Đại tướng Võ
Nguyên Giáp từng nói, khắc ghi suốt đời với lời dặn “Dĩ công vi thượng” của Bác
Hồ. Câu ấy có nghĩa là đặt việc công lên trên hết, là lúc nào, ở đâu cũng tận tụy,
đau đáu với nhiệm vụ vì nước, vì dân.
Bác Hồ là tấm gương mẫu mực tiêu biểu cho sự hy sinh
cá nhân, đặt việc chung lên trên việc riêng. Sau 30 năm bôn ba cho đến khi làm
Chủ tịch nước và đến lúc về với Các Mác, Lênin, Bác chỉ về thăm quê hương, thăm
ngôi nhà nơi mình sinh ra có hai lần. Tháng 4-1949, Người viết thư nói không phải
vô tình với quê hương mà là trong lúc cả nước đuổi giặc Pháp thì bổn phận mỗi
người là “vì nước quên nhà, vì công quên tư”.
Khi Chiến dịch Biên giới bước vào giai đoạn quyết định,
anh cả của Bác-ông Nguyễn Sinh Khiêm qua đời. Bác không thể về nên đã gửi bức
điện tới họ Nguyễn Sinh nói hoàn cảnh, tâm trạng xin chịu tội “bất đễ”. Những
dòng chữ ấy vừa thật đậm tình người, vừa cho thấy tinh thần hy sinh cao cả của
vị Chủ tịch nước vì việc chung phải nén tình riêng.
Trong lịch sử, cha ông ta cũng có nhiều tấm gương đặt
trách nhiệm công việc cao hơn tất cả. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi, năm
1299, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông từ Nam Định về kinh sư kiểm tra triều
chính, tận mắt thấy vua Anh Tông say rượu, quan quân trễ nải phận sự. Ông lập tức
trở về xuống chiếu yêu cầu cả triều đình ngay hôm sau tới chầu tại phủ Thiên
Trường. Từ đó các triều đại sau đều lấy việc ấy để răn dạy, nhắc nhở, dù có làm
vua cũng phải tuân phép nước, phải coi việc quốc gia là tối thượng.
Cũng ở triều Trần nhưng là chuyện về một anh lính đã
được chính sử ghi chép. Hôm ấy, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung ngồi kiệu đi trước
điện rồng nhưng không xuống đi bộ theo quy định liền bị một anh lính gác ngăn lại.
Linh từ tức giận về trách chồng Thái sư Trần Thủ Độ có ý hờn dỗi, mỉa mai là
quyền cao chức trọng thế mà để người ta khinh vợ. Thủ Độ cho đòi anh lính, khi
biết rõ sự tình, ông mừng rỡ vì có những người lính tận trung như vậy, bèn thưởng
hậu vì đã làm tốt phận sự…
Tấm gương Bác Hồ và những bài học “Dĩ công vi thượng”,
hoàn thành tốt chức trách, bổn phận và nghĩa vụ cá nhân với tập thể, ở ngày hôm
nay càng nên học tập, quán triệt sâu sắc hơn. Vì chúng ta đang tiến hành xây dựng
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân, vì dân, tất cả
vì lợi ích và nguyện vọng của nhân dân. Người cán bộ phải nêu cao tinh thần cần
kiệm liêm chính, thực sự trong sạch, không có đặc quyền đặc lợi. Cán bộ là công
bộc của dân, phục vụ dân vô điều kiện, đúng như lời Bác Hồ dạy phải là người đầy
tớ thật trung thành của nhân dân. Nhưng người cán bộ cũng là lãnh đạo của dân,
hướng dẫn dân nên càng phải gương mẫu.
Nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh là nhà nước quản
lý bằng pháp luật và làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế. Hiển nhiên,
cán bộ, công chức phải là những người tiên phong thực hiện.
Hơn nữa, đất nước ta và cả thế giới đang bước vào cuộc
Cách mạng công nghiệp 4.0 có một đặc điểm là sự chính xác phải được tôn trọng
cao nhất, về giờ giấc, về thao tác, về số liệu, dữ liệu…
Vì những lẽ trên, đạo đức và luật pháp công vụ, kỷ
cương, nền nếp ở mọi cơ quan càng phải được coi trọng, đề cao. Phải tuyệt đối
tránh tình trạng gần Tết thì mọi người xôn xao lo nghĩ chuyện sắm Tết, chuyện về
quê, chuyện chúc Tết mừng tuổi cấp trên, ra Tết nghĩ chuyện đi chùa cúng bái, cầu
lộc cầu tài… Phải luôn nhớ lời Bác Hồ “Dĩ công vi thượng” và dân muốn gì ta phải
làm nấy, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết
sức tránh!
Tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi toả sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo
Trả lờiXóaBạn nói rất chính xác
Xóa