Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG BIỆN PHÁP HÒA BÌNH

Nhìn nhận về tình hình Biển Đông thời gian qua khi phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao nước ta Bùi Thanh Sơn cho rằng, tình hình vùng biển này vẫn còn nhiều thách thức khó lường, tác động đến hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực, trong đó có các vấn đề nổi cộm như: việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế không phù hợp với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, cạnh tranh địa chính trị nước lớn và quân sự hóa Biển Đông làm tình hình thực địa tiếp tục diễn biến phức tạp, cản trở các tiến trình ngoại giao nhằm nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển ngày càng phức tạp, tác động đến cuộc sống bình yên của hàng triệu người.

Đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế để từ đó tự đưa ra những yêu sách đòi chủ quyền và dùng sức mạnh vượt trội để hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền phi pháp là căn nguyên của tình hình căng thẳng ở Biển Đông lâu nay. Thực thi “ngoại giao pháo hạm” nhằm phô trương sức mạnh quân sự với mục đích đe dọa để đạt được các mục tiêu đối ngoại và buộc quốc gia bị đe dọa phải nhượng bộ quyền lợi trong các vấn đề chủ quyền ở Biển Đông là mối đe dọa nghiêm trọng với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực cũng như thế giới.

Chia sẻ đánh giá chung cho rằng nguy cơ xảy ra đụng độ trên Biển Đông thời gian tới ngày càng lớn do cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng, các học giả tham gia hội thảo đề xuất một số khuyến nghị cho các nước liên quan nhằm phòng tránh đụng độ, giảm thiểu rủi ro như nghiêm chỉnh tuân thủ Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), các nước gia nhập các điều ước, thoả thuận quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro trên biển như COLREG, SUA and SOLAS. Từ năm 2016, Trung Quốc và ASEAN đã ra tuyên bố chung về Quy tắc phòng tránh đụng độ trên biển (CUES), song đến nay CUES vẫn là bộ quy tắc tự nguyện và chỉ áp dụng cho các lực lượng hải quân, do đó các học giả Australia đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng CUES cho cả các lực lượng cảnh sát biển (hải cảnh), chấp pháp dân sự trên biển.

Trong các bài diễn văn quan trọng tại hội thảo, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan và Chuẩn đô đốc Juergen Ehle, Cố vấn cao cấp của Cơ quan đối ngoại Liên minh châu ÂU (EEAS), cùng phản đối các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng khu vực và phá hoại sự ổn định ở Biển Đông. Bộ trưởng Harjit Sajjan phản đối sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, cải tạo đảo trên diện rộng, xây dựng đồn bốt trên các điểm tranh chấp và sử dụng chúng cho các mục đích quân sự ở Biển Đông, đồng thời thúc giục tất cả các bên tuân thủ cam kết phi quân sự hóa các điểm tranh chấp và các cam kết trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ cần sớm hoàn thành đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); không tiến hành các hoạt động đơn phương, cả quân sự và dân sự nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông; tiếp tục đề cao, tôn trọng sự toàn vẹn và giá trị thống nhất, phổ quát của UNCLOS 1982, coi Công ước này là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động trên biển, đồng thời cần tôn trọng quyền lợi hợp pháp căn cứ theo luật pháp quốc tế của các bên liên quan ở Biển Đông. Chỉ có thượng tôn pháp luật, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế mới mang lại hòa bình, ổn định an ninh và hợp tác ở Biển Đông.

2 nhận xét:

  1. Việt Nam đã rất khôn khéo trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biển đảo

    Trả lờiXóa
  2. Trung Quốc luôn ấp ủ âm mưu độc chiếm biển đông và từng bước đang thực hiện âm mưu đó; điều đó đã bị Việt Nam và các nước lên án mạnh mẽ

    Trả lờiXóa