Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

NHẬN THỨC VÀ CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG TA VỀ TRÍ THỨC

Tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức được Đảng Cộng sản Việt Nam cụ thể hóa thành những chủ trương, đường lối trong những giai đoạn khác nhau.
Năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đã thông qua Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng, đây là những bản Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và thể hiện rõ nhất tư tưởng của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, về quy tụ trí thức. Sách lược vắn tắt của Đảng đã ghi rõ: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh Niên, Tân Việt... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập”. 
Trước Đại hội II của Đảng năm 1951, mặc dù quan niệm về trí thức đã có sự thay đổi căn bản, nhất là từ khi Nguyễn Ái Quốc về nước và thành lập Mặt trận Việt Minh với tư tưởng đại đoàn kết dân tộc rộng rãi được ghi rõ trong Chương trình của Việt Minh; thế nhưng, để thay đổi một nhận thức đã ăn sâu, bám rễ trong nhiều đảng viên không phải dễ dàng. Có lẽ vì vậy mà trước Đại hội II, Đảng ta vẫn xếp thợ thuyền và nông dân là hai lực lượng chính của cách mạng Đông Dương. Những khúc mắc, xung đột giữa các cán bộ là trí thức và các nhà cách mạng xuất thân từ giới thợ thuyền đã có lúc đến mức gay gắt. Có lẽ vì vậy mà năm 1947, mặc dù trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở thời kỳ gay go quyết liệt nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc để chấn chỉnh tư tưởng, nhận thức lệch lạc, nhất là trong vấn đề trí thức, trong đó có đoạn: “rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Chúng ta phải tẩy sạch các bệnh kiêu ngạo, bệnh hẹp hòi, bệnh bao biện”. Đến Đại hội II của Đảng, vấn đề trí thức dần dần được gỡ ra, khi xác định trí thức là: “bạn đồng minh có thể tin cậy”. 
Sau đó, quan điểm của Đảng về trí thức đã dần dần thay đổi theo hướng đánh giá đúng đắn vị trí, vai trò của trí thức qua Đại hội III (năm 1960), Đại hội IV (năm 1976), Đại hội V (năm 1982). Điều này cũng có cơ sở thực tế là qua thời gian, đội ngũ trí thức được đào tạo dưới sự lãnh đạo của Đảng đã từng bước trưởng thành, cả về chất và lượng, cả về tư tưởng chính trị. Đại hội VI của Đảng (năm 1986) mở ra thời kỳ đổi mới đất nước toàn diện, vì vậy, vấn đề trí thức đã dần dần được nhìn nhận sáng tỏ hơn. Đại hội định ra đường lối đổi mới toàn diện, thì vấn đề trí thức được thực sự mở ra với những điểm sáng mới. Văn kiện Đại hội VI của Đảng xác định: “Phá bỏ những quan niệm hẹp hòi, không thấy tầng lớp trí thức ngày nay là những người lao động xã hội chủ nghĩa, được Đảng giáo dục và lãnh đạo, ngày càng gắn bó chặt chẽ với công nhân và nông dân”. Đại hội VI cũng chính thức cam kết bảo đảm quyền tự do sáng tạo của trí thức: “Điều quan trọng nhất là bảo đảm quyền tự do sáng tạo. Đánh giá đúng năng lực và tạo điều kiện cho năng lực được sử dụng đúng và phát triển”.
Sự nhìn nhận với tư cách là Đảng lãnh đạo về vấn đề trí thức Việt Nam đã được thể hiện với tư duy mới trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (Cương lĩnh năm 1991): “Đào tạo, bồi dưỡng và phát huy mọi tiềm năng của đội ngũ trí thức để tạo nguồn lực trí tuệ và nhân tài cho đất nước”. Năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06-8-2008, “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong đó khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. 
Cùng với những quan điểm, chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức trong nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26-3-2004, của Bộ Chính trị về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” quy định: “Có hình thức thích hợp tổ chức thu thập ý kiến của đồng bào ở nước ngoài trước khi ban hành các văn bản pháp quy, chính sách có liên quan nhiều tới người Việt Nam ở nước ngoài. Hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước. Xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước, góp phần phát triển nền văn hóa, nghệ thuật của nước nhà. Xây dựng và hoàn thiện các chính sách tạo thuận lợi và khuyến khích các ngành, các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ, văn hóa nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục thể thao, các cơ sở sản xuất, dịch vụ... ở trong nước mở rộng hợp tác, thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia công việc ở trong nước, làm việc cho các chương trình, dự án hợp tác đa phương và song phương của Việt Nam với nước ngoài hoặc trong các tổ chức quốc tế có chỉ tiêu dành cho người Việt Nam và tư vấn trong các quan hệ giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài”. 
Sau khi tổng kết thực hiện Nghị quyết này, ngày 19-5-2015, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới” tiếp tục khẳng định nhất quán quan điểm tập hợp, tạo điều kiện thuận lợi để trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cùng đóng góp tài trí xây dựng đất nước. Chỉ thị nêu rõ: “Thường xuyên tổ chức cho người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến và tham gia vào các sự kiện chính trị - xã hội lớn của đất nước. Rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật tạo hành lang pháp lý thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần vào thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các nước vào Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Có chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực thiết yếu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

2 nhận xét:

  1. Đội ngũ trí thức rất quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước; do đó phải xây dựng đội ngũ trí thức hùng mạnh và có chính sách thu hút nhân tài để phát triển đất nước

    Trả lờiXóa