Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

HỒ CHÍ MINH - NGƯỜI LÀ NIỀM TIN TẤT THẮNG

Sinh ra và lớn lên khi đất nước Việt Nam đắm chìm trong đêm trường nô lệ, nhân dân bị áp bức, bóc lột và được hưởng chút quyền tự do dân chủ nào, với tấm lòng yêu nước, thương dân và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Đi qua nhiều châu lục, vừa kiếm sống, vừa khảo nghiệm thực tiễn và lựa chọn con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường cứu nước trong thời đại cách mạng vô sản. Vận dụng sáng tạo những nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam; soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng - đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp nhu cầu của lịch sử và hợp quy luật của thời đại; đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên - những người cách mạng luôn thấm nhuần "tư cách người cách mệnh" gương mẫu đi đầu; sáng lập Mặt trận Việt Minh - nơi tập hợp, đoàn kết tất cả những người Việt Nam yêu nước không phân biệt giai tầng, tôn giáo, trẻ già, nam nữ; sáng lập lực lượng vũ trang nhân dân - công cụ bạo lực để đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền cách mạng,v.v.. và cùng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Là kết quả của 15 năm (1930-1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng tiên phong lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã “giành lại hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ cho Tổ quốc ta, cho nhân dân ta”, đưa nhân dân ta từ thân phận một người nô lệ trở thành công dân một nước độc lập. Trân trọng giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do vừa giành được, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên bố trước toàn thể quốc dân và thế giới: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Hoài bão lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nước Việt Nam độc lập và thống nhất, nhưng phải là độc lập, tự do hoàn toàn, thống nhất thực sự. Vì vậy, khi thực dân Pháp bội ước quay trở lại xâm lược Nam Bộ, với tinh thần và ý chí “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” cùng niềm tin tất thắng về một nước Việt Nam "non sông liền một dải", Người không chỉ khẳng định: Miền Nam là máu của máu, là thịt của thịt Việt Nam, “đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!" mà còn cùng toàn dân kiên trì tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau 9 năm kháng chiến gian lao mà anh dũng, chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết.
Tuy nhiên, cố tình phá bỏ Hiệp định Giơnevơ, ngang nhiên chà đạp nguyện vọng thống nhất nước nhà của nhân dân Việt Nam, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và thực thi những đạo luật hà khắc, thi hành chính sách “tố cộng, diệt cộng”, đàn áp dã man những người yêu nước. Miền Nam đã trở thành “địa ngục trần gian”, nơi đầu rơi, máu chảy…
Không cam tâm để một nửa khúc ruột miền Nam phải tiếp tục sống đọa đầy dưới ách thống trị tàn bạo của kẻ thù, khát vọng giải phóng miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, phải “đi trước về sau” để thống nhất Tổ quốc được Người khẳng định: “Dân tộc ta là một, nước Việt Nam là một. Nhân dân ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn và thực hiện kỳ được "thống nhất đất nước, Nam Bắc một nhà”". Đồng thời, thấu hiểu sâu sắc rằng, đoàn kết tạo nên sức mạnh, đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ nhân nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc trên hành trình đi đến tương lai, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ truyền đến đồng bào và chiến sĩ cả nước niềm tin Bắc - Nam thống nhất mà Người còn bắt nhịp bài ca Kết đoàn; đoàn kết tập hợp mọi lực lượng, mọi giai tầng: “Từ Nam đến Bắc, ai là người tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì chúng ta sẵn sàng đoàn kết với họ, thật thà hợp tác với họ, dù từ trước đến nay họ đã theo phe phái nào” để cùng đấu tranh cho hòa bình, độc lập và thống nhất nước nhà.
Nhân dân Việt Nam chiến đấu vì chính nghĩa, chiến đấu vì phẩm giá con người, vì một khát vọng của thời đại - đó là độc lập, tự do và hạnh phúc của con người trong một quốc gia hòa bình, thống nhất, nên đã được sự đồng tình, ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của loài người tiến bộ. Chừng nào còn quân xâm lược Mỹ trên mảnh đất miền Nam, chừng nào mà miền Nam chưa được giải phóng, thì nhân dân cả nước cả “ở Bắc và Nam vĩ tuyến 17, đồng tình và ủng hộ” và “đều có nghĩa vụ chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc”. Có sức mạnh của chính nghĩa, có sức mạnh nội sinh của tình đoàn kết Bắc - Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, với tinh thần và ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của một dân tộc có truyền thống bất khuất, kiên cường trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam đã từng bước đánh bại các chiến lược Chiến tranh đơn phương, Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ…Cuối cùng, cuộc Tổng tấn công Mùa xuân 1975 đã giành thắng lợi, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, hai miền Nam - Bắc đã “sum họp một nhà”, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

2 nhận xét:

  1. Hồ Chí Minh không những để lại một sự nghiệp chính trị vẻ vang mà còn để lại một tấm gương sáng ngời về những phẩm chất và năng lực một nhà chính trị, một nhà cách mạng tượng trưng cho những gì cao quý, đẹp đẽ nhất về trí tuệ, tâm hồn, ý chí, nhân cách của dân tộc và của loài người. Ở Hồ Chí Minh đã hội tụ phẩm chất và năng lực hiếm có của một kiểu lãnh tụ của nhân dân.

    Trả lờiXóa