Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

SỨC SỐNG HỌC THUYẾT CỦA V.I. LÊNIN VỀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

Học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của V.I. Lênin được xây dựng từ sự kế thừa, phát triển sáng tạo tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen về vũ trang quần chúng, bảo vệ thành quả cách mạng. Khi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) thành công, nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới ra đời, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga trở thành những người làm chủ Tổ quốc của mình. Từ thực tế cuộc Cách mạng, V.I. Lênin khẳng định: “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó khăn phức tạp hơn nhiều” và “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ, nhưng không phải cách mạng có thể biết ngay được cách tự vệ”. Theo V.I. Lênin, trước tiên, là bảo vệ đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất và triệt để nhất những nhân tố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mà điểm mấu chốt là bảo vệ Chính quyền Xô-viết, bảo vệ Đảng Bônsêvích, bảo vệ chế độ dân chủ vô sản, trở thành nhân tố quan trọng, quyết định sự tồn tại của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; trong đó, bảo vệ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa phải đặt cao hơn hết. V.I. Lênin chỉ rõ: tất cả các lực lượng của nhân dân đều phải được động viên cho cuộc chiến tranh đó, cả nước phải trở thành một mặt trận cách mạng và “thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”. Người đặc biệt quan tâm tới xây dựng và củng cố quốc phòng cả về tiềm lực và thế trận: “chính vì chúng ta chủ trương bảo vệ tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi phải có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà… cần phải được chuẩn bị lâu dài, nghiêm túc”3 và “hãy nhớ rằng chúng ta không được phép lơi là một giây phút nào trong việc bảo vệ công nhân và nông dân của ta và bảo vệ những thành quả của họ”4. Tư tưởng bảo vệ Tổ quốc của V.I. Lênin còn được thể hiện trên một số nội dung quan trọng, như: vai trò của hậu phương xã hội chủ nghĩa; đoàn kết và phát huy vai trò của các lực lượng quốc tế, của mặt trận ngoại giao, văn hóa, khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc…

Giá trị và sức sống Học thuyết của V.I. Lênin không chỉ củng cố và tăng thêm tính khoa học, cách mạng, hoàn bị của chủ nghĩa Mác mà còn chỉ đạo công cuộc bảo vệ Nhà nước công nông đầu tiên ở nước Nga, đập tan cuộc chiến tranh phản cách mạng của các thế lực thù địch trong nước câu kết với 14 nước đế quốc tiến hành; nổi bật là chiến thắng vĩ đại của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Hiện nay, mặc dù hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu bị sụp đổ, nhưng những giá trị tư tưởng trong Học thuyết của V.I. Lênin ngày càng khẳng định tính đúng đắn của những vấn đề có tính nguyên tắc về các quan điểm cơ bản bảo vệ Tổ quốc mà V.I. Lênin đã xác lập. Một khi xao nhãng tăng cường quốc phòng, không tuân thủ những yêu cầu, nguyên tắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thì chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ “không thể tồn tại được”.

Trung thành và vận dụng sáng tạo Học thuyết của V.I. Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, trong các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn xác định đúng đắn quan điểm, đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc và coi đây là một bộ phận quan trọng trong đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng. Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tuyên bố trước thế giới về tính tất yếu và chính nghĩa của nhiệm vụ tự bảo vệ thành quả cách mạng, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ta đã đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc trong mọi tình huống.

2 nhận xét:

  1. Đảng ta luôn xác định đúng đắn quan điểm, đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc và coi đây là một bộ phận quan trọng trong đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng.

    Trả lờiXóa