Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn
đề xây dựng Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân (mà sau này được gọi
là hệ thống chính trị), trong đó đặc biệt là xây dựng và chỉnh đốn
Đảng làm cho hệ thống chính trị luôn trong sạch, vững mạnh, nổi lên như một
nhân tố quan trọng nhất, là điều kiện tiên quyết cho thắng lợi của cách mạng
Việt Nam. Người luôn nhất quán với quan điểm: “Đảng có vững cách mệnh mới thành
công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Để sức
sống của tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục lan tỏa trong giai đoạn cách mạng mới,
phải tiếp tục đổi mới việc xây dựng hệ thống chính trị, trong hệ thống chính
trị đó, Đảng là hạt nhân lãnh đạo; phải đặc biệt tiếp tục coi trọng việc nâng
cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.
Đất nước ta đang đứng trước
nhiệm vụ phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển; phát huy sức
mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy
mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước; chú trọng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ
vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế
kỷ XXI, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Muốn đạt được những mục tiêu
nhiệm vụ trên, việc xây dựng hệ thống chính trị phải bảo đảm trong sạch, vững
mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng
viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín,
ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm
vụ đó cũng là quá trình tích cực nhất đáp ứng “điều mong muốn cuối cùng” mà Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta
đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập,
dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Đó cũng là nhiệm vụ “rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang…
một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái
mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ nay cần
phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại
của toàn dân”. Thực hiện tốt nhiệm vụ đó cũng là tích cực thực
hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và cụ thể là đường lối đổi
mới của Đảng đã xác định vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tiếp tục đưa tư tưởng Hồ Chí
Minh vào cuộc sống trong tình hình mới đòi hỏi phải tăng cường xây dựng
Đảng về chính trị, kiên định mục tiêu phát triển của đất nước,
hoạch định đúng đường lối; nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, tầm trí
tuệ, tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và của cán bộ, đảng viên, trước
hết và quan trọng nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ
chiến lược; thực hành dân chủ trong Đảng gắn liền với tăng cường kỷ luật của
Đảng.
Trong xây dựng, chỉnh đốn
Đảng về tư tưởng, cần tiếp tục đổi mới mạnh hơn nữa nội dung,
phương thức công tác tư tưởng, nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính
thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước. Xử lý
đúng đắn và kịp thời các vấn đề tư tưởng, bảo đảm sự thống nhất tư tưởng trong
Đảng, đồng thuận cao trong xã hội. Đẩy mạnh nghiên cứu thực tế, tổng kết thực
tiễn để tìm tòi, rút ra những vấn đề lý luận đúng đắn định hướng cho việc hoàn
thiện đường lối, chính sách, chủ trương xây dựng và bảo vệ, phát triển đất nước
trong tình hình thời cơ và thách thức ngày càng lớn. Thường xuyên tăng cường
bảo vệ nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, đấu tranh kiên
quyết và có hiệu quả với những quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh ngăn
chặn, đẩy lùi những tiêu cực trong hệ thống chính trị nói chung và trong Đảng
nói riêng.
Tiếp tục xây dựng và chỉnh đốn
Đảng về tổ chức phải nhằm vào đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy
của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt là
nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; thường xuyên kết nạp
những người ưu tú vào Đảng đồng thời kiên quyết đưa những người không còn đủ tư
cách đảng viên ra khỏi Đảng. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ
cấp chiến lược, có đủ đức - tài, xử lý nghiêm minh, đúng Điều lệ và quy định
của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng và vi phạm
pháp luật, bất kể người đó giữ chức vụ nào và người đó đã chuyển công tác hoặc
đang nghỉ hưu.
Chủ tịch Hồ
Chí Minh coi việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ,
đảng viên là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của công tác xây dựng, chỉnh
đốn Đảng. Do đó, tiếp tục nâng cao
hiệu quả xây dựng và chỉnh đốn Đảng về đạo đức cũng là thực
hiện một trong những nội dung quan trọng nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây
dựng Đảng. Đại hội XII của Đảng
nhận định: “Việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt kết quả bước đầu quan trọng”.
Tuy nhiên, việc này “chưa đều, chưa đi vào chiều sâu ở nhiều ngành, địa phương,
cơ quan, đơn vị; một số nơi thực hiện còn mang tính hình thức”.
Trong thời gian tới, tính hiệu quả của việc học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn là một điểm nhấn đáng chú ý
trong xây dựng hệ thống chính trị.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo
tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới còn là sự tập trung ưu tiên vào thực
hiện những nhiệm vụ trọng tâm: Một là, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi
có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gắn
với việc “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính
quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Hai là, đổi mới
mạnh mẽ và nâng cao có hiệu quả chất lượng công tác cán bộ. Ba là, tiếp
tục đổi mới, kiện toàn và từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống
chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Yêu cầu đưa tư tưởng Hồ Chí
Minh vào cuộc sống của sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta còn phải là
đề ra những giải pháp có tính đột phá. Đó là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế
về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ
chức, cán bộ. Đó là phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều
lần thể hiện khát vọng của bản thân mình đối với vị thế của đất nước Việt Nam.
Trong Di chúc, Người viết về việc riêng: “Suốt đời tôi hết lòng hết
sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt
thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không
được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Hối hận thì không,
nhưng tiếc thì có; không phải là tiếc chưa có vật chất đủ đầy, không phải là vì
tiếc buộc phải rời bỏ quyền cao chức trọng mà tiếc là không còn được sống lâu
hơn nữa để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, tức là làm đầy tớ thật trung thành
cho dân. Đó là sự tiếc nuối của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Với chức vụ
Chủ tịch nước của mình, Người tuyên bố: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công
danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác
thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân
ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì rất vui lòng lui”.
Người bày tỏ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho
nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai
cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Khát vọng cháy
bỏng đó còn được thể hiện ở mong muốn của Người: “làm sao cho chúng ta theo kịp
các nước khác trên hoàn cầu… dân tộc Việt Nam… bước tới đài vinh quang để sánh
vai với các cường quốc năm châu”.
Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày
sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020), việc học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thiết thực nhất là toàn Đảng, toàn dân
phải biến những điều tiếc nuối, những ham muốn tột bậc, điều mong ước cuối cùng
trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành bản lĩnh
chính trị vững vàng, bồi dưỡng cho cái tâm thêm trong
sáng, nâng cái tầm trí tuệ cho thêm cao, gia cường ý
chí hành động cách mạng thêm cho hiệu quả.
Việc phấn đấu vì một đất nước
Việt Nam phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ
nghĩa vào giữa thế kỷ XXI - theo cách diễn đạt của Đảng ta hiện nay - cũng là
sự đồng trục, sự tiếp nối và sự nhân lên khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khát vọng đó cần được khảm vào tâm trí, tư duy và hành động của cán bộ, đảng
viên và mỗi người Việt Nam yêu nước để xứng đáng là thế hệ kế tục sự nghiệp của
Chủ tịch Hồ Chí Minh - “người anh hùng dân tộc vĩ đại”, “Anh
hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam”, “danh nhân văn hóa trên phạm vi
quốc tế”.
Các tổ chức chính trị phải vững mạnh thì mới đủ sức lãnh đạo đất nước phát triển
Trả lờiXóaĐổi mới là rất cần thiết để phát triển đất nước mạnh mẽ hơn
Trả lờiXóa