Thứ Hai, 18 tháng 5, 2020

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VỀ MÔ HÌNH VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở NƯỚC TA TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI

Gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH của Đảng ngày càng sáng tỏ hơn. Một là, về mô hình, mục tiêu của CNXH Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định 8 đặc trưng, trong đó đặc trưng hàng đầu là xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Các đặc trưng về vai trò làm chủ của nhân dân, về nền kinh tế phát triển cao, về nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, về xã hội và con người, về đoàn kết các dân tộc, về nhà nước pháp quyền và về hợp tác, hữu nghị trong quan hệ quốc tế, đã làm rõ bản chất tốt đẹp và tính hiện thực của CNXH ở Việt Nam. Hai là, về những nội dung phát triển trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đó là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều loại hình sở hữu theo định hướng XHCN. Xây dựng nền văn hóa, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Ba là, về khả năng bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để tiến lên CNXH. “Con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại”. Bốn là, về năng lực dự báo, xử lý có hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển. “Đó là quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

2 nhận xét:

  1. Đây là bài viết rất hay, các bạn nên tham khảo để nâng cao hiểu biết

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết rất hấp dẫn bạn đọc

    Trả lờiXóa