Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

VIỆT NAM THAM GIA LỰC LƯỢNG “MŨ NỒI XANH” – HOÀN THIỆN LUẬT PHÁP CHO MỘT CHỦ TRƯƠNG

Có lẽ đã từ rất lâu mới có một nghị quyết của Quốc hội được thông qua với tỷ lệ tuyệt đối, 100% đại biểu có mặt tham gia biểu quyết (455/455 đại biểu). Đó chính là Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (GGHB LHQ), được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ mười vừa qua.

Kết quả trên đã cho thấy đánh giá cao của đại biểu Quốc hội, cũng như dư luận xã hội đối với tính cần thiết và sự hiệu quả của việc cử các cá nhân, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ. Việc nghị quyết được thông qua đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế, chế độ chính sách cho các đơn vị, quân nhân tham gia hoạt động này. Kết quả trên cũng đã xóa tan những nghi ngại, những xuyên tạc về việc Việt Nam tham gia vào lực lượng "mũ nồi xanh".

Có một số ý kiến thắc mắc: Tại sao Việt Nam lại tham gia lực lượng GGHB LHQ để gây tốn kém ngân sách, mệt nhọc, rủi ro cho lực lượng vũ trang ở nơi đất khách quê người, trong khi ngay trong nước, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm quốc phòng, an ninh thì vẫn còn nhiều nhiệm vụ cần huy động LLVT nhân dân, ví dụ như bão lũ, thiên tai, dịch bệnh ngày càng khắc nghiệt, nhiều vùng tại nước ta vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi di chứng chiến tranh như ô nhiễm bom mìn, chất độc dioxin... Cũng lại có ý kiến vu cáo rằng, việc Việt Nam đưa LLVT ra nước ngoài là tham gia liên minh quân sự, đi xâm lược nước khác. 

Đầu tiên, cần khẳng định rằng, tham gia lực lượng GGHB LHQ với quân phục có chiếc mũ nồi xanh-là tham gia vào nỗ lực toàn cầu, hoàn toàn chính danh, chính nghĩa trong việc bảo vệ hòa bình thế giới. Hoạt động GGHB LHQ ra đời từ năm 1948, là một cơ chế đặc biệt được LHQ giao cho Hội đồng Bảo an LHQ thành lập dưới hình thức các phái bộ nhằm giúp tạo điều kiện chấm dứt xung đột và GGHB, thông qua việc triển khai các lực lượng do các nước thành viên đóng góp đặt dưới sự chỉ huy của LHQ. Trong suốt 72 năm qua, lực lượng "mũ nồi xanh" đã giữ vai trò quan trọng trong việc giám sát các thỏa thuận hòa bình, góp phần ngăn chặn lửa chiến tranh ở nhiều điểm nóng trên thế giới. Đến nay, đã có 125 nước đóng góp quân cho lực lượng "mũ nồi xanh".

Khi tham gia lực lượng GGHB LHQ, Việt Nam vẫn luôn bảo đảm các nguyên tắc trong chiến lược quốc phòng là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Vì vậy, ý kiến vu cáo rằng, Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ là tham gia liên minh quân sự để chiếm đóng nước khác là hoàn toàn sai về bản chất.

Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ theo từng giai đoạn, từng bước thực hiện rất thận trọng, theo khả năng đáp ứng về lực lượng, để hạn chế rủi ro, tiết kiệm tối đa kinh phí bảo đảm. Ngay từ năm 1993, Việt Nam đã lập tổ nghiên cứu các hoạt động GGHB của LHQ và cũng đã có những đóng góp về tài chính cho hoạt động này của LHQ. Hiến pháp năm 2013 đã quy định rằng Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định việc LLVT nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Như vậy, Nghị quyết về tham gia lực lượng GGHB LHQ có căn cứ từ Hiến pháp. Ngày 23-11-2012, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ (gọi tắt là Đề án tổng thể). Ngày 5-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án QĐND Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo. Ngày 30-10-2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Công an nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo. Đây là những chủ trương quan trọng để Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chuẩn bị nguồn lực, đặc biệt là nhân sự để tham gia theo lộ trình đã được nêu trong Đề án tổng thể. Đến ngày 27-5-2014, Trung tâm GGHB Việt Nam chính thức được thành lập (năm 2018 trở thành Cục GGHB Việt Nam) trực thuộc Bộ Quốc phòng, đồng thời cử hai sĩ quan đầu tiên của QĐND Việt Nam tham gia lực lượng GGHB của LHQ tại Nam Sudan, trên cương vị là quan sát viên quân sự của LHQ.

Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã tham gia lực lượng GGHB LHQ theo hình thức từ cá nhân đến đơn vị. Đối với hình thức cá nhân, Việt Nam đã cử 50 lượt sĩ quan tham gia tại hai phái bộ là Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và trụ sở LHQ. Đối với hình thức đơn vị, Việt Nam đã cử hai lượt bệnh viện dã chiến cấp 2, với 126 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia. Các lĩnh vực mà Việt Nam đã và đang tham gia trong lực lượng GGHB LHQ là: Tham mưu, hậu cần, quân y, quan sát viên quân sự. Hiện nay, LHQ đang tiếp tục đề nghị Việt Nam cử thêm lực lượng và mở rộng sang các lĩnh vực khác như: Công binh, cảnh sát, quan sát viên và giám sát bầu cử. Nghị quyết về việc tham gia lực lượng GGHB LHQ đã được Quốc hội thông qua quy định các lĩnh vực mà Việt Nam tham gia bao gồm: Tham mưu; hậu cần; kỹ thuật; thông tin, liên lạc; công binh; quân y; cảnh sát; kiểm soát quân sự; quan sát viên quân sự; quan sát viên và giám sát bầu cử; các lĩnh vực khác do Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định. Đây là những lĩnh vực mà chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện, khả năng và nguồn lực để bảo đảm. Nghị quyết nêu rõ, về xây dựng lực lượng, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan lập kế hoạch trung hạn và dài hạn về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai lực lượng công binh thuộc QĐND Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ (quân số khoảng 320 người). Bộ Công an cũng sẽ cử lực lượng tham gia hoạt động này trong thời gian tới.

Về tài chính, việc tham gia lực lượng GGHB LHQ không hề tạo ra gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Với nguồn tiền bồi hoàn của LHQ (hơn 4,8 triệu USD) và sự hỗ trợ của quốc tế (hơn 20 triệu USD) đã góp phần giảm đáng kể ngân sách nhà nước đầu tư cho việc tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam. Có thể nói, đầu tư của Việt Nam cho hoạt động này không lớn, nhưng hiệu quả lại rất cao.

2 nhận xét: