Thực tiễn cho thấy, trong suốt 76 năm qua, Quân đội ta
luôn thực hiện tốt cả 3 chức năng "đội quân chiến đấu", "đội
quân công tác" và "đội quân sản xuất", được Đảng, Nhà nước và
nhân dân đánh giá cao.
Trước hết, tất cả các đơn vị quân đội đều thực hiện
tăng gia sản xuất. Ngay cả những nơi đóng quân trong điều kiện rất khắc nghiệt
như ở các đảo xa, bộ đội vẫn trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm và hải
sản để cải thiện bữa ăn. Nhờ hoạt động tăng gia sản xuất, chất lượng bữa ăn của
bộ đội được cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao thể lực và hiệu quả huấn luyện,
học tập của cán bộ, chiến sĩ.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, các
doanh nghiệp thương mại, dịch vụ hoạt động kinh tế đơn thuần đã được chuyển
sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thoái vốn, cổ phần hóa... Các doanh nghiệp
còn lại do quân đội quản lý đều đang tham gia thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc
phòng. Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường, sản xuất phục vụ nhiệm vụ quân sự,
quốc phòng của các doanh nghiệp này chỉ đạt một phần công suất thiết kế của dây
chuyền công nghệ và năng lực lao động, sản xuất của công nhân, thu nhập thấp rất
khó giữ chân người lao động. Để tránh lãng phí nguồn lực, việc kết hợp nhiệm vụ
xây dựng kinh tế để tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng nguồn
thu để đóng góp thêm vào ngân sách nhà nước, tạo nguồn lực đầu tư đổi mới dây
chuyền công nghệ để quay lại phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng tốt hơn là rất
cần thiết. Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp quân đội triển khai thực hiện nhiệm
vụ theo hướng kết hợp, lưỡng dụng đều đã phát huy hiệu quả, thực sự “giữ vị trí
then chốt trong nền kinh tế quốc dân”, đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Các doanh nghiệp quân đội đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 41.000 tỷ đồng
mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 145.000 lao động, trong đó có nhiều
thương hiệu hàng đầu, đóng góp ngân sách hàng đầu và cũng đi đầu trong đổi mới
công nghệ trong đội ngũ các doanh nghiệp Việt Nam. Điển hình như Tập đoàn Công
nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công
ty Trực thăng Việt Nam...
Mô hình đoàn kinh tế-quốc phòng được xây dựng từ năm 1999, đến nay đã có nhiều đoàn kinh tế-quốc phòng ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Các đoàn kinh tế-quốc phòng là lực lượng tại chỗ giúp dân xóa đói, giảm nghèo; tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng; giúp nhân dân tiêu thụ nông sản; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc... Các đoàn kinh tế-quốc phòng có vai trò quan trọng trong công cuộc gìn giữ an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế-xã hội ở những địa bàn đặc biệt khó khăn mà hầu như không có doanh nghiệp nào ngoài quân đội muốn đầu tư. Có thể nói, các đoàn kinh tế-quốc phòng, các doanh nghiệp quân đội ở địa bàn khó khăn, là điển hình trong thực hiện 3 chức năng của quân đội, vừa lao động sản xuất, vừa làm công tác vận động quần chúng và cũng là đội quân chiến đấu khi có tình huống.
Quân đội thời nào cũng phải làm kinh tế; chính điều đó là để nhân dân đỡ phải nuôi bộ đội đó
Trả lờiXóaBạn nói rất đúng
Xóa