Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình trí thức.
Thân sinh của Người là cụ Nguyễn Sinh Sắc, đỗ Phó bảng năm Tân Sửu niên hiệu
Thành Thái thứ 13 (năm 1901). Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một trí thức
vì Người đã từng học Trường Quốc học Huế; khi ra đi tìm đường cứu nước, ở Pháp,
Người đã viết thư xin vào học Trường Thuộc địa của Pháp. Sau này, Người cũng đã
từng là nghiên cứu sinh ở Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Mặc
dù con đường học tập bị dang dở do yêu cầu của hoạt động cách mạng, song xét về
mọi khía cạnh và theo những quan niệm hiện nay về trí thức, thì Chủ tịch Hồ Chí
Minh là một trí thức với đúng nghĩa của từ này. Có lẽ vì vậy mà ngay từ khi còn
hoạt động ở nước ngoài cho đến khi về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người
luôn luôn quan tâm đến vấn đề trí thức và trọng dụng trí thức.
Ngay khi nước nhà mới giành được độc lập, để tìm người
tài đức ra gánh vác việc nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Nhân tài và kiến
quốc đăng trên báo Cứu quốc ngày 14-11-1945, với quan điểm: “Kiến thiết cần có
nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn,
khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mặc dù trong bối cảnh đất nước đứng trước vô
vàn khó khăn, thách thức của những công việc cần kíp giải quyết sau ngày độc lập,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc mời các chuyên gia, các nhà khoa học người
Việt Nam và cả nước ngoài về Việt Nam cộng tác, làm việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã đưa ra nguyên lý cần có cho sự phát triển của đất nước sau khi giành được độc
lập, trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo nước ngoài: “Chúng tôi cần có tư
bản, trí thức và lao động... chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản
các nước cộng tác thật thà với chúng tôi”. Cũng trong cuộc trả lời nhà báo
nước ngoài này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu
của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong
cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần
quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực
khổ, chen vai thích cánh với bộ đội nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động
giúp đỡ ở ngoài”.
Ngày 20-11-1946, trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” của
đất nước khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, trên báo
Cứu quốc số 411 đã đăng Thông lệnh Tìm người tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu
đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến,
thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó
tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các
địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những
việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải
nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn
trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”. Phát biểu
trong buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ đảng, dân, chính ở cơ quan trung ương
ngày 6-2-1953, khi có những ý kiến cho rằng Chính phủ không trọng dụng trí thức,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích rõ rằng đó là thành kiến không đúng và Người
cho rằng có một số anh em trí thức cũng hiểu như vậy. Theo Người, suy nghĩ đó
chưa đúng đắn, những đảng cách mạng càng cần trí thức vì: “muốn phát triển văn
hóa thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải cần
thầy thuốc, muốn phát triển kỹ nghệ phải cần các kỹ sư,...”.
Tuy nhiên, Người cũng khẳng định trí thức đáng trọng
phải là trí thức “hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
Mặc dù rất tôn trọng và đánh giá cao vai trò của trí
thức, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà thực hành và lấy hiệu quả công việc
cụ thể làm thước đo, nên Người đề cao và đánh giá những trí thức thực học, thực
nghiệp, tức là người có những đóng góp thiết thực, cụ thể cho đất nước, cho
nhân dân và cho xã hội bằng những sáng kiến, công trình. Trong tác phẩm “Sửa đổi
lối làm việc”, Người khẳng định: “Trí thức là hiểu biết... Một người học xong đại
học, có thể gọi là trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công,
không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực
tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí
thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức
hoàn toàn, thì phải biết đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định việc dùng nhân
tài không nên quá khắt khe, miễn họ có lòng trung thành với Tổ quốc, không phản
bội lại quyền lợi nhân dân là có thể dùng được. Người cho rằng những người “tài
to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì,
ta đặt ngay vào việc ấy”. Người còn căn dặn có rất nhiều nhân tài ngoài Đảng
và chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với
họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp
ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước.
Tư tưởng trọng dụng nhân tài, trọng dụng trí thức của
Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét nhất trong bản Chương trình của Mặt trận Việt
Minh. Theo đó, Việt Nam độc lập đồng minh: “Chủ trương liên hiệp hết thảy các tầng
lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai
cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ
sở... Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ
nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”(9). Đã có rất nhiều những câu chuyện sống
động nổi tiếng trong việc thu phục trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành
những bài học cho mai sau. Ngay sau khi vua Bảo Đại thoái vị, ông đã được Chủ tịch
Hồ Chí Minh mời làm cố vấn tối cao của Chính phủ, được giới thiệu ứng cử Đại biểu
Quốc hội tại đơn vị bầu cử tỉnh Thanh Hóa và được chỉ định là thành viên Ban Soạn
thảo Hiến pháp khóa I. Chúng ta đều biết, Bảo Đại đã học hầu hết các trường ở
Pháp, trong đó có Trường Khoa học Chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ Huỳnh
Thúc Kháng - một vị trí thức nổi tiếng, mặc dù năm ấy đã 70 tuổi, từng đậu Giải
nguyên kỳ thi hương năm Canh Tý (1900) và được xưng tụng là một trong Tứ tuyệt
của đất Quảng Nam xưa, một con người mà chức vụ không thể lung lay, uy dũng
không thể khuất phục, tiền bạc không thể mua chuộc, ra làm việc cho Chính phủ.
Sau hai lần mời, cụ Huỳnh đã nhận lời ra Hà Nội nhưng ra “để xem Hồ Chí Minh
làm như thế nào rồi sẽ trở về”. Khi ra Hà Nội, trước sức hút của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, cụ Huỳnh đã ở lại nhận lời làm Bộ trưởng Nội vụ. Trong buổi trình diện
các thành viên Chính phủ trước Quốc hội ngày 2-3-1946, Chủ tịch Chính phủ Hồ
Chí Minh đã dành những lời lẽ tốt đẹp nhất để giới thiệu về cụ Huỳnh trước Quốc
hội. Khi lên đường thăm Pháp năm 1946, dù có rất nhiều những người thân tín,
nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định trao Quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh.
Khi trao cho cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không
dặn gì, vì vậy, khi tiễn Người ở sân bay Gia Lâm sang Pháp, cụ Huỳnh đã hỏi Chủ
tịch Hồ Chí Minh: Cụ đi dài ngày như vậy, việc nước bộn bề giao cho tôi mà cụ
không dặn lại điều gì tôi cũng thấy lo lo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời cụ
Huỳnh: Xin Cụ ở nhà hãy “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Trong bối cảnh “nước sôi lửa
bỏng” và Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp dài ngày như vậy, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh
Thúc Kháng đã hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng
và giao phó. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng của Hồ Chí
Minh đối với những trí thức lớn luôn toàn tâm, toàn ý vì đất nước, dân tộc và
nhân dân mà còn khắc họa rõ nét nhất tư tưởng Hồ Chí Minh về sử dụng trí thức:
Đã dùng thì phải tin, phải tin mới dùng.
Tư tưởng này sau đó cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh
thể hiện trong trường hợp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông trước hết là một trí thức
vì đã từng làm Báo Tiếng Dân ở Huế với cụ Huỳnh, ông là giáo sư sử học Trường
Thăng Long. Khi nhận nhiệm vụ Tổng tư lệnh và đi chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại
tướng Võ Nguyên Giáp có hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách ứng xử khi gặp vấn đề
khó khăn và đã được trả lời: Chú là tướng ở ngoài mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”,
nghĩa là được trao quyền quyết định tuyệt đối. Vì sự tin tưởng tuyệt đối này từ
Chủ tịch Hồ Chí Minh nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định lịch sử
mà sau này ông gọi là quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của ông: Kéo
pháo ra chuẩn bị lại rồi mới kéo vào, gắn với chuyển từ phương châm Đánh nhanh
thắng nhanh sang Đánh chắc tiến chắc, qua đó tiết kiệm biết bao xương máu của
chiến sĩ, bảo đảm cho chiến thắng cuối cùng.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, rất nhiều quan lại, trí
thức của triều đình phong kiến đi theo cách mạng, như các vị Bùi Bằng Đoàn (Thượng
thư Bộ Hình triều Nguyễn); Phan Kế Toại (Khâm sai đại thần Bắc Bộ của Chính phủ
Trần Trọng Kim); Phạm Khắc Hòe (Đổng lý Ngự tiền đức vua Bảo Đại); Tham tri Đặng
Văn Hướng; Vi Văn Định (cựu Tổng đốc Thái Bình); Hồ Đắc Điềm (cựu Tổng đốc Hà
Đông); cụ Ưng Úy, thành viên hoàng tộc Nhà Nguyễn, thuộc hàng cha chú vua Khải
Định; nhà Hán học nổi tiếng Bùi Kỷ; Phan Anh (Tổng trưởng Thanh niên Chính phủ
Trần Trọng Kim)... Khi Ủy ban Dân tộc giải phóng tự cải tổ thành Chính phủ Lâm
thời, ngoài những thành viên của Việt Minh, còn có những bộ trưởng là người
không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, như Bộ trưởng Thanh niên
Dương Đức Hiền (Đảng Dân chủ), Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà (một
người công giáo không đảng phái), Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Đào Trọng
Kim (không đảng phái), Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố (không đảng
phái)...
Trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được lập ra ngày
2-3-1946, những đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản Đông Dương đã tự rút lui để
nhường lại các ghế bộ trưởng cho các thành viên các chính đảng khác, cho các
nhân sĩ, trí thức nổi tiếng vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Việt Minh chỉ nắm
4 ghế là Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Giáo dục Đặng Thai Mai, Bộ
trưởng Tài chính Lê Văn Hiến và Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội Võ Nguyên
Giáp. Còn lại tất cả các chức vụ khác đều do các nhân sĩ trí thức hoặc của các
chính đảng khác nắm, như Phó Chủ tịch Chính phủ Nguyễn Hải Thần (Việt Cách), cụ
Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nhân sĩ không đảng phái); Bộ trưởng Bộ
Ngoại giao Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh, Việt Quốc)... Quốc hội cũng
thành lập Cố vấn đoàn do Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy (tức cựu hoàng Bảo Đại) đảm
nhiệm và Giám mục Lê Hữu Từ là thành viên.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, theo đề nghị của Bộ
trưởng Nội vụ, sau khi tham khảo ý kiến nhiều nhân sĩ, trí thức, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết (gồm 50 thành viên
là các trí thức, nhân sĩ nổi tiếng, các bộ trưởng và thứ trưởng) để nghiên cứu
một kế hoạch kiến thiết quốc gia và dự thảo những đề án kiến thiết đệ trình lên
Chính phủ. Rất nhiều các trí thức Tây học nổi tiếng đã từ bỏ cuộc sống giàu
sang, phú quý nơi trời Tây hoặc hoàn cảnh sung sướng trong nước để tham gia
kháng chiến, kiến quốc, như Trần Đại Nghĩa, Võ Đình Quỳnh, Võ Quý Huân, Trần Hữu
Tước, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn
Huyên, linh mục Phạm Bá Trực, cụ Cao Triều Phát...
Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được
bầu ra ngày 6-1-1946 có rất nhiều các vị đại biểu là những trí thức nổi tiếng.
Khi ấy, Hà Nội có 7 đại biểu, ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh, 6 người khác còn lại
đều là các trí thức nổi tiếng: Hoàng Văn Đức, Vũ Đình Hòe, Trần Duy Hưng, Nguyễn
Văn Luyện, Nguyễn Thị Thục Viên, Chu Bá Phượng. Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn có
5 đại biểu cũng gồm những nhân sĩ, trí thức: Huỳnh Văn Tiểng, Lý Chính Thắng,
Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Trấn, Hoàng Đôn Văn. Ngoài ra, còn hàng loạt các tên
tuổi trí thức nổi tiếng khác, như Lê Trung Đình (Thái Nguyên); Dương Đức Hiền,
Nguyễn Huy Tưởng (Bắc Ninh); Đào Trọng Kim, Khuất Duy Tiến (Sơn Tây); Cù Huy Cận,
Đỗ Đức Dục, Nguyễn Đỗ Cung, Bùi Bằng Đoàn, Hoàng Minh Giám, Hoàng Tích Trí (Hà
Đông); Ngô Xuân Diệu (nhà thơ Xuân Diệu - Hải Dương); Bồ Xuân Luật, Nguyễn Mạnh
Hà (Hưng Yên); Y Ngông Niê Kdăm (Đắk Lắk); Huỳnh Tấn Phát (Mỹ Tho); Phạm Văn Bạch
(Bến Tre); Nguyễn Văn Hưởng (Long Xuyên); Trần Công Tường (Gò Công); Cao Triều
Phát (Bạc Liêu)... Có thể khẳng định rằng, mặc dù khi người Pháp đô hộ, phần đông
dân số Việt Nam mù chữ và mới chỉ thoát mù sau Bình dân học vụ của Chính phủ mới,
nhưng Quốc hội khóa I đã quy tụ được đông đảo giới trí thức trong cả nước.
Nếu chúng ta không biết trọng dụng đội ngũ trí thức thì chúng ta sẽ bị chảy máu chất xám; điều đó ảnh hưởng rất lớn đến xây dựng và phát triển đất nước
Trả lờiXóaTư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi toả sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo
Trả lờiXóa