Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “chủ nghĩa cá nhân là một
thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc” và “chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ
bệnh nguy hiểm; quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí…Nó
trói buộc, nó bị mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng
xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến
lợi ích của giai cấp, của nhân dân”. Những người sa vào chủ nghĩa cá nhân
thì “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình
vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Do cá nhân chủ
nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa.
Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập
thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời
thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên,
không chịu học tập để tiến bộ”. Đó chính là những người thiếu nỗ lực
rèn luyện đạo đức cách mạng, không thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công
vô tư.
Vì thế, để hoàn thành tốt trọng trách “công bộc”/“đầy
tớ” của nhân dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: mỗi cán bộ, đảng viên nói chung,
người lãnh đạo, quản lý, đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng phải
luôn học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, không ngừng phấn đấu
nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo/quản
lý; phải trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công
vô tư; phải công tâm, kỷ luật, tự giác, thẳng thắn, triệt để trong thực thi quyền
lực, trong tự phê bình và phê bình theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Mỗi
người, hằng ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa trên tinh thần: đối
với mình thì phải “cả quyết sửa lỗi”, đối với người thì “có lòng bày vẽ” và nhất
là “phải xem trọng những phê bình và những đề nghị của quần chúng… phải thật
thà và công khai tự phê bình, ra sức sửa chữa… cần luôn luôn hoan nghênh
quần chúng phê bình”, để một mặt phát huy ưu điểm, mặt khác
khắc phục những sai lầm, khuyết điểm. Đồng thời, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo
và tổ chức thực hiện, phải hết sức chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; phải
coi kiểm tra và giám sát là điểm xuất phát, là khâu trung tâm của công tác lãnh
đạo để làm cho lãnh đạo đạt hiệu quả cao nhất.
Thực tế công tác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên “phải
nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để
làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật. Phải chí công vô tư, không thiên vị,
không thành kiến”. Qua đó, một mặt, kiểm tra tính đúng đắn,
phù hợp của chủ trương, đường lối của Đảng so với thực tiễn, phát huy ưu điểm,
phát hiện cái mới, cái tốt hơn nhằm điều chỉnh, đề ra phương thức lãnh đạo sát
hợp hơn; mặt khác, ngăn ngừa, khắc phục những biểu hiện tha hóa quyền lực của đội
ngũ cán bộ như: lạm quyền, lộng quyền, trục lợi từ quyền, cửa quyền, tiếm quyền,
lấn át chính quyền, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Và thực tế cũng cho
thấy là, ở đâu, địa phương nào mà người cán bộ, đảng viên thương yêu nhân dân,
gần gũi và giúp đỡ nhân dân, bảo vệ và sẵn sàng đáp ứng các nguyện vọng chính
đáng của nhân dân, lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm từ nhân dân, hết lòng vì
nhân dân phục vụ thì ở đó họ luôn được sự che chở, đùm bọc, kính trọng, luôn
quy tụ và hấp dẫn được quần chúng.
Tuy nhiên, có không ít minh chứng sinh động trong thực
tiễn về sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đó là những
người không kiên định lập trường, lý tưởng cách mạng, thiếu tu dưỡng đạo đức
cách mạng và rèn luyện bản lĩnh chính trị nên đã không thể vượt qua, không thể
thắng được sự cám dỗ của lợi ích vật chất để rồi vi phạm pháp luật, làm mất
lòng tin của nhân dân, làm tổn hại uy tín của của Đảng. Đó là những kẻ mang
trong mình óc lãnh tụ, bệnh cá nhân chủ nghĩa, tự cho mình là “quan phụ mẫu” của
dân khi lợi dụng quyền lực, lạm dụng quyền hạn của mình, “dùng của công làm việc
tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình”; ỷ thế vào quyền hạn và trách nhiệm được
trao tại các cơ quan công quyền để trục lợi và “sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa
bãi”, kéo bè kéo cánh, chăm chú cho lợi ích của nhóm mình, dòng họ, địa phương
mình. Đối với những cán bộ thoái hóa, biến chất này, thì trong mọi mặt công
tác: “Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng.
Ai không thân với mình thì dù họ có tài cũng tìm cách dìm họ xuống, họ nói phải
mấy cũng không nghe”; đồng thời, “1. Ham dùng người bà con,
anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. 2. Ham dùng những
kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. 3. Ham dùng những
người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình…
Trong những năm qua, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá
đúng sự thật về thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không làm
tròn trọng trách người “công bộc”/“đầy tớ” của nhân dân, Nghị quyết Trung ương
4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã nêu rõ: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong
đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện
quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở…Tình trạng suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng
viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn;
tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên
có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Đồng thời, Nghị quyết cũng chỉ ra 9 biểu hiện
suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9
biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thời gian qua, ở một số địa phương, hệ thống chính trị
mất sức chiến đấu, thậm chí bị vô hiệu hóa. Một trong những lý do của thực trạng
này là vì một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; trong đó, có cả lãnh đạo cấp
cao, miệng thì nói “dân chủ” nhưng làm việc thì họ theo lối “quan chủ”; miệng
thì nói phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân nhưng hành động thì trái với lợi ích
của quần chúng. Họ không chỉ mắc các chứng bệnh chủ quan, quan liêu, thiếu
trách nhiệm và vô cảm trước những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của nhân dân mà
còn say sưa với lợi ích nhóm, kéo bè kéo cánh để mưu cầu “một người làm quan, cả
họ được nhờ”. Những vi phạm của họ, sự suy thoái của họ đã để lại hậu quả
nghiêm trọng, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu
tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII
(12/10/2019): “Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70
cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý. Trong đó có 1 đồng chí Uỷ viên Bộ
Chính trị và 4 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, 14 đồng chí nguyên Uỷ
viên Trung ương Đảng, 1 đồng chí nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 đồng chí Bộ
trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, 5 đồng chí nguyên Bí thư
Tỉnh ủy và 17 đồng chí là tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Thật
là đau xót, nhưng nói như Tổng bí thư là: “Không thể không làm, không có cách
nào khác! Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta”.
Mỗi cán bộ, Đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu để trở thành người cán bộ vừa hồng, vừa chuyên
Trả lờiXóaMỗi cán bộ, đảng viên hãy là những tấm gương sáng trong chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật
Trả lờiXóa