những tên đế quốc to nhất, hùng mạnh nhất của thời đại ngày nay.

Hồ Chí Minh còn có sự phát triển sáng tạo về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân và các lĩnh vực khác như: kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, xây dựng các thế hệ cách mạng cho đời sau… hết sức phong phú, sâu sắc.

Sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin là một thực tế khách quan, đã được lịch sử kiểm nghiệm bằng cả lý luận khoa học và thực tiễn sinh động, đưa nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh thắng hai đế quốc to nhất của thời đại và đang vững bước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa vì tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Từ chủ nghĩa yêu nước, Hồ Chí Minh đã đến chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành một người cộng sản, một lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng của Người là những hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về cách mạng Việt Nam, có giá trị vĩnh hằng cho hôm nay và các thế hệ mai sau; Mọi sự xuyên tạc, lừa bịp của các thế lực thù địch và bọn phản động, cơ hội, tay sai về tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác-Lênin đều không có giá trị./.

                                                                             Lính chiến

2 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.

    Trả lờiXóa
  2. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc và chống phá Đảng ta. Mọi người phải nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh bị lôi cuốn vào những thông tin sai lệch của chúng

    Trả lờiXóa