Thứ Hai, 18 tháng 5, 2020

“PHẢI CÓ TINH THẦN TỰ CHỈ TRÍCH”

Người cách mạng theo Hồ Chí Minh muốn toàn tâm, toàn ý hành động và phấn đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân thì nhất định phải có đạo đức cách mạng; phải thấm nhuần 23 điều răn về “Tư cách một người cách mệnh” được chỉ rõ trong tác phẩm Đường Cách mệnh, xuất bản năm 1927. Những yêu cầu về phẩm chất đạo đức cách mạng đó phải được thường xuyên, liên tục rèn luyện; được quy về 3 mối quan hệ chủ yếu, đó là: Đối với người, đối với việc và đối với mình.

Thấm nhuần lời dạy của Người, trong tiến trình đấu tranh cách mạng, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đã không chỉ luôn sẵn sàng tận tâm, tận lực phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân mà còn luôn quán triệt thực hiện tự phê bình và phê bình: Đối với mình thì phải “cả quyết sửa lỗi”, đối với người thì “có lòng bày vẽ” để trở thành những người luôn gương mẫu đi đầu, làm mực thước cho nhân dân noi theo. Trong gian lao kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và cả trong cuộc sống đời thường, vì Đảng, vì dân, trên cơ sở của tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, đã có biết bao tấm gương cán bộ, đảng viên bất chấp mọi hiểm nguy, nguyện hy sinh lợi ích cá nhân, sẵn sàng đem tính mạng của mình bảo vệ, che chở cho đồng đội, đồng bào. Những tấm gương sáng về sự nỗ lực phấn đấu, gương mẫu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, nêu gương trong khi tiến hành tự phê bình và phê bình trên tinh thần đồng chí ở trong Đảng, thể hiện sinh động qua các thời kỳ cách mạng là một trong những nhân tố quan trọng làm nên sức mạnh đoàn kết, thống nhất của Đảng, giúp Đảng làm tròn nhiệm vụ mà giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc giao phó trong hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những người “tưởng vào Đảng thì dễ tìm công ăn việc làm. Có người vào Đảng mong làm chức này, tước nọ. Có người vì anh em bạn hữu kéo vào,v.v..”, nên khi có chức, có quyền đã sa vào chủ nghĩa cá nhân, độc đoán, chuyên quyền, tham ô, tham nhũng, xu nịnh cán bộ cấp trên nhưng lại ức hiếp cán bộ cấp dưới và quần chúng... Họ và những người thoái hóa, biến chất như họ đã mắc bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ và nhiều bệnh khác như: hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, cận thị, v.v.. khiến quần chúng không tin, không phục, không yêu. Do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, giảm sút ý chí chiến đấu, họ không nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà chạy theo danh lợi, tiền tài, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc… Vì thế, đã không quy tụ và lãnh đạo được quần chúng, dẫn đến rời xa quần chúng, phá vỡ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân.
Vì vậy, để mỗi cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo sáng suốt, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân, thì chữa chạy những sai lầm, khuyết điểm không chỉ là yêu cầu tất yếu, nội tại mà còn phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Năm 1951, Hồ Chí Minh đã viết bài “Tự phê bình” (đăng báo Nhân dân, 20/5/1951); trong đó nhấn mạnh: “Tự phê bình là gì? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”, bởi “ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động đúng đắn”. Chỉ ra rằng, tự phê bình và phê bình là “thang thuốc đặc trị” để phát huy ưu điểm và sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, song Hồ Chí Minh cẩn trọng nhắc nhở: dùng thuốc phải dùng đúng, dùng sai hiệu quả sẽ khôn lường. Theo Người, “mục đích của tự phê bình và phê bình để giúp nhau tiến bộ, sửa chữa sai lầm”, chứ không phải là để “bới lông tìm vết”, để trả thù, nên cách thức tiến hành phải có lý, có tình, có nghĩa. Trong mọi mối quan hệ, khi công tác hay ứng xử đời thường, Hồ Chí Minh cũng đều chú trọng chữ “tình”, vì theo Người “nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa như thế”.
Học và làm theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình ở hai điều chính cốt nhất: mục đích và phương pháp, vì nếu cả hai điều này được tiến hành đúng và kịp thời thì hiệu quả của tự phê bình và phê bình sẽ cao, góp phần hoàn thiện bản thân mỗi người, của tất cả mọi người và đó cũng chính là một trong những phương thức cơ bản giải phóng mọi tiềm năng của mỗi người, để con người đạt tới tự do. Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc quan trọng của Đảng, là việc làm cần thiết, vừa để chỉ ra ưu điểm và khuyết điểm để rút kinh nghiệm vừa qua đó tìm được biện pháp, học được cách thức để khắc phục hạn chế, chứ không phải là đấu tố, hạ bệ nhau. Hồ Chí Minh quan niệm, “tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình”, “phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình” cho nên “tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau”. Theo đó, mục đích của tự phê bình và phê bình là “cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau sửa chữa khuyết điểm”, làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, cốt để giúp nhau tiến bộ; cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ. Do đó, phương pháp tự phê bình và phê bình là phải được tiến hành thường xuyên như “rửa mặt hằng ngày” với tâm và động cơ trong sáng; phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt; phải vạch rõ cả ưu điểm và những khuyết điểm để cùng tiến bộ; lời nói phải hợp tình, hợp lý, chớ dùng lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc… Tuy nhiên, sai lầm và khuyết điểm của mỗi con người khác nhau thì hình thức phê bình, xử lý cũng phải khác nhau, mới đảm bảo được tính nghiêm túc, nếu không sẽ sinh ra thói “thậm thà thậm thụt” mà “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng to mồm”.
Vì vậy, để tự phê bình và phê bình đúng và hiệu quả, nguyên tắc này phải được tiến hành trên cơ sở tình thương yêu, khoan dung của mỗi người. Mỗi người đều có một trái tim, trái tinh chân thành, nhân hậu; trái tim đó khi tự phê bình mình cũng như phê bình người là “phê bình việc làm chứ không phê bình người”. Bởi, phê bình cũng như chữa bệnh cứu người, để giúp họ vui lòng nhận ra lỗi lầm mà sửa chữa, để khỏe mạnh trở lại trong cả suy nghĩ và hành động thì trước hết phải thương yêu, phải kịp thời, đúng lúc và đúng chỗ, công khai và thẳng thắn. Nếu làm trái những điều đó, tính giáo dục của thang thuốc tự phê bình và phê bình sẽ không còn tác dụng. Còn người bị phê bình phải thật thà nhận, công khai nhận và “vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”. Tự phê bình và phê bình chỉ thực sự phát huy tác dụng, góp phần củng cố và tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong mỗi tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị khi “người có ưu điểm thì phải cố gắng thêm, và người khác phải cố gắng bắt chước. Mọi người phải tích cực sửa chữa khuyết điểm của mình và giúp anh em sửa chữa khuyết điểm của họ”; “phải thực hành khẩu hiệu chí công vô tư; cần, kiệm, liêm, chính”.
Đồng thời, tự phê bình và phê bình phải được thực hiện nghiêm túc theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “từ trong ra, từ ngoài vào”, “từ trên xuống, từ dưới lên” để phê bình và tự phê bình bảo đảm dân chủ, khách quan, trung thực, đầy đủ, có chất lượng gắn với khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh. Không phải ngẫu nhiên chỉ hơn một tháng sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17/10/1945), Hồ Chí Minh đã nêu rõ sáu căn bệnh cần đề phòng của một bộ phận “quan cách mạng”, đó là “trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo”, để sau đó, Người ký Sắc lệnh ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ (27/11/1945); Quốc lệnh khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tội tử hình (26/1/1946) và khẳng định: “Chính phủ đã hết sức làm gương và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”.

2 nhận xét:

  1. Đấu tranh tự phê bình và phê bình phải được thực hiện nghiêm túc, vô tư, trong sáng; đấu tranh là để phát triển chứ không phải là để hạ bệ lẫn nhau

    Trả lờiXóa