Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Thi đua yêu nước” bao hàm đầy
đủ, toàn diện các khía cạnh, từ mục đích, nội dung, cách thức, lực lượng cho đến
ý nghĩa của thi đua.
Về mục đích của thi đua yêu nước, theo Hồ Chí Minh, đó
chính là khơi dậy, phát huy được tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân,
làm cho mọi người đều hăng hái, tích cực, sáng tạo, ngày càng làm được nhiều điều
tốt hơn trong xã hội. Đối với nông dân, thì thi đua tăng gia sản xuất và tiết
kiệm; đối với công nhân thì thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải
tiến kỹ thuật, tiết kiệm thì giờ; đối với quân đội, thì thi đua đánh giặc lập
công,… Như vậy, đời sống của nhân dân sẽ ngày càng đầy đủ, no ấm, đất nước sẽ
ngày càng giàu lên, quân đội sẽ ngày càng vững mạnh và sẽ hoàn thành được mục
tiêu của cách mạng đề ra.
Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào nguồn lực nội sinh, nguồn
sức mạnh vô song của dân tộc và cho rằng, nếu động viên, khơi dậy được nguồn lực
vô tận ấy thì mọi việc, dù có khó khăn đến mấy cũng sẽ hoàn thành. Bởi vậy,
trong những giờ phút khi mà cuộc chiến tranh chống thực dân xâm lược còn trong
giai đoạn gian khó, ác liệt nhất, Người vẫn luôn tin tưởng: “Với tinh thần quật
cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của
nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”.
Về nội dung của thi đua yêu nước, theo Hồ Chí Minh, đối
với hậu phương: Cần đẩy mạnh tăng gia sản xuất, mở mang doanh nghiệp, thi đua học
tập, sáng tác, phát minh, thực hành tiết kiệm và tận dụng thời gian, đẩy nhanh
tiến độ, để tăng năng suất, hiệu quả,… Làm được như vậy, sẽ vừa tiết kiệm được
nhân công, nguyên, vật liệu, thời gian,…; đồng thời lai tạo ra được nhiều của cải
vật chất, tạo thêm nhiều nguồn lực cho xã hội phát triển nhanh hơn, bền vững
hơn.
Đối với tiền tuyến, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng
công tác huấn luyện giỏi, tiêu diệt địch; khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm
mệnh lệnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; có ý thức quý trọng chiến lợi phẩm,
quân trang, tiết kiệm vũ khí, trang bị,… Người cũng lưu ý, trong thi đua thì
tùy theo từng đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực,… mà xác định những nội dung công
việc cho phù hợp, khoa học, hiệu quả: “Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu
hăng hái tham gia mọi công việc, Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc
người lớn, Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp, Đồng bào công nông
thi đua sản xuất, Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát
minh, Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân
dân…”.
Về cách thức thi đua, Hồ Chí Minh chỉ rõ, phải có
phương hướng đúng, xác định rõ nội dung, biện pháp cho từng lĩnh vực cụ thể. Đặc
biệt, Người luôn nhấn mạnh và yêu cầu phải: “Dựa vào lực lượng của dân, tinh thần
của dân, để gây hạnh phúc cho dân”. Trong quá trình thi đua, Người thường
lưu ý, phải coi trọng sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm. Từ những sáng kiến và
kinh nghiệm trong từng ngành, lĩnh vực, ở một địa phương, cơ quan, đơn vị… sẽ
được phổ biến, lan rộng ra nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan, cho đến
cả nước; phải coi những sáng kiến, kinh nghiệm là tài sản vô giá, cần được phát
huy và phổ biến: “Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào
sông to, những sông to chảy vào bể cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến
kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc”.
Về mức thi đua, theo Hồ Chí Minh, phải tiến dần dần và
tiến mãi mãi; những người, những nhóm đã đạt được năng suất và hiệu quả ở mức
cao, thì phải làm cho chất lượng tốt hơn, cố gắng nâng cao hơn nữa: “Trí khôn,
sáng kiến, học hỏi, tiến bộ và tinh thần hy sinh của người ta không có hạn, nó
cứ tiến mãi. Cho nên mức thi đua cũng không có hạn, nó cũng tiến lên mãi”.
Bên cạnh đó, cần phải tạo điều kiện giúp đỡ những người và những nhóm có năng
suất, hiệu quả còn hạn chế tiến lên.
Về lực lượng thi đua, theo Hồ Chí Minh, lực lượng của
phong trào thi đua yêu nước là toàn thể nhân dân: “Mỗi người dân Việt Nam, bất
kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một
chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”. Từ
đó, Người nhận định: “Với lòng nồng nàn yêu nước và lực lượng vô cùng tận của
nhân dân ta, cuộc Thi đua ái quốc nhất định sẽ thành công to. Vì vậy, mà thắng
lợi càng nhất định về tay ta”.
Thực tiễn đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ
tịch Hồ Chí Minh luôn ý thức được sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn
dân trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Điều này được kế thừa, đúc kết từ
lịch sử của dân tộc, đó là “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”,
hay “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Về ý nghĩa của thi đua yêu nước, Hồ Chí Minh khẳng định:
Thi đua là đoàn kết, bởi: “Trong phong trào thi đua, chúng ta thấy đủ các dân tộc:
Kinh, Thổ, Mán, Mường...; đủ các tín ngưỡng, lương có, giáo có; đủ các tầng lớp
binh, công, nông, sĩ; đủ các hạng người già, trẻ, gái, trai. Tất cả đều nhằm
vào một mục đích chung: tăng gia sản xuất và diệt giặc lập công”. Như vậy,
thi đua để tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết lại đẩy mạnh thi đua.
Theo Hồ Chí Minh, thi đua là yêu nước. Bởi, qua phong
trào thi đua mà tinh thần yêu nước được biểu hiện thành những hành động, việc
làm cụ thể. Kết quả là năng suất lao động, hiệu quả làm việc của mọi người, mọi
ngành, mọi lĩnh vực đều được nâng lên. “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải
thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Thi đua còn góp phần cải tạo con người. Vì, thi đua giữa
người này với người khác, giữa ngành này với ngành khác, giữa đơn vị này với
đơn vị khác sẽ giúp mọi người không những tăng cường tình đoàn kết, mà còn giúp
con người ngày càng hoàn thiện về suy nghĩ, kỹ năng, trình độ, nâng cao tinh thần
kỷ luật, ý thức trách nhiệm với công việc…
Bên cạnh biểu dương, khen ngợi những thành tích, kết
quả đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn
chỉ ra những khuyết điểm trong công tác thi đua, như:
Nhiều nơi, việc đặt kế hoạch thi đua còn không sát với
hoàn cảnh thực tế. Nơi thì đặt kế hoạch to quá, rồi không làm nổi. Nơi thì ban
đầu làm quá ồ ạt, đến nỗi ít lâu sau thì đuối sức đi, không tiếp tục thi đua được.
Nơi thì mỗi một đoàn thể, mỗi một ngành đều có một kế hoạch riêng mà kế hoạch
thì không ăn khớp với nhau, thành thử “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nhiều
nơi còn không biết trao đổi kinh nghiệm, quan liêu, dập khuôn, máy móc, chỉ biết
làm theo chỉ thị của cấp trên, không biết điều tra kỹ lưỡng, áp dụng thiết thực.
Hồ Chí Minh yêu cầu: “Chúng ta phải chống bệnh quan
liêu, chống nạn tham ô, lãng phí. Vì bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi
đua, làm nó chậm tiến, và nạn tham ô, lãng phí sẽ làm giảm bớt những kết quả của
phong trào thi đua”. Bên cạnh đó, Người cũng đặt ra: “Thi đua là phải cố gắng
mãi,... Phải học tập chính trị, phải gắn liền tinh thần thi đua với tinh thần
yêu nước và tinh thần quốc tế. Tuyệt đối chớ tự kiêu tự mãn, chớ xa rời quần
chúng”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước lan tỏa tới mọi
cấp, mọi ngành, từ Trung ương cho tới địa phương, kể cả ở vùng sâu, vùng xa;
thôi thúc, động viên được tinh thần yêu nước của cả dân tộc ta; khơi dậy và
phát huy được nguồn lực nội sinh, trở thành cội nguồn cho mọi thắng lợi của
cách mạng Việt Nam.
Tấm gương đạo đức của Chủ tịch hồ Chí Minh luôn soi sáng cho mọi thế hệ người dân Việt Nam học tập và làm theo.
Trả lờiXóaMọi người dân Việt Nam luôn nhớ công lao trời bể của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vì vậy mỗi người dân; nhất là cán bộ, Đảng viên phải thường xuyên học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Người.
Trả lờiXóa