Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

SỰ LỰA CHỌN DUY NHẤT ĐÚNG CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN

Quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn bám sát và thể hiện rõ tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Trên cơ sở tiếp thu lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, ngay trong những văn kiện đầu tiên, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thống nhất tính chất cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản, gắn giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân lao động, với toàn thể dân tộc bị nô lệ. Trong Chánh cương của Đảng do Hồ Chí Minh khởi thảo cũng xác định nhiệm vụ, mục tiêu của cách mạng Việt Nam “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là của Đảng là: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”. Điều đó, toát lên tư tưởng lớn là cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu đi tới cách mạng XHCN, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tổ chức vào tháng 5-1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”.  Khi thời cơ tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đến, Hồ Chí Minh khẳng định: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Lời Người đã thể hiện ý chí sắt đá của Đảng, quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam.
Trong Tuyên ngôn độc lập công bố ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Và Người khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, hoàn cảnh đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”. Nguy hiểm nhất là giặc ngoại xâm, nội phản rình rập, đặc biệt là thực dân Pháp ngày càng lộ rõ ý đồ trở lại xâm chiếm Việt Nam, Đảng ta đề ra đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Thực chất đó là sự cụ thể hóa tư tưởng của Người về độc lập dân tộc gắn với CNXH vào hoàn cảnh cụ thể. Đường lối ấy là phù hợp với quy luật phát triển lịch sử dân tộc: dựng nước đi đôi với giữ nước, vừa bảo vệ nền độc lập mới giành được, vừa từng bước xây dựng chế độ xã hội mới.
Sau những nỗ lực đàm phán không thành, năm 1946 cả dân tộc Việt Nam tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tư tưởng đó của Người đã tạo nên chân lý có giá trị lớn nhất cho mọi thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.
Trên cơ sở nắm chắc tình hình đất nước, quy luật và xu thế phát triển của dân tộc, của thời đại, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc gắn với CNXH, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vững vàng chèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt thác ghềnh đến bến bờ thắng lợi. Việt Nam đã kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Sau Hiệp định Giơnevơ (20-7-1954), đất nước Việt Nam tạm thời chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Nhưng với quyết tâm giành độc lập dân tộc mà Hồ Chí Minh đã khẳng định với nhân dân Việt Nam, với lương tri thế giới: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, “Đồng bào Nam Bộ là dân tộc nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi. Dân tộc Việt Nam lại bước vào thời kỳ lịch sử mới, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Độc lập dân tộc và CNXH. Điều này được khẳng định rõ trong lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 17-7-1966: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa,... song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Theo Hồ Chí Minh, độc lập phải đảm bảo cho mọi người dân cơm no, áo ấm, hạnh phúc. Ước mơ, hoài bão, lý tưởng và ham muốn tột bậc của Người là đấu tranh cho dân tộc được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết, là nền tảng để đi lên CNXH. Khát vọng độc lập dân tộc đã hun đúc thành chủ nghĩa dân tộc chân chính của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xem đó là động lực to lớn của đất nước. Sức mạnh của yếu tố dân tộc không chỉ là sức mạnh tự có mà còn phụ thuộc vào sự kết hợp với CNXH. Vì thế, suốt cuộc đời hoạt động của mình, Người luôn phấn đấu cho hoài bão, lý tưởng ấy. Sự kết hợp giữa độc lập dân tộc với CNXH có ý nghĩa quyết định thành công của cách mạng Việt Nam. CNXH là mục tiêu hướng tới, là cơ sở đảm bảo cho sự vững chắc của độc lập dân tộc. Theo đó, sau khi giành được độc lập, cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng XHCN thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Bởi lẽ có tiến lên CNXH thì nhân dân mới ngày càng ấm no, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh.
Dưới góc nhìn một chế độ hoàn chỉnh, Hồ Chí Minh cho rằng CNXH là làm cho nhân dân thoát khỏi nạn bần cùng, mọi người ai cũng có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc. Mục tiêu của CNXH là giải phóng nhân dân lao động khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Còn dưới góc nhìn từng mặt cụ thể thì nhiệm vụ quan trọng nhất của CNXH theo Người là phát triển sản xuất. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn nhắc Đảng và Chính phủ phải quan tâm đến hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người còn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Nhìn một cách khái quát, Hồ Chí Minh nhấn mạnh CNXH trên các phương diện là một chế độ chính trị do nhân dân lao động là chủ và làm chủ; là một chế độ có nền kinh tế phát triển cao, gắn liền với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật; không còn chế độ người bóc lột người; xã hội phát triển cao về văn hóa và đạo đức; có quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, bám sát tình hình thực tiễn đất nước, xác định rõ vai trò, vị trí của cách mạng mỗi miền, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Thực chất đây chính là sự cụ thể hóa mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa nhiệm vụ dân tộc, dân chủ với CNXH.
Có thể nói, trong kháng chiến, Hồ Chí Minh là hiện thân cho ý chí, quyết tâm cao độ của toàn dân tộc trong việc bảo vệ giá trị thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Không chỉ xác định chủ trương, đường lối, Người còn có những chỉ dẫn hết sức khoa học về từng bước đi để thực hiện đường lối tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH ở miền Bắc Việt Nam và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Tin tưởng tuyệt đối, quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo những quan điểm, tư tưởng ấy, sau khi Người qua đời (2-9-1969), với lòng tiếc thương vô hạn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã biến đau thương thành hành động cách mạng giành nhiều thắng lợi to lớn trong xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam. Bằng cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và CNXH.
Một trong những nhân tố rất quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đó là khát vọng cháy bỏng về độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước, cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc của cả dân tộc Việt Nam. Chính khát vọng thiêng liêng ấy là chất keo kết dính tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 Sau khi nước nhà thống nhất, cả dân tộc ta bước vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Đảng ta khẳng định: “Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, khi cả nước làm một nhiệm vụ chiến lược hoặc làm hai nhiệm vụ chiến lược, Đảng ta từ khi ra đời đến nay vẫn luôn luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đó là đường lối, là sức mạnh, là nguồn gốc mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Trước những chuyển biến mới của tình hình thế giới và yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, Đảng ta xác định: “Toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nắm vững ngọn cờ độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau”.
Trong gần 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Những thành tựu to lớn đó tiếp tục khẳng định bản chất cách mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH nói riêng; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo. Những thành quả ấy là tiền đề quan trọng, tạo nguồn động lực mạnh mẽ để chúng ta tiếp tục đổi mới, đưa đất nước phát triển.
Trong điều kiện mới, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH đang bị chi phối, tác động bởi nhiều yếu tố. Nhưng Đảng ta luôn trung thành và vận dụng đúng đắn, sáng tạo Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; tận dụng triệt để những thời cơ và vận hội, bằng kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo cách mạnh hơn 90 năm qua để vững vàng chèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam tiến lên tiếp tục giành nhiều thắng lợi to lớn.. Các thế lực thù địch, phản động dù có dùng âm mưu, thủ đoạn và chiêu trò gì đi chăng nữa cũng không thể phủ nhận được bản chất con đường độc lập dân tộc gắn với CNXH. Nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh phản bác những giọng điệu lạc lõng hòng bôi xấu lãnh tụ Hồ Chí Minh, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bất luận hoàn cảnh nào,  độc lập dân tộc đi lên CNXH vẫn là nhu cầu sống còn, là sự lựa chọn duy nhất đúng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

2 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nhận thức được rằng; nếu không có Đảng CSVN thì chúng ta không thể chiến thắng được tất cả bọn giặc ngoại xâm và phát triển đất nước được như ngày hôm nay

    Trả lờiXóa
  2. Đảng ta luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đó là đường lối lãnh đạo đúng đắn; do đó đã đưa đất nước phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay

    Trả lờiXóa