Thực tiễn phát triển của thế giới đã chứng minh rằng,
không phải tài nguyên thiên nhiên mà tri thức mới là nguồn của cải giá trị nhất
thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang
bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vai trò của tri thức và vị trí
của đội ngũ trí thức vẫn sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển mọi mặt
của đất nước. Để tập hợp, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức theo tư tưởng Hồ
Chí Minh trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, đòi hỏi sự nỗ lực của Đảng,
Nhà nước và từ chính tầng lớp trí thức. Ở đây chúng tôi chỉ xin đề xuất một số
giải pháp từ phía chủ thể, tức từ phía Đảng và Nhà nước.
Một là, quán triệt đầy đủ, sâu sắc tư tưởng Hồ Chí
Minh cho cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu, những người giữ trọng
trách cao trong bộ máy của Đảng và Nhà nước để thấm nhuần quan điểm sử dụng người
tài, quan điểm về sử dụng trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Học tập và
làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay, cần lựa chọn, biên
soạn và quy định toàn quốc triển khai chuyên đề về nội dung này. Các cơ quan của
Đảng, Nhà nước cần chân thành lắng nghe các ý kiến phản biện của các trí thức về
các vấn đề quốc kế dân sinh, miễn không phản bội, đi ngược lại quyền lợi tối
thượng của quốc gia, dân tộc. Củng cố, phát triển, đổi mới nội dung, phương thức
hoạt động của các tổ chức thành viên Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt
Nam, Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam từ Trung ương đến địa
phương, tạo môi trường thật sự dân chủ, lành mạnh phát huy năng lực sáng tạo và
nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ trí thức.
Hai là, các cơ quan nhà nước các cấp cần phải cụ thể
hóa nhanh chóng đưa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về trí thức
vào cuộc sống, như Kết luận số 86-KL/TW, ngày 24-01-2014, của Bộ Chính trị, Về
chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ
khoa học trẻ; Quyết định số 418/QĐ-TTg, ngày 11-4-2012, của Thủ tướng Chính phủ,
Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020...
Nghiên cứu, ban hành các quy định bảo đảm môi trường dân chủ và tự do học thuật.
Sửa đổi, quy định các tiêu chí cụ thể để tuyển chọn, đánh giá, sử dụng đội ngũ
trí thức; tôn vinh xứng đáng các trí thức có đóng góp thiết thực cho cộng đồng,
xã hội.
Ba là, đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ
trí thức. Trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, đào tạo trong công tác đào
tạo để họ tự chịu trách nhiệm về uy tín và sản phẩm của mình. Siết chặt công
tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; nghiên cứu tiến tới giao quyền cho các cơ sở giáo
dục và đào tạo trong việc phong học hàm giáo sư, phó giáo sư, để cho xã hội tự
đánh giá chất lượng giáo sư, phó giáo sư của các trường; tiến tới xóa bỏ việc
coi các học hàm này có giá trị suốt đời. Nhà nước cần đầu tư ngân sách, tuyển
chọn nhiều hơn nữa học sinh, sinh viên và cả thạc sĩ, tiến sĩ gửi đi đào tạo, bồi
dưỡng ở nước ngoài. Chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách để đội ngũ trí thức
phát triển bằng chính phẩm chất, tài năng; sống được bằng nghề; được trả công xứng
đáng từ sáng tạo và đóng góp của mình.
Bốn là, thu hút và trọng dụng trí thức là người Việt
Nam ở nước ngoài. Hiện nay, người Việt Nam hiện đang sinh sống ở gần 100 quốc
gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong số người Việt Nam sinh sống ở nước
ngoài, có khoảng hơn 400.000 người có trình độ cao, trong đó có tới hơn 6.000
tiến sĩ và hàng trăm trí thức tên tuổi được đánh giá cao. Rất nhiều trí thức
người Việt ở nước ngoài hiện rất tâm huyết và mong muốn đóng góp cho đất nước.
Vì vậy, các cơ quan có trách nhiệm cần nhanh chóng cụ thể hóa, sửa đổi các
chính sách để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đội ngũ trí thức người Việt Nam ở
nước ngoài, như các chính sách về quốc tịch, nhà ở, đặc biệt là môi trường làm
việc...
Năm là, mở các diễn đàn để lắng nghe trí thức góp ý,
tránh thành kiến, chụp mũ. Ngày 28-7-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành
lập Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng bao gồm 15 thành viên, với nhiệm vụ tư vấn
cho Thủ tướng các vấn đề về phát triển kinh tế. Các thành viên Tổ tư vấn, ngoài
các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước còn có 5 thành viên là các chuyên
gia kinh tế từ các nước Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Xin-ga-po. Đây có thể xem là hình
thức quy tụ trí thức để lắng nghe ý kiến tư vấn. Tuy nhiên, các thành viên Tổ
tư vấn kinh tế này chủ yếu tư vấn về các vấn đề phát triển kinh tế. Đất nước Việt
Nam hôm nay cần phát triển kinh tế nhưng cũng cần chấn hưng các mặt văn hóa -
xã hội và tất cả các lĩnh vực khác. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần thành lập một
Hội đồng quốc gia để tư vấn cho Đảng, Nhà nước về mọi lĩnh vực. Tất nhiên, Hội
đồng này không phải là một cơ quan quyền lực mà là cơ quan tư vấn. Hội đồng
này, theo chúng tôi, ít nhất phải từ 50 thành viên trở lên và nhiều nhất không
quá 100 thành viên. Thành viên của Hội đồng phải là những trí thức nổi tiếng là
người Việt Nam ở trong và ngoài nước không phân biệt dân tộc, tôn giáo, trong Đảng
hay ngoài Đảng./.
Tất cả mọi lời dạy của Bác Hồ còn giữ nguyên giá trị, chúng ta phải luôn ghi nhớ và thực hiện thật tốt.
Trả lờiXóaBài viết rất hay
Trả lờiXóa