Các thế lực thù địch đã và đang thực hiện chiến lược
“diễn biến hòa bình” bằng cách tập trung xuyên tạc, phủ nhận hình tượng Hồ Chí
Minh, nhằm mục đích “hạ bệ”, “giải thiêng” thần tượng dân tộc, từ đó phá hoại mối
đoàn kết ruột thịt giữa Đảng và nhân dân, gây ra sự đổ vỡ niềm tin của người
dân vào lãnh tụ, vào Đảng và cách mạng.
Họ bịa ra rằng, người viết tập thơ Nhật ký trong
tù là một người tù đã chết, không phải là Hồ Chí Minh. Về vấn đề này, Lê Hữu
Mục đã viết một tiểu luận phủ nhận Hồ Chí Minh là tác giả của Nhật ký
trong tù. Động cơ viết tiểu luận này được chính Lê Hữu Mục thể hiện ở một
bài phỏng vấn trong chương trình phát thanh của Hội Văn hóa Việt tại California
(Hoa Kỳ): “Tôi cố gắng viết, chỉ nội trong một tháng là xong... Anh em ở hải
ngoại bảo nhau phải tìm mọi cách để xóa bỏ cái huyền thoại Hồ Chí Minh”, không
để cho “có chuyện Hồ Chí Minh sẽ được tôn vinh là nhà văn hóa kiệt xuất do
UNESCO công nhận”. Thế là đã rõ, mục đích của ông ta và “các anh em” là không để
cho UNESCO vinh danh Hồ Chí Minh.
Lập luận của Lê Hữu Mục bắt đầu từ vấn đề tên tuổi tác
giả. Ông ta cho rằng, người viết xưng là “lão phu”, theo “chiều sâu văn hóa”
phương Đông, như vậy, người viết Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong
tù) là một ông già. Lập luận này chỉ đánh lừa được những người ít hiểu về Hán học
và văn hóa phương Đông. Chúng tôi xin phép ghi lại lời phản biện của nhà Hán học
hàng đầu Việt Nam-PGS Phan Ngọc: “Dù có tự hào về Hán học đến đâu, không ai dám
nói Đỗ Phủ không biết làm thơ, không hiểu phong tục cổ truyền Trung Hoa, cũng
không dám chê Đỗ Phủ dốt nát. Đỗ Phủ chính là vị thầy về thơ chữ Hán của Hồ Chí
Minh… Ông Đỗ này luôn luôn tự xưng mình là lão (già)”(*). Học giả Phan Ngọc chứng
minh Đỗ Phủ xưng “lão” trong thơ năm 38 tuổi (trong bài Đầu giản Hàm, Hoa
lưỡng huyện chư tử-Thư gửi các vị hai huyện Hàm Dương, Hoa Nguyên), năm 45 tuổi
(Ai giang đầu-Nỗi đau xót đầu sông), năm 51 tuổi (Đào trúc trượng-Cây gậy trúc
đào)... Đó là những căn cứ của sự thật, không thể bác bỏ!
Như thế, Bác Hồ xưng “lão phu” trong Nhật ký
trong tù là điều hoàn toàn tự nhiên!
Trong bài phản biện tiểu luận của Lê Hữu Mục, Phan Ngọc
vạch ra “tám lỗi về hình thức”. Xin trích lại một khái quát cuối bài của PGS
Phan Ngọc, một khái quát của chân lý nghệ thuật, của lẽ phải đời thường: “Theo
tôi, muốn viết nổi tác phẩm này, giỏi làm thơ là chuyện nhỏ. Cái quan trọng là
một ham muốn suốt đời đấu tranh cho nhân loại bị áp bức, một chí khí gang thép,
nhưng chủ yếu là một tâm hồn trong sáng của Đức Phật, Xôcrat (Socrate), Giêsu
(Jésus), Găngđi (Gandhi) mới làm được”.
Ngoài “tám lỗi” cơ bản mà PGS Phan Ngọc đã phản biện một
cách đích đáng, đến lượt chúng tôi xin chỉ ra một vài bắt bẻ một cách rất vô lối
của Lê Hữu Mục.
Để phá vỡ tính chỉnh thể thống nhất của hình tượng
thơ, Lê Hữu Mục dùng thủ thuật xuyên tạc, thêm thắt và quy
kết người dịch sai. Lê Hữu Mục cho rằng, người dịch Ngục trung nhật
ký đã tìm mọi cách để lái câu thơ vào quỹ đạo mà họ định trước. Ví dụ,
trong Thụy bất trước (Không ngủ được), người dịch đã tô thêm màu vàng
vào ngôi sao năm cánh để giải thích rằng ngay trong giấc ngủ, Bác cũng chỉ nhìn
thấy Tổ quốc được tượng trưng bằng ngôi sao vàng, trong khi nguyên văn chỉ nói:
“Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh”, nghĩa là hồn mộng cứ luẩn quẩn loanh quanh
ở chỗ ngôi sao năm cánh, trong giấc mơ, lòng chỉ hướng về ngũ tinh liên châu tức
là hướng về đoàn tụ gia đình, nghĩ đến vợ con mà lâu ngày mình đã xa.
Nghĩa chữ Hán trong câu thơ “Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ
tiêm tinh” là: Hồn mộng đã quẩn quanh nơi ngôi sao năm cánh. Chê người để lôi
cuốn sự chú ý của độc giả vào “cái sai” của người (người dịch), trong khi đó,
chính Lê Hữu Mục lại bịa đặt nghĩa bằng cách thêm ý “lòng chỉ hướng về ngũ
tinh liên châu tức là hướng về đoàn tụ gia đình, nghĩ đến vợ con mà
lâu ngày mình đã xa”. Bịa đặt để lái vấn đề sang nghĩa khác: Người tù đã có vợ
con rồi! Tức không phải Hồ Chí Minh làm vì Hồ Chí Minh không có vợ con! Hai chữ
“tức là” của Lê Hữu Mục hoàn toàn là sự suy diễn.
Vấn đề “quốc tịch” của tác giả được đặt ra để “nghiên
cứu”: Lê Hữu Mục bám vào hai chữ “Hán gian” ở trong các bài Thế lộ
nan (Đường đời hiểm trở): “Khước bị hiềm nghi tố Hán gian” (Thế mà bị tình
nghi là Hán gian) và Nhai thượng (Trên đường phố): “Nhai thượng nhân
tranh khán Hán gian” (Ngoài phố tranh nhau xem Hán gian) rồi quả quyết: “Muốn
làm Hán gian thì đầu tiên phải là người Hán đã chứ, làm sao một người Việt Nam
có thể làm Hán gian?”.
Logic học gọi đây là thủ thuật “đánh tráo”. “Thế mà bị
tình nghi là Hán gian”. Ai nghi? Tức bọn cai ngục nghi ngờ người tù là “Hán
gian”. Người khác nghi như thế chứ không phải “người tù” nhận thế. Mà người
khác nghi là quyền, là việc của người ta. Nhưng Lê Hữu Mục đã đánh tráo chủ
thể “nghi” từ “bọn cai ngục” (bị ẩn đi) ép sang cho tác giả câu thơ (người
tù), để hiểu: Vì là người Hán nên tác giả câu thơ (tức Già Lý) rất buồn bị nghi
là Hán gian!
Thế là ai cũng thấy ông ta sử dụng thủ thuật tách rời
và đánh tráo khá tinh vi!
Tại sao một số người lại tập trung xuyên tạc Nhật
ký trong tù? Vì đó là bảo vật quốc gia, một bảo hiểm “bằng vàng” về con người
Bác Hồ đại nhân, đại trí, đại dũng, đã được cả thế giới khẳng định giá trị nội
dung bất hủ và hình thức nghệ thuật điêu luyện. Kiệt tác đã được dịch ra 25 thứ
tiếng trên thế giới!
Mỗi chúng ta phải nêu cao tinh thần cảnh giác và đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các phần tử cơ hội chính trị.
Trả lờiXóaChúng ta phải nâng cao cảnh giác và đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực thù địch, phản động
Trả lờiXóa