Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN VÀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG HIỆN NAY

Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tăng cường xây dựng Đảng ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ, việc nhận thức và thực hiện tư tưởng của Người về chống chủ nghĩa cá nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay tự soi, tự sửa, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao của quần chúng nhân dân trước những thời cơ và vận hội mới của đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó, Người luôn nhắc nhở, căn dặn chúng ta: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Lời cảnh tỉnh đó vẫn còn nguyên giá trị trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Con người phát triển toàn diện trong chế độ xã hội chủ nghĩa là con người biết kết hợp đầy đủ và hài hòa các lợi ích giữa cá nhân - tập thể - xã hội. Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn coi trọng và xác định lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp cho sự phát triển. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, coi lợi ích cá nhân là động lực duy nhất thì đó là tư tưởng cực đoan, dễ sa ngã vào chủ nghĩa cá nhân. Về bản chất, chủ nghĩa cá nhân là lối sống tuyệt đối hóa lợi ích, sự tự do cá nhân, hướng tới thỏa mãn những suy nghĩ, nhu cầu, mục đích, hành vi vụ lợi, hưởng lạc theo chủ nghĩa vị kỷ, nuôi dưỡng tính hám lợi, hiếu danh, ích kỷ. Đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, v.v.. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”.
Chủ nghĩa cá nhân không tự nhiên sinh ra và tồn tại ở mọi xã hội mà nó chỉ nảy sinh và phát triển trong xã hội dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, ở đó còn tồn tại tình trạng người bóc lột người, khi giải quyết mối quan hệ về lợi ích thì luôn đặt quyền lợi của cá nhân lên trên hết: “khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng”. Hệ lụy của chủ nghĩa cá nhân mang lại là vô cùng nguy hại, bởi đó là nguồn gốc sâu xa dẫn tới sự suy thoái, biến chất, làm giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong Đảng, bởi vì: “do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân” và “do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”.
Chủ nghĩa cá nhân được biểu hiện đa dạng, luôn biến hóa muôn hình vạn trạng. Cách đây 50 năm, trước khi về cõi vĩnh hằng, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (3-2-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra 10 loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân cần nhận diện và phòng chống: bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh “hữu danh vô thực”; bệnh cận thị (biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh. Người coi chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm” và “địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Đó là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. Chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin cậy của dân với Đảng, cho nên: “chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”.
Hiện nay, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, nước ta còn chịu sự tác động không nhỏ từ mặt trái của cơ chế thị trường, những tiêu cực nảy sinh trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang thực hiện quá độ lên CNXH, khi cái mới và cũ còn tồn tại đan xen, cái tiến bộ đang dần hình thành và tàn dư của xã hội cũ chưa bị loại bỏ hoàn toàn thì chủ nghĩa cá nhân vẫn có môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển với những biểu hiện ngày càng phức tạp và vô cùng tinh vi. Thực tế này đã được Đảng ta nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Ở một số cơ quan công quyền, tình trạng cục bộ địa phương, bè phái, tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, tư lợi của công, chuyên quyền, độc đoán, hách dịch, lên mặt làm quan cách mạng,... vẫn diễn ra, đang nổi lên như một vấn nạn, gây bức xúc cho toàn xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”… Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng này là do “bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”. Điều đó dẫn đến một hệ lụy vô cùng nguy hại: “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Một khi chủ nghĩa cá nhân có điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát triển sẽ là mối nguy hại vô cùng to lớn cho Đảng và dân tộc, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, gây trở ngại lớn đến sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Do vậy, trên cơ sở nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, chủ động đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên hiện nay là việc làm cần thiết, thường xuyên và là lương tâm, trách nhiệm của những người cộng sản chân chính. 

2 nhận xét:

  1. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh thường xuyên, lâu dài, phức tạp, thậm chí có cả hy sinh, mất mát, đòi hỏi phải thực hiện một cách quyết liệt, triệt để với nhiều biện pháp đồng bộ, kiên trì và liên tục.

    Trả lờiXóa
  2. Mặc dù hình thức, mức độ biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân có khác nhau; nhưng những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân luôn vun vén cho lợi ích cá nhân và gia đình; không quan tâm tới lợi ích của tập thể, đơn vị và xã hội. Đó là những biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cá nhân, mà chúng ta cần nhận biết để đấu tranh loại bỏ.

    Trả lờiXóa