Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại
đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của
dân tộc ta. Tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng
định: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải
lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”. Vì
thế, 8 chữ “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc” là mục đích của Đảng
và Đảng thực hiện “đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc”,
“đoàn kết để xây dựng nước nhà”, cho nên phải “đoàn kết rộng rãi và lâu dài”,
“đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố” và “ai có tài, có đức,
có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.
Khát vọng dân tộc được độc lập, tự do và thống nhất,
nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc là mẫu số chung, là điểm gốc để quy tụ tất
cả mọi người dân Việt Nam vào khối đại đoàn kết dân tộc. Vì thế, xây dựng khối
đại đoàn kết dân tộc trong một mặt trận thống nhất chính là để tập hợp và lãnh
đạo quần chúng nhân dân thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, tạo
nên sức mạnh trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của
nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong khối đại đoàn kết đó, Đảng là một
thành viên của Mặt trận, đồng thời là lực lượng lãnh đạo, cho nên “Đảng không
thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ
phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và
công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và
năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”. Đồng
thời, Đảng không chỉ xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc mà còn phải
biến nguồn sức mạnh được tổ chức thành một khối vững chắc và hoạt động theo đường
lối chính trị đúng đắn đó thành lực lượng vật chất, sức mạnh vật chất. Theo Người,
“trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công
nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của
đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc
tốt, còn phải đoàn kết với các tầng lớp nhân dân lao động khác”.
Trong Mặt trận, việc đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp
nhân dân, các đảng phái, các dân tộc anh em, giữa đồng bào lương với đồng bào
các tôn giáo khác được thực hiện theo phương châm “cầu đồng tồn dị”, lấy cái
chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt, để cùng nhau sống hoà thuận, ấm no,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn
kết toàn dân và nhân nguồn sức mạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc
giác ngộ, tập hợp trí thức Việt Nam vào hàng ngũ cách mạng, bổ sung và phát huy
vai trò của họ, làm cho họ trở thành một động lực cách mạng quan trọng; đồng thời
khẳng định liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp
trí thức là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân. Thực tế cho thấy, liên
minh công - nông - trí (trí thức) không những là yêu cầu khách quan về chính trị,
làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn là yêu
cầu khách quan để phát triển bền vững kinh tế, vǎn hoá, xã hội của đất nước. Tuỳ
theo yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể của từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, Mặt
trận có cương lĩnh, điều lệ phù hợp, được tổ chức chặt chẽ, xây dựng trên nền tảng
khối liên minh công - nông - trí đã luôn lấy việc thống nhất lợi ích tối cao của
dân tộc với lợi ích của các tầng lớp nhân dân làm cơ sở để củng cố và không ngừng
mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó chính đoàn kết
thực sự, lâu dài, chặt chẽ, chân thành, thân ái giúp đỡ nhau, “là mục đích phải
nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thực sự nghĩa là vừa đoàn kết,
vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và
phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân. Tóm lại, muốn tiến lên chủ
nghĩa xã hội thì toàn dân cần đoàn kết lâu dài, đoàn kết thực sự và cùng nhau
tiến bộ”.
Khối đại đoàn kết dân tộc chỉ thực sự phát huy được sức
mạnh nội sinh khi gắn liền với đoàn kết quốc tế, nghĩa là chủ nghĩa yêu nước
chân chính phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công
nhân, sức mạnh dân tộc phải gắn với sức mạnh thời đại. Thực tiễn cách mạng cho
thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, khối
liên minh đoàn kết 3 nước Đông Dương (Việt Nam - Lào - Campuchia), của các nước
xã hội chủ nghĩa và phong trào nhân dân thế giới ủng hộ, đoàn kết với
nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ và
tiến bộ xã hội 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng là những minh chứng sống động
cho việc xây dựng và thực hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ
Chí Minh.
Chúng ta phải phát huy triệt để sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ đất nước
Trả lờiXóaBài viết rất hay
Trả lờiXóa