Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

CẦN TỈNH TÁO, TRÁCH NHIỆM KHI CHIA SẺ THÔNG TIN

Những câu chuyện bịa đặt trắng trợn, các cụm từ giật gân, câu khách, những hình ảnh được cắt ghép, chỉnh sửa với dụng ý xấu nếu không được vạch rõ, không được phản bác kịp thời sẽ rất nguy hiểm, bởi những người nhẹ dạ cả tin, thiếu trình độ, khả năng thẩm định nội dung thông tin, hình ảnh hạn chế dễ dàng tin theo. Đặc biệt, khi những thông tin đó được lan ra từ người nổi tiếng trên mạng xã hội thì tác động tiêu cực còn lớn hơn.

Khi các thông tin sai trái, bịa đặt như vậy cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần, lan truyền dày đặc trên mạng xã hội, nó sẽ gây hệ lụy lâu dài, nguy cơ ảnh hưởng và tác động xấu đến niềm tin vào lý tưởng xã hội, vai trò lãnh đạo của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, gây chia rẽ, ảnh hưởng tới khối đoàn kết toàn dân. Nếu bị động và tiếp nhận thiếu tỉnh táo, có người sẽ tin theo rồi đưa ra phát ngôn, thực hiện hành vi sai trái, vi phạm pháp luật; thậm chí còn kích động, lôi kéo người khác làm điều sai trái.

Pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Việc lợi dụng tự do ngôn luận, tự do trên mạng để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bịa đặt, vu khống uy tín tổ chức và cá nhân, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước sự gia tăng các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng, trong thời gian qua Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông đã chủ động sử dụng công nghệ, trong đó có phân tích dữ liệu lớn để nhận diện xu hướng thông tin, phát hiện những thông tin tiêu cực, xấu độc nhằm xử lý kịp thời. Đặc biệt, Cục thường xuyên yêu cầu, đề nghị các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook... phải chủ động rà soát, phát hiện các kênh, video có nội dung xấu độc, xuyên tạc... để ngăn chặn, gỡ bỏ.

Tại Phòng nghiệp vụ của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, bằng hệ thống rà quét tự động hiện đại này, các chiến sĩ an ninh luôn nắm bắt được mọi hoạt động của các tổ chức, các cá nhân chống phá… trên không gian mạng. Những nội dung xuyên tạc về Đại hội Đảng, chống phá Đảng nhà nước… từ nguồn gốc đến đường phát tán đều được phát hiện.

Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Phải tỉnh táo, cảnh giác, chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn”. Trên cơ sở đó, cần chủ động theo dõi, phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân đưa thông tin sai trái, bịa đặt, nói xấu Đảng, phá hoại công tác chuẩn bị Đại hội Đảng trên internet, mạng xã hội. Đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật phát ngôn, làm lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, tung tin thất thiệt liên quan đến công tác cán bộ, gây rối nội bộ thì phải kiểm điểm, phê bình, thi hành kỷ luật nghiêm khắc theo quy định của Điều lệ Đảng và của pháp luật hiện hành.

Mỗi cán bộ, đảng viên, người dân khi đăng tải, bình luận, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cần đúng mực, có nhận thức đúng, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Cũng cần tỉnh táo, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng mỗi khi định chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng liên quan đến Đại hội Đảng. Đừng để mình trở thành “con rối”, tiếp tay cho kẻ xấu và các thế lực thù địch./.


2 nhận xét:

  1. Hiện nay, trên MXH bọn phản động đã tung nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chống đối Đảng và Nhà nước ta; chúng ta cần hết sức tỉnh táo và đề cao cảnh giác, không để mắc mưu của chúng.

    Trả lờiXóa
  2. Để ngăn chặn các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chống đối chính quyền trên các trang MXH; thì các lực lượng chức năng cần chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

    Trả lờiXóa