Việc bệnh nhân 1440 mắc
Covid-19 “xuyên” qua nhiều nước Đông Nam Á, nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối
mở vào Việt Nam, cho thấy việc kiểm soát đường biên có nơi vẫn còn sơ hở.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế
Nguyễn Thanh Long, để lọt 1 - 2 trường hợp nhập cảnh trái phép, nguy cơ gây ra
hậu quả khôn lường. “Các trường hợp nhập cảnh trái phép ở biên giới là điều rất
quan ngại trong kiểm soát dịch. Đề nghị các tỉnh, đặc biệt tỉnh có vùng biên, hết
sức quan tâm, kiểm soát chặt”, ông Long đề nghị.
Tăng cường kiểm soát các
“điểm nóng”
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia
phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ), mỗi ngày có khoảng 100 - 150 trường hợp nhập
cảnh trái phép ở biên giới, là yếu tố rất khó khăn cho kiểm soát, phòng chống dịch
Covid-19. Từ Tết Nguyên đán 2020 đến nay các lực lượng đã duy trì 1.600 điểm chốt
ở các vùng biên kiểm soát nhập cảnh trái phép, và việc này tiếp tục được tăng
cường để bảo đảm chốt chặn.
“Nguy cơ dịch bệnh do nhập
cảnh trái phép này quá hiển hiện, ai cũng thấy rõ. Vì nhập cảnh trái phép nếu
là ca dương tính sẽ là yếu tố mầm bệnh xâm nhập. Bản thân họ đi lại không kiểm
soát, còn làm lây lan dịch trong cộng đồng. Do đó, nhập cảnh trái phép cần được
kiểm soát chặt, xử lý nghiêm; và khuyến khích người dân phát hiện, thông báo với
cơ quan chức năng”, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế),
nhấn mạnh.
Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó
chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng, đánh giá “nóng” nhất hiện giờ là tuyến
biên giới tây nam, khi dịch Covid-19 ở Campuchia, Thái Lan đang diễn biến phức
tạp. Điều này cũng khiến Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên
phòng rất lo lắng. Người Việt Nam lao động ở các quốc gia này cũng đang tìm
cách trở về nước, trong khi đường biên giới tây nam chủ yếu là đồng bằng, 2 bên
biên giới đều có nhà dân nên việc kiểm soát xuất nhập cảnh trái phép vô cùng
khó khăn. “Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có chủ trương và đã chính thức phát lệnh,
sẵn sàng điều động lực lượng biên phòng ở các tuyến duyên hải, ven biển tăng cường
cho khu vực biên giới tây nam, mục tiêu là kiểm soát chặt chẽ, triệt để ngăn chặn
nhập cảnh trái phép”, đại tá Quế nói.
Đại tá Nguyễn Phi Khanh,
Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Lào Cai, cho biết toàn tỉnh Lào Cai có trên
186 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Trong khoảng hơn 1 tháng gần
đây, lực lượng biên phòng không còn phát hiện các đường dây tổ chức xuất nhập cảnh
trái phép, nhưng để ứng phó với diễn biến mới, lực lượng vẫn đang duy trì 54 điểm
chốt kiểm soát ở các đường biên, đường mòn biên giới với chế độ trực 24/24 giờ.
Còn tại Quảng Ninh, theo
Bộ đội biên phòng tỉnh, hiện đơn vị đang duy trì 90 chốt cố định, 8 tổ công tác
lưu động với trên 500 cán bộ, chiến sĩ thường trực 24/24 giờ dọc 200 km biên giới
Việt - Trung trên địa bàn, nhằm kiểm soát chặt tất cả trường hợp nhập cảnh, để
vừa đảm bảo chống dịch, vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế.
“Vẫn phức tạp”
Tây Ninh có đường biên giới
dài 240 km, tiếp giáp 3 tỉnh Vương quốc Campuchia với 16 cửa khẩu (trong đó 3 cửa
khẩu quốc tế) và nhiều đường mòn, lối mở, địa hình bằng phẳng, thuận tiện qua lại.
Tây Ninh được xem là địa bàn trọng điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 xâm nhập,
nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Ngày 27.12, Chủ tịch UBND
tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết UBND tỉnh đã họp khẩn ngay sau khi có
thông tin bệnh nhân 1440 bước đầu khai nhập cảnh trái phép qua cửa khẩu Mộc Bài
(Tây Ninh). Theo ông Ngọc, từ nay đến Tết Nguyên đán, lượng người nhập cảnh
trái phép có thể tăng cao, do người Việt Nam ở nước ngoài về ăn tết đi qua đường
biên giới Campuchia về Việt Nam. Hiện Tây Ninh đã đề nghị các lực lượng trên
tuyến biên giới rà soát lại toàn bộ các khu vực có nguy cơ các đối tượng nhập cảnh
trái phép thẩm thấu vào, để kiểm soát chặt chẽ.
Với tuyến biên giới dài
khoảng 90 km, Gia Lai tiếp giáp với tỉnh Rattanakiri (Campuchia), đa số là đường
rừng và có hàng trăm đường mòn, lối mở nên việc quản lý, kiểm soát biên giới
còn gặp nhiều khó khăn. Trung tá Bùi Quốc Chính, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa
khẩu quốc tế Lệ Thanh (H.Đức Cơ, Gia Lai), cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng
tôi đã tiếp nhận 1.449 người nhập cảnh từ phía Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Lệ
Thanh, sau đó bàn giao cho Sở Y tế Gia Lai cách ly theo quy định. Bên cạnh đó,
chúng tôi đã phát hiện, bắt giữ 21 vụ với 29 đối tượng nhập cảnh trái phép qua
biên giới”.
Sát Gia Lai, Kon Tum có
trên 150 km đường biên giới với 2 tỉnh Sê Kông và Attapư (Lào), trong đó có nhiều
lối mòn. Đại úy Nguyễn Văn Hoài, Trưởng trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc
tế Bờ Y, cho biết trung bình mỗi ngày có từ 12 - 13 người nhập cảnh vào Việt
Nam qua cửa khẩu Bờ Y. Tất cả những trường hợp này đều phải thực hiện cách ly đủ
14 ngày.
Tại Quảng Trị, dù đặt ra
yêu cầu cao và kiểm soát khá tốt việc nhập cảnh nhiều tháng qua, nhưng ông Nguyễn
Cường, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, cùng nhìn nhận lực lượng
y tế cửa khẩu chỉ có thể kiểm soát được với những người nhập cảnh chính ngạch,
còn đối với người vượt biên, đi chui thì... chịu. “Chúng tôi không đủ nhân lực
nên việc kiểm soát đường mòn do lực lượng biên phòng phụ trách”, ông Cường nói.
Còn đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Trị, cho biết trong thời gian tới, nhất là dịp giáp tết, lực lượng biên phòng địa phương sẽ tiếp tục triển khai quân giám sát chặt hơn nữa đường biên.
Nếu không ngăn chặn được tình trạng vượt biên trái phép thì dịch bệnh sẽ lan tràn
Trả lờiXóaCác trường hợp đưa người nhập cảnh trái phép phải bị xử lý nghiêm khắc
Trả lờiXóa