Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

KÍNH YÊU NGƯỜI BẰNG CẢ KHỐI ÓC VÀ TRÁI TIM

Hồ Chí Minh đã đi xa hơn nửa thế kỷ, song cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn hiện hiển chân dung một trong những vĩ nhân của thế kỷ XX được Nghị quyết 24C/18.56 của Đại hội đồng UNESCO khóa 24-1987 vinh danh kép: "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá lớn".
Cùng với bề dày thời gian, khẳng định của Người khi trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài ngày 21/1/1946: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; sự nhất quán trong tư tưởng và hành động của Người và những cảm nhận, ngợi ca Người của bạn bè, anh em, đồng chí, nhân dân và cả những người từng ở bên kia chiến tuyến với Người thì vẫn còn mãi. Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại và "tất cả những người có lương tri trên thế giới nhìn thấy ở Nguyễn Ái Quốc - “Người yêu nước”, ở Hồ Chí Minh - “Người chiếu sáng”, ở Bác Hồ - “Vị Chủ tịch kính mến” như Mighen Đêxtêphanô đã khẳng định. Đó chính là vì đồng hành cùng dân tộc, lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc (1930 -1945) và hai cuộc trường chinh gian khổ, đầy mất mát, hy sinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 -1975); đồng thời, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 -1969), những thắng lợi của nhân dân Việt Nam gần 100 năm qua gắn liền với đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã góp phần to lớn vào sự nghiệp xoá bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới trên hành tinh này.
Là người trân trọng mọi giá trị của văn minh nhân loại, yêu thương con người, vì con người, kết hợp hài hoà giữa lợi ích cá nhân, dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh không chỉ lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn đưa cách mạng Việt Nam hòa vào dòng chảy của cách mạng thế giới; không chỉ khởi xướng cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam và các dân tộc thuộc địa khác mà còn nỗ lực đấu tranh để mọi người đều được hưởng quyền "được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Vì thế, trong cuộc đấu tranh đầy nhân văn đó, "Hồ Chí Minh là một người tạo ra thời thế... Ông đã kết hợp được trong bản thân mình hai trong số các lực lượng thông tin của lịch sử Việt Nam hiện đại: khát vọng độc lập dân tộc và hoài bão về công bằng xã hội... cho nên ông có khả năng truyền đạt thông điệp của mình đến khắp các dân tộc thuộc địa trên thế giới, đáp ứng yêu cầu của họ về một cuộc sống danh dự và tự do, thoát khỏi ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc... bất kể lời phán xét thế nào đối với di sản của ông để lại cho dân tộc mình. Hồ Chí Minh vẫn có vị trí trên tượng đài của các vị anh hùng cách mạng đã chiến đấu ngoan cường cho những người cùng khổ trên thế giới, giúp họ nói lên được tiếng nói đích thực của mình".
Trong hành trình hướng đến tương lai, Hồ Chí Minh không chỉ gắn bó sâu sắc với dân tộc mình, Người còn dành tình thương yêu bao la cho nhân dân lao động và các dân tộc khác, vì vậy, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc của Người truyền cảm hứng bất tận về một sự giải phóng hoàn toàn - giải phóng con người thoát khỏi nền văn hoá nô dịch, bất công và xây dựng nền văn hoá mới của dân tộc mình đến với các dân tộc khác như một lẽ tự nhiên, có sức cảm hóa diệu kỳ. Môhamét Lamari trong bài viết "Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Angiêri" đã nhấn mạnh rằng: "Ưu điểm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không chỉ đấu tranh cho một lá cờ, cho một sự giải phóng ở bề mặt bên ngoài, Người muốn tiến hành một cuộc chiến đấu cho phẩm giá con người, cho sự giải phóng và phúc lợi của toàn dân và nhờ thế mà cuộc cách mạng Người phát động đã mang tầm cỡ thế giới".
 Trong khi dành cả đời mình chiến đấu chống lại ách thống trị thực dân và đế quốc, Người vẫn là một nhà nhân văn chân chính trong tư tưởng và hành động. Trong cuộc đấu tranh đó, Hồ Chí Minh không chỉ "làm khởi sắc và tăng cường truyền thống văn hoá Việt Nam", gắn nó với các nền văn hoá khác trên thế giới mà còn thành công trong việc liên kết nhiều sắc thái văn hoá vào một nền văn hoá Việt Nam duy nhất. Người không chỉ chịu ảnh hưởng và mang theo mình những giá trị truyền thống của dân tộc mà còn đóng góp quan trọng vào việc sáng tạo nên một nền văn hoá Việt Nam hiện đại; và Người "đã làm được việc này nhờ sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng những đặc điểm văn hoá khác nhau. Người đã hoàn thành được nhiệm vụ này, và trong việc làm và lời nói của Người, ta có thể nhìn thấy rõ hình ảnh, tư tưởng của nhà thơ, nhà văn, nhà nghệ sĩ dân ca, những người đem lại nguồn cảm xúc cho nhiều thế hệ nhân dân Việt Nam".
Người đã vận dụng sáng tạo những tư tưởng nhân đạo của cuộc đại cách mạng Pháp "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" và kết hợp những lý tưởng của nhân loại với cuộc đấu tranh vì giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội của nhân dân Việt Nam. Tướng P. Valluy, người từng tham chiến trong cuộc chiến tranh Đông Dương, trong một lần trả lời phỏng vấn Tạp chí Hành tinh - Hành động, Paris, tháng 3/1970 đã thừa nhận: "Phải nói Bác Hồ cực kỳ nhã nhặn, vô cùng lịch thiệp và thoạt nhìn đã thấy Người thật hấp dẫn... Ngay từ khi mới gặp, Cụ đã tâm đắc một cách đặc biệt với Leclere; hai người, người này quyến rũ người kia, họ quyến rũ nhau. Ông là Bác Hồ của mọi người. Còn chúng tôi, khi gọi Người là Bác, thì mọi việc đều trở nên hết sức đơn giản".
Hồ Chí Minh là vậy! Tên Người là cả một ngày mai! Là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa lớn, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người thể hiện trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau: "Lúc là người tổ chức, nhà văn, nhà báo, nhà ngôn ngữ, nhà viết kịch, nhà thơ, khi là nhà giáo, nhà chiến lược quân sự, lãnh đạo kháng chiến, khi lại là người làm vườn. Di sản Việt Nam và châu Á phong phú và truyền thống phương Tây ở Người đã tạo nên tất cả các điều đó. Người là một trong số ít người châu Á lại thân thuộc với cả châu Á và phương Tây". Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Hồ Chí Minh là sự kết hợp "những đức tính lớn lao của Mác, Lênin, Mahatma Găngđi và Giaoahatlan Nêru". Những gì thuộc về Người - quan điểm và hành động đều hiển hiện chân dung một vị lãnh tụ của nhân dân, vì nhân dân mà tận tâm cống hiến và chính Người là "đại diện cho sự vĩ đại vốn có của nhân dân Việt Nam", là hình ảnh của sự bình dị, tính chuyên cần, luôn yêu quý trẻ thơ và thanh niên, thẳng thắn, trung thực, chân thành và một ý thức mạnh mẽ về nhân văn kết hợp với nhiệt tình và tinh thần cách mạng. Trong suy nghĩ và hành động của Người - luôn là nhân dân và vì nhân dân; "luôn quan tâm tới lợi ích của nhân dân, nghĩ những điều dân nghĩ, lo những điều dân lo, hiến dâng cả đời mình cho nhân dân, không hề quan tâm tới bản thân. Người không chỉ luôn gìn giữ đạo đức cao đẹp “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, dùng 8 chữ đó để giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân; luôn "cư xử nhiệt tình, khiêm tốn, gần gũi, bình dị, giữ mối liên hệ thân mật không cách bức với quần chúng. Quyết tâm và dũng khí đấu tranh của Người xuất phát từ tấm lòng yêu mến nhân dân, sức mạnh và uy tín to lớn của Người cũng bắt nguồn từ sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân" mà còn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nỗ lực học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để xứng đáng là người lãnh đạo người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

2 nhận xét:

  1. Tấm gương đạo đức của Bác Hồ mãi là tấm gương soi sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo

    Trả lờiXóa
  2. Hình ảnh cao cả của Bác Hồ không bao giờ phai nhạt trong lòng người dân Việt Nam

    Trả lờiXóa