Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC BẢN CHẤT CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC CỦA NHÂN DÂN TA

Nhằm hạ thấp ý nghĩa và giá trị của Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Nhưng sự thật lịch sử luôn rõ ràng và chỉ có một, không thế lực nào có thể xuyên tạc.
Như đã thành thông lệ, từ sau năm 1975, vào dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng 30 tháng 4 hằng năm, khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng sự kiện lịch sử trọng đại này của đất nước, thì một số đài, báo và các trang mạng nước ngoài, vốn không có thiện cảm với chế độ chính trị hiện nay ở Việt Nam lại tổ chức các bài viết, bài phỏng vấn những kẻ chống cộng cực đoan ở hải ngoại, hoặc một vài kẻ “trở cờ” ở trong nước, để phủ nhận giá trị ngày 30/4/1975 – Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như xuyên tạc bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Lợi dụng ở trong nước xuất bản và phát hành bộ sách Lịch sử mới (vào tháng 8/2017) gồm 15 tập, trong đó không còn gọi quân đội Sài Gòn là “ngụy quân” và chính quyền Sài Gòn là “ngụy quyền”, những đối tượng nói trên ra sức xuyên tạc bản chất cuộc chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975. Họ cho rằng “đây chỉ là cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn”, mà ở đó “miền Bắc xâm lược miền Nam”(!).
Cần khẳng định ngay rằng, cái lý sự cho rằng cuộc chiến tranh ở Việt Nam là “cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn”, mà “bên thắng cuộc” là miền Bắc, còn “bên thua cuộc” là miền Nam, chỉ là thứ “lý sự cùn” của vài nhóm chống cộng nào đó, do ôm hận vì không còn được tận hưởng danh phận của kẻ làm tay sai cho ngoại bang, vẫn lập luận nhằm hạ thấp giá trị Chiến thắng 30/4/1975 của dân tộc Việt Nam và ngụy biện cho quãng đời làm tay sai cho ông chủ Mỹ. Điều đó không lòe bịp được những người có lương tri, tôn trọng sự thật.
Sự thật là, những dính líu của đế quốc Mỹ vào Việt Nam đã sớm xuất hiện từ những năm 50 của thế kỷ XX. Đến năm 1954, họ đã viện trợ tới 78% chi phí chiến tranh của người Pháp ở Đông Dương; thậm chí Mỹ còn phác họa một kế hoạch ném bom nguyên tử xuống lòng chảo Điện Biên Phủ, nhằm cứu vãn sự thất bại khó tránh khỏi của thực dân Pháp. Khi không thành công trong việc dính líu gián tiếp, thì đế quốc Mỹ đã hất cẳng Pháp, lựa chọn giải pháp trực tiếp can thiệp xâm lược Việt Nam. Để thực hiện âm mưu đó, đại diện Chính phủ Mỹ đã không ký Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève về lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương (tháng 7/1954), dựa vào đó để họ không chấp nhận các điều khoản của Hiệp định Genève, xúc tiến kế hoạch “hất cẳng” Pháp, xâm chiếm miền Nam Việt Nam bằng chính sách thực dân mới. Tuy nhiên, trước thế và lực của chính quyền Sài Gòn (do Mỹ dựng lên) suy yếu đến mức không thể cứu vãn được nữa, thì từ những năm 60 của thế kỷ XX, Mỹ đã chính thức nhảy vào cuộc, với các chiến lược chiến tranh lần lượt được Nhà trắng áp dụng, là: Chiến tranh đặc biệt (1961 - 1965), Chiến tranh cục bộ (1965 - 1966) và Việt Nam hóa chiến tranh (1969 - 1973). Cùng với các chiến lược chiến tranh đó, đế quốc Mỹ còn phiêu lưu thực hiện chiến dịch vô nhân tính ném bom hủy diệt Thủ đô Hà Nội và miền Bắc Việt Nam bằng siêu pháo đài bay B.52, hòng đưa Hà Nội và miền Bắc Việt Nam “trở về thời kỳ đồ đá”. Để thực hiện các chiến lược chiến tranh đó, đế quốc Mỹ đã sử dụng trên 8 triệu tấn bom đạn, gần 80 triệu lít chất độc hóa học cùng những loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất lúc bấy giờ (trừ bom hạt nhân) và một lực lượng đông đảo quân viễn chinh (gồm quân Mỹ và quân của một số nước đồng minh). Riêng nước Mỹ, đã phải huy động tới 70% biên chế lục quân, 60% số lính thủy đánh bộ, 40% biên chế hải quân và 60% biên chế không quân, cùng với 22.000 xí nghiệp trên đất Mỹ. Số quân Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam có lúc cao nhất đã lên đến hơn nửa triệu người; còn số thanh niên Mỹ trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã lên tới 6,5 triệu lượt người.
Những con số trên cho thấy đây không phải là cuộc chiến của những người Việt Nam với nhau. Nhiều học giả phương Tây và chính khách Hoa Kỳ cũng thừa nhận đây là cuộc chiến của người Mỹ xâm lược Việt Nam và người Việt Nam chống lại sự xâm lược của người Mỹ. Trong cuốn sách Chiến tranh Việt Nam và văn hóa Mỹ (xuất bản năm 1991 tại Mỹ), tác giả John Carlos Rowe và Rick Berg thẳng thắn chỉ ra: “Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xâm lăng với nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại trên khắp Đông Dương”3. Năm 2009, học giả John Prados (thuộc cục Lưu trữ an ninh quốc gia và Đại học G.Oasinhtơn) cho ra mắt độc giả Mỹ cuốn Lịch sử một cuộc chiến không thể thắng 1945 - 1975, cũng thừa nhận: cuộc chiến này, đối với người Mỹ là một sai lầm và không thể chiến thắng. Trong một cuộc họp báo ngay sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ, Heinz Alfred Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ thừa nhận: “Chúng ta đã sai lầm khi biến Việt Nam thành một nơi thí nghiệm chính sách của chúng ta chứ không phải đối với chính sách của người Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, có lẽ việc đưa các lực lượng quân sự Mỹ vào Việt Nam là biện pháp giải quyết tồi nhất, vì điều đó có nghĩa là đưa một yếu tố ngoại lai vào”. Còn tướng Maxwell D.Taylor, trước sự tiến công như vũ bão của quân Giải phóng miền Nam dọc ven biển miền Trung vào thượng tuần tháng 4 năm 1975, đã phải thốt lên rằng: “Tôi không thể giải thích nổi cuộc thảm bại của chúng ta. Đây là một trận Oa-téc-lô của Mỹ”. Sau ngày 30 tháng 4, ông này còn nói thêm: “Tất cả chúng ta đều góp phần của mình vào thất bại của Mỹ ở Việt Nam. Thật chẳng có gì là tốt đẹp cả”. Cố giáo sư Trần Chung Ngọc - cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hòa (người định cư ở Mỹ sau sự kiện 30/4/1975) đã thẳng thắn chỉ ra: “Ngày nay, lịch sử đã rõ ràng. Nhiều hồ sơ mật về cuộc chiến đã được giải mật. Với những hiểu biết mới về cuộc chiến thì chúng ta đã rõ, cuộc chiến trước 1954 là cuộc chiến chống xâm lăng của thực dân Pháp toan tính tái lập nền đô hộ trên đầu dân Việt Nam, với sự hỗ trợ về quân cụ, vũ khí rất đáng kể của Mỹ… Còn cuộc chiến hậu Geneva là cuộc chiến chống xâm lăng của Mỹ, Mỹ xâm lăng vì cái thuyết Domino sai lầm… Đây là kết luận của các học giả Tây phương, xét theo những sự kiện lịch sử chứ không xét theo cảm tính phe phái”. Trong một bài viết khác, vị giáo sư này đã vạch trần bộ mặt tay sai của chính quyền Sài Gòn, khi nhấn mạnh: “Ai cũng biết là chế độ Ngô Đình Diệm cũng như miền Nam là do Mỹ dựng lên, không phải do người dân miền Nam bầu chọn hay muốn như vậy… Còn về những chế độ quân phiệt của Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa thì chúng ta hãy đọc vài lời thú nhận của các vị lãnh đạo cao cấp nhất ở miền Nam, như Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: Mỹ còn viện trợ, thì chúng tôi còn chống Cộng. Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập; hay Nguyễn Văn Ngân, phụ tá đặc biệt của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: Miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến chống cộng sản hoàn toàn bị phụ thuộc Hoa Kỳ, chúng ta không ở vào vị thế có thể đặt điều kiện với họ. Quân đội Mỹ muốn đến là đến, muốn đi là đi; hay Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ: “Ông”Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu, làm “kép nhất”. Vì vậy ai cũng cho rằng thực chất đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những kẻ đánh thuê”; còn Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa Cao Văn Viên: Chúng ta không có trách nhiệm chiến tranh(!). Trách nhiệm chiến đấu là của người Mỹ. Chính sách đó do Mỹ đề ra, chúng ta chỉ theo họ mà thôi”.
Những bằng chứng trên cho thấy: là những người trong cuộc, các quan chức cấp cao của chính quyền Sài Gòn còn nhận thức được thân phận làm tay sai cho Mỹ và nhận ra cuộc chiến này là cuộc chiến của người Mỹ chống lại nhân dân Việt Nam, thế mà một số người chống cộng cực đoan lại cố biện hộ cho Mỹ không phải là kẻ xâm lược và xuyên tạc cuộc chiến tranh này là nội chiến thì thật là lố bịch. Cần khẳng định rằng, cuộc chiến từ năm 1954 đến năm 1975 ở Việt Nam là cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Do đó, nếu có “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc” ở đây, thì cần phải nói rằng: toàn thể dân tộc Việt Nam là “bên thắng cuộc” và đế quốc Mỹ là “bên thua cuộc”, đúng như tuyên bố đầy ý nghĩa của cố Thượng tướng Trần Văn Trà trong cuộc gặp giữa ông (khi đó là Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định) với cựu Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh cùng nội các trước khi trả tự do cho họ, ngày 02-5-1975, rằng: “Giữa chúng tôi và các anh, không có ai được, ai thua, chỉ có nhân dân Việt Nam là người chiến thắng”.
Lịch sử cuộc chiến đã lùi xa 45 năm, nhận thức đúng bản chất của cuộc chiến này sẽ cho phép mỗi người dân Việt Nam, dù trước đây đứng ở phía bên nào của cuộc chiến cũng có quyền tự hào về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc; đó cũng chính là một cách để đi tới sự hòa hợp dân tộc được thanh thản nhất. Nhân đây, xin nhắc lại cảm nghĩ của cố giáo sư Trần Chung Ngọc để thay cho lời kết bài viết này: “Có đi du lịch nhiều nơi trên thế giới mới thấy chiến thắng của Việt Nam đã được ngưỡng mộ như thế nào” và “Ngày 30/4/1975 không chỉ có nghĩa là ngày đất nước thống nhất, chủ quyền trở lại tay người Việt Nam, mà còn là ngày người dân Việt Nam, trừ những kẻ có tâm cảnh phi dân tộc hay tiếp tục nuôi dưỡng thù hận, bất kể thuộc chính kiến hay phe phái nào, đều có thể hãnh diện ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt kẻ đối thoại, bất kể họ thuộc lớp người nào, ở địa vị nào, thuộc quốc gia nào”.

2 nhận xét:

  1. Đại thắng mùa Xuân 1975 được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang sử chói lọi nhất, biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

    Trả lờiXóa
  2. Chiến thắng 30/4/1975 là chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đoàn kết của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giá trị lịch sử và thời đại của chiến thắng 30/4 là không thể phủ nhận. Chúng ta cần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh đập tan mọi luận điệu xuyên tạc lịch sử của thế thù địch và các phần tử phản động.

    Trả lờiXóa