Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

TÍNH TƯ TƯỞNG, LÝ LUẬN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Tư tưởng XHCN là một loại hình ý thức xã hội có lịch sử ngàn năm, nảy sinh trên cơ sở chế độ tư hữu, chế độ người bóc lột người và những bất công do chế độ đó sinh ra và khi nào còn chế độ tư hữu, còn chế độ người bóc lột người... thì tư tưởng XHCN vẫn còn tồn tại và phát triển. Trong khuôn khổ bài viết này, xin đề cập tư tưởng XHCN đầu thế kỷ XIX ở Anh và Pháp; nơi chế độ tư hữu tư bản phát triển mạnh ở châu Âu mà Anh và Pháp là những nước tiêu biểu.
* Tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Xanh Ximông:
Phê phán cách mạng tư sản Pháp và xã hội tư sản Pháp, Xanh Ximông cho rằng, cách mạng tư sản Pháp là cách mạng chính trị, cách mạng bộ phận, cách mạng phần ngọn; xã hội Pháp là xã hội lộn ngược. Từ đó, ông cho rằng, nước Pháp phải tiến tới tổng cách mạng, cách mạng xã hội, cách mạng tận gốc và trong tương lai thay thế xã hội văn minh là tất yếu theo quy luật tiến bộ của lịch sử. Xã hội tương lai là xã hội giải phóng toàn thể nhân loại cần lao, thực hiện trong thực tế khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái”; không ngừng mở rộng phúc lợi cho người nghèo; mọi người sống với nhau trong quan hệ “Tất cả đều là anh em”...
Xã hội tương lai dựa trên nền sản xuất công nghiệp với sự quản lý của Nhà nước bằng kế hoạch. Từ đó Xanh Ximông cho rằng “Chính trị chẳng qua chỉ là khoa học về sản xuất; chính trị sớm muộn cũng sẽ bị kinh tế nuốt mất” (Đây là mầm mống của chủ nghĩa duy vật lịch sử, mầm mống nhà nước tự tiêu vong - Ph.Ăngghen).
* Tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Phurie
Phurie phê phán xã hội tư sản Pháp một cách sâu sắc, biện chứng thể hiện ở luận điểm “xã hội văn minh vận động trong vòng luẩn quẩn: nghèo đói sinh ra từ sự thừa thãi; dã man sinh ra từ quá thừa văn minh”. Ông cho rằng, xã hội tương lai sẽ ra đời theo lý thuyết 4 giai đoạn, ở mỗi giai đoạn lại chia làm 4 thời kỳ (thơ ấu, thanh niên, trưởng thành, già nua); thời kỳ già nua là thời kỳ chuẩn bị đầy đủ nhất cho sự ra đời của xã hội mới. Xã hội tương lai là xã hội có sự thống nhất lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích xã hội.
Xã hội tương lai có sự kết hợp khoa học, kỹ thuật và cơ chế xã hội chủ nghĩa; kết hợp lao động, tư bản và tài năng; xã hội được tố chức theo các hiệp hội với sự tham gia tự nguyện của mọi thành viên không có sự can thiệp của Nhà nước. Đặc biệt Phurie thể hiện tư tưởng tiến bộ khi cho rằng “Trình độ giải phóng phụ nữ là thước đo trình độ giải phóng xã hội nói chung”.
* Tư tưởng xã hội chủ nghĩa của R. Ôoen:
Ôoen phê phán chế độ tư hữu. Vì nó là một trong ba nguyên nhân (lực cản) hạn chế sự phát triển của lịch sử. Ông chỉ rõ, trong chế độ tư hữu, công nghiệp đem lại cho người lao động cái hại nhiều hơn cái lợi. Từ đó, ông kết luận phải xóa bỏ hoàn toàn chế độ tư hữu; rằng chỉ trong chế độ công hữu, công nghiệp mới phục vụ lợi ích chân chính của con người.
Ôoen cho rằng, công nghiệp hiện nay là to lớn, nhưng trong tương lai công nghiệp sẽ phát triển không có giới hạn và là cơ sở của cuộc cách mạng xã hội vĩ đại, cơ sở kinh tế của xã hội tương lai. Xã hội tương lai bao gồm các công xã, ở đó mọi người sống bình đắng, tôn trọng và hợp tác với nhau. Ông nhấn mạnh vai trò to lớn của giáo dục với sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Ô oen cũng là người tổ chức xí nghiệp cộng sản ở Anh và ở Mỹ.
Cả ba nhà xã hội chủ nghĩa đầu thế kỷ XIX (Xanh Ximông, Phurie, Ôoen) đều có quan điểm cho rằng con đường đi tới xã hội tốt đẹp trong tương lai là giáo dục, thuyết phục cả người lao động và kẻ thống trị cùng thực hiện những cải cách theo hướng hòa bình cải lương.

2 nhận xét: