Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020

PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

90 năm thực hiện xuyên suốt và nhất quán chiến lược đại đoàn kết dân tộc, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc phù hợp với tình hình, yêu cầu và nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong tiến trình ấy, trên tinh thần “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, nguyên tắc hiệp thương dân chủ được coi là “chìa khóa vạn năng” để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực tế, các cuộc vận động xã hội, các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động và triển khai thực hiện ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Trong đó, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, lá lành đùm lá rách, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ chăm sóc sức khỏe của nhân dân, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác cùng với cuộc vận động xã hội, các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… không chỉ có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng mà còn góp phần làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại đoàn kết là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, gồm Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trong đó, động lực chủ yếu để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hoà các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội. Để khối đại đoàn kết dân tộc được bền chặt, đạt được sự đồng thuận xã hội, đòi hỏi mọi thành viên trong đó phải tôn trọng và hành động theo những nguyên tắc và ý chí chung và mỗi quyết định được thông qua phải là “mẫu số chung”, phản ánh, thể hiện nguyện vọng, lợi ích của toàn xã hội.
Vì thế, để “phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, cần tập trung thực hiện một số giải pháp căn cốt sau:
Một là, các cấp ủy cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và chuyên đề năm 2020 về “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 
Hai là, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân gắn với thực hiện tốt trách nhiệm của công dân, phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí. 
Ba là, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong tham gia xây dựng và hoàn thiện một số chính sách để củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, tổ chức động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hoá - xã hội; trong đó, mỗi người, mỗi gia đình cố gắng phấn đấu làm giàu cho mình, cho cộng đồng. 
Năm là, nắm bắt kịp thời để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và nỗ lực chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân. Tôn trọng và phát huy vai trò gương mẫu, dẫn dắt của những người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng dân cư, các dân tộc, tôn giáo; bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích của tập thể và toàn xã hội. 

2 nhận xét:

  1. Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt nam XHCN thì chúng ta phải phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc

    Trả lờiXóa
  2. Đoàn kết sẽ mang lại sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc

    Trả lờiXóa