Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

NHẬN DIỆN MỐI ĐE DỌA ĐỐI VỚI HÒA BÌNH, AN NINH Ở BIỂN ĐÔNG

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì hòa bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” diễn ra trong 2 ngày 16 và 17-11 tại Hà Nội là cơ hội để giới chuyên gia, học giả khu vực và thế giới cùng chia sẻ những nhận định, đánh giá để tìm kiếm giải pháp duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở Biển Đông - vùng biển chiến lược mang ý nghĩa sống còn không chỉ các quốc gia và vùng lãnh thổ liên quan mà nhiều quốc gia khác trên toàn cầu.

Chỉ riêng việc có tới 300 đại biểu tham dự trực tiếp cùng hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến - trong đó có gần 60 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia trên các châu lục khác nhau, 12 Đại sứ và đại diện của trên 20 Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam - cùng gần 100 phóng viên đến từ 58 hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước đã đăng ký tham gia đưa tin về Hội thảo đã cho thấy sức hút thể hiện sự quan tâm lớn của các quốc gia, giới học giả và dư luận quốc tế đối với vấn đề Biển Đông.

Mối quan tâm này diễn ra trong bối cảnh Biển Đông từ đầu năm tới nay vẫn là một điểm nóng hàng đầu trên thế giới, bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) hoành hành khắp toàn cầu. Căng thẳng ở Biển Đông chẳng những không lắng dịu để tạo điều kiện cho tăng cường hợp tác, thúc đẩy giao thương nhằm góp phần giảm thiểu tác động vô cùng tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới kinh tế khu vực và toàn cầu, trái lại còn gia tăng thêm.

Ngay từ những tháng đầu năm 2020, trong khi đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại quốc gia tâm dịch Trung Quốc rồi lây lan nhanh chóng ra toàn thế giới, Trung Quốc không chỉ liên tiếp tổ chức tập trận quy mô lớn ở Biển Đông còn có những hành vi hung hăng, gây gấn như điều tàu khảo sát Hải Dương 8 đi xuyên qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, xuống “quấy nhiễu” tàu thăm dò của Malaysia, dùng tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam…

Mới đây nhất, Trung Quốc công bố dự thảo luật “bật đèn xanh” cho lực lượng hải cảnh nước này sử dụng vũ lực trên biển, động thái khiến dư luận đặc biệt lo ngại về việc tạo ra mối đe dọa tới tính mạng và tài sản của ngư dân các nước, gây cản trở tự do hàng hải qua các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng.

Lên tiếng tại hội thảo Biển Đông lần thứ 12, các học giả Ấn Độ, Nhật Bản và Đông Nam Á cũng như quốc tế đồng loạt bày tỏ lo ngại việc hải cảnh Trung Quốc tùy tiện sử dụng vũ khí, nhất là khi lực lượng này thường xuyên có cách hành xử tùy tiện đối với ngư dân và tàu thuyền các nước thời gian qua. Giáo sư Carl Thayer, học giả danh tiếng của Australia, cho rằng dự luật của Trung Quốc khiến ông nhớ đến “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp” mà Trung Quốc thông qua năm 1992, đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế để rồi tự ý quy định lãnh hải rộng 12 hải lý áp dụng cho cả 4 quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh, các tàu hải cảnh Trung Quốc thường được trang bị vũ khí và nhắc đến căng thẳng giữa Malaysia và Trung Quốc từ tháng 12-2019 đến khi Trung Quốc điều các tàu hải cảnh tuần tra, quấy rối gần nơi giàn khoan West Capella của Malaysia hoạt động ở vùng biển mà Kuala Lumpur tuyên bố là EEZ của nước này. Theo Giáo sư Carl Thayer, việc này giống như là “ngoại giao pháo hạm”.

2 nhận xét:

  1. Mối đe dọa an ninh trên Biển đông là rất hiện hữu, các nước cần đấu tranh mạnh mẽ chống lại các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển đông

    Trả lờiXóa
  2. Hành động ngông cuồng của Trung Quốc trên biển đông chỉ làm mất đi vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế

    Trả lờiXóa