Vì người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi
sai lầm, khuyết điểm, cho nên chúng ta không sợ khuyết điểm, chỉ sợ có lỗi mà
không sửa, có lỗi mà giấu giếm, lừa cấp trên, chèn ép cấp dưới dẫn đến tự phê
bình và phê bình hình thức, chung chung, vì sợ “mất uy tín”, “mất thể diện”. Tự
phê bình và phê bình đúng sẽ “chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của
cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực
hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm”… Do đó, để thực hiện lời căn dặn
của Hồ Chí Minh về “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” và phải
được tiến hành trên tinh thần “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, trong mọi
hoàn cảnh, ở mọi cấp, mỗi tổ chức Đảng phải thường xuyên nhìn thẳng vào sự thật,
phải “có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có
khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó rồi tìm kiếm mọi cách để
sửa chữa khuyết điểm đó” và
“mỗi cán bộ, mỗi đảng viên hằng ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa
như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng
sẽ mạnh khỏe vô cùng”.
Sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng được tạo nên
bởi tổ chức mà tổ chức đó là sự kết nối chặt chẽ giữa các đảng viên của Đảng,
trong tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, cho nên theo Hồ Chí Minh, “hiểu chủ
nghĩa Mác - Lênin tức là phải sống với nhau đầy tình nghĩa như vậy. Nếu thuộc
bao nhiêu sách mà sống với nhau không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ
nghĩa Mác - Lênin được. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa
thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”.
Tình đồng chí ở đây, ngoài việc tuân thủ những nguyên tắc về tổ chức, Điều lệ
và chế độ sinh hoạt Đảng còn cần phải xuất phát từ tấm lòng nhân ái, bao dung của
mỗi con người, của tình đồng chí từng “nếm mật, nằm gai”, “chia ngọt, sẻ
bùi”... Thực tế cho thấy, đã có không ít cơ quan, đơn vị mất đoàn kết từ những
việc tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng rất quan trọng trong đời thường mà xuất phát điểm
chính là do suy nghĩ và hành động thiếu “tình đồng chí thương yêu lẫn
nhau”. Tại một tổ chức, nếu đội ngũ cán bộ chủ chốt mất đoàn kết, không thống
nhất trong tư tưởng và hành động thì ở nơi đó sẽ có tình trạng cấp trên và cấp
dưới cách biệt nhau, là đồng chí với nhau nhưng thường không nói trước mặt mà
chỉ nói sau lưng, vì thế, cần phải phát huy vai trò nêu gương, thống nhất giữa
nói và làm trước hết từ cấp ủy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Bằng trái tim thương yêu rộng lớn đầy khoan dung, nhân
ái và sự gương mẫu tự phê bình và phê bình của chính mình, Hồ Chí Minh căn dặn
tự phê bình và phê bình trong Đảng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục;
từ trên xuống và từ dưới lên; không chỉ thực hiện trong nội bộ Đảng mà cần phải
mở trong nhân dân; bảo đảm dân chủ, công khai và gắn với kế hoạch sửa chữa khuyết
điểm; có thưởng phạt gắn với biểu dương, nhân rộng gương điển hình. Trong đó,
dân chủ là một trong những yếu tố quan trọng để việc thực hiện nguyên tắc tự
phê bình và phê bình trong Đảng vừa nghiêm túc vừa đạt hiệu quả cao trên cơ sở
tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Vì dân chủ đã “khiến cho cán bộ cả gan nói,
cả gan đề ra ý kiến”, để nhân dân tham gia giám sát, góp ý cho cán bộ, đảng
viên và thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó
khăn… Cho nên, học và làm theo Hồ Chí Minh không chỉ ở mục đích, phương pháp của
tự phê bình và phê bình mà còn là xây dựng tình đồng chí thương yêu lẫn nhau để
kiến tạo một môi trường công tác dân chủ, đoàn kết và thống nhất, thiết thực
xây dựng cơ quan, địa phương, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Đó cũng chính là học
tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, học từ Người cách ứng
xử tình và lý quyện chặt vào nhau, tràn đầy tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Thời gian qua, việc triển khai nghiêm túc tự phê bình
và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây
dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn
với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập
và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên cơ sở “có tình
đồng chí thương yêu lẫn nhau” đã mang lại những kết quả tích cực: "Quá
trình tự phê bình và phê bình đã góp phần đấu tranh với những suy nghĩ và hành
vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham
nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện
và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng
tình, ủng hộ"... Tuy nhiên, ở một số cấp ủy, vẫn còn hiện tượng đồng
chí bí thư, thường trực cấp ủy chưa coi trọng và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo
thực hiện tự phê bình và phê bình; chưa gương mẫu nhìn nhận đúng mức khuyết điểm
và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm của tập thể. Bên cạnh
đó, trong tự phê bình và phê bình vẫn còn có những “vùng cấm”, “vùng tránh” hoặc
lợi dụng đấu tranh phê bình để “hạ bệ”, “thanh trừng” lẫn nhau gây chia rẽ, bè
phái, mất đoàn kết nội bộ,v.v.. Việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê
bình “chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn là khâu yếu trong sinh hoạt đảng; chưa trở
thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên”. Nguyên
tắc tự phê bình và phê bình ở một số nơi bị buông lỏng, chưa được quy định cụ
thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát.
Trong đấu tranh phê bình và tự phê bình cần phải vô tư, trong sáng và có tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau
Trả lờiXóaĐấu tranh phê bình chính là giúp đỡ đồng chí mình tiến bộ
Trả lờiXóa