Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

CHIẾN THUẬT “CHIA RẼ VÀ CHINH PHỤC”

Theo ông Aan Kurnia - Giám đốc cơ quan an ninh hàng hải Indonesia, nước này sẽ tăng cường các hoạt động tuần tra đảm bảo an ninh hàng hải quanh quần đảo Natuna (ở Biển Đông) sau khi tàu Hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng biển này. Động thái trên của Indonesia là diễn biến mới nhất cho thấy thái độ cứng rắn trong thời gian gần đây, kiên quyết không đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông.

Quan điểm của Indonesia là nước này và Trung Quốc không có tuyên bố chủ quyền chồng chéo nào trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Thái độ kiên quyết của Indonesia cũng khẳng định xu hướng là nhiều nước ASEAN ngày càng mạnh mẽ công khai quan điểm phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Không những thế, các nước ASEAN còn bác bỏ đề nghị đàm phán song phương mà Trung Quốc đưa ra, đồng thời coi tranh chấp Biển Đông là vấn đề đa phương.

Lâu nay, để giảm bớt bất lợi khi phải đương đầu với các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hoặc với toàn khối ASEAN, Bắc Kinh luôn tìm cách tiếp cận theo công thức “1-1” với các bên, thay vì đối thoại với cả nhóm hay toàn bộ khối. Trong các cuộc tiếp xúc về tình hình Biển Đông, Trung Quốc thường đề nghị thúc đẩy các cuộc gặp với Việt Nam, Malaysia và Philippines theo thể thức song phương. Mục tiêu của Bắc Kinh là khi ASEAN bị chia rẽ, không coi Biển Đông là vấn đề chung của Hiệp hội mà chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc với từng nước, thì Trung Quốc có thể dễ đạt được các thỏa hiệp có lợi nhất. Bắc Kinh hy vọng có thể “đục nước béo cò” nếu như tình đoàn kết và thống nhất giữa các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông bị chia rẽ.

Để làm được việc đó, Trung Quốc tìm cách khai thác một số quan điểm khác nhau trong lập trường của một số nước ASEAN để tạo ra sự chia rẽ nội khối. Bắc Kinh cũng luôn thổi phồng các vụ va chạm do tình trạng đánh bắt hải sản trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước để khoét sâu mâu thuẫn trong ASEAN. Chiến thuật “chia rẽ và chinh phục” này đã từng có lúc khiến ASEAN thiếu thống nhất.

Năm 2012, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 đã không ra được Tuyên bố chung sau khi nước chủ nhà Campuchia không chấp nhận đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam, Philippines với Trung Quốc vào văn bản này. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 năm 2016 cũng không ra được Tuyên bố chung của ASEAN về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông vì Campuchia phủ quyết dự thảo nhắc đến đến việc Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Với từng nước ASEAN, Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte hầu như không nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài, mặc dù phán quyết này có lợi cho Philippines. Có thời điểm, Philippines còn nhắc đến chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà Trung Quốc gợi ý với các nước ASEAN. Indonesia trước đây cũng thường im lặng, hầu như không nhắc đến tranh chấp Biển Đông.


2 nhận xét:

  1. Chúng ta phải luôn cảnh giác trước Trung Quốc vì âm mưu độc chiếm Biển đông

    Trả lờiXóa
  2. Việt Nam đã có những ứng xử rất khôn khéo về vấn đề biển đông; được nhiều nước đánh giá rất cao

    Trả lờiXóa