Thành tựu về quyền con người ở Việt Nam trong hơn 70
năm qua thể hiện trên mọi lĩnh vực, nhất là những bước tiến vượt bậc về phát
triển kinh tế trong gần 35 năm đổi mới (1986-2020). Từ một nền kinh tế nông
nghiệp lạc hậu, quy mô nền kinh tế năm 1985 mới có 14 tỷ USD, thì đến năm 2019
đạt 262 tỷ USD, tăng gấp hơn 18,7 lần. Mới đây, Tạp chí The
Economist tháng 8-2020 đã xếp Việt Nam trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi
thành công nhất thế giới. Mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch
Covid-19 trên toàn cầu, trong khi phần lớn các nền kinh tế trên thế giới rơi
vào suy thoái, nhưng nhờ sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt thực hiện “mục tiêu
kép” của Chính phủ, năm 2020, Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng dương ở
mức khá. Nhìn theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB) so sánh mức sống với
các nước trên thế giới, thu nhập của người dân Việt Nam năm 2020 tương đương gần
9.000USD (tính theo ngang bằng sức mua).
Sự tăng trưởng kinh tế là cơ sở, tiền đề để Nhà nước
chăm lo thực hiện tốt các chính sách an sinh, văn hóa xã hội. Điều đó được thể
hiện ở “Chỉ số phát triển con người” (HDI). Theo Báo cáo “Phát triển con người
năm 2019” được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày
9-12-2019, với chỉ số HDI là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước.
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng 4,8 năm, số năm đi học trung bình
tăng 4,3 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng trên 354%. Điều này giúp
Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên
thế giới. Theo nhận định của bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP
ở Việt Nam: “Việt Nam đã đạt được tăng trưởng đáng kể trong phát triển con người
kể từ năm 1990 đến nay. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đã có những bước tiến bộ
trong thực hiện chính sách chăm lo phát triển con người toàn diện”.
Một trong những thành tựu về nhân quyền đáng kể là Việt
Nam đã quan tâm thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm các quyền cơ bản cho nhóm người dễ bị
tổn thương trong xã hội. Đến nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành 118 chính
sách liên quan đến việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện
đời sống và bảo đảm an sinh cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ thực hiện đồng
bộ các chính sách đó, tỷ lệ nghèo đa chiều ở Việt Nam giảm từ 9,88% (năm 2015)
xuống còn 3,73% (năm 2019). Cả nước hiện có gần 3 triệu người nghèo, người yếu
thế được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Đặc biệt, Phong trào “Cả nước chung
tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong những năm qua đã nhận
được sự hưởng ứng sâu rộng, hiệu quả của toàn xã hội. Chỉ tính trong dịp “Ngày
vì người nghèo” 17-10-2020 vừa qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
đã kêu gọi, huy động được gần 2.400 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và an
sinh xã hội.
Từ một nước lạc hậu, không có tên trên bản đồ thế giới,
sau hơn 70 năm huy động sức dân, đồng lòng thực hiện sự nghiệp kháng chiến, xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã trở thành một quốc gia hòa bình, độc lập,
được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những nước tiên phong và là điểm
sáng về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, thực hiện
công bằng và tiến bộ xã hội. Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế
giới (WHO) và nhiều cơ quan truyền thông uy tín của quốc tế đánh giá là một
trong số ít quốc gia đã kiểm soát, khống chế thành công đại dịch Covid-19, do vậy,
Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ người bị lây nhiễm và tử vong vì dịch
Covid-19 thấp nhất trên thế giới. Kết quả này thêm một lần chứng tỏ Đảng, Nhà
nước Việt Nam luôn ưu tiên cao nhất để bảo đảm quyền được sống an toàn, khỏe mạnh
cho mọi người dân-một trong những giá trị cao cả của quyền con người.
Là một quốc gia đang phát triển, bên cạnh những thời
cơ, thuận lợi, hiện nay Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thử
thách. Nhưng với bản chất của một chế độ xã hội ưu việt mà cả dân tộc đã tự
nguyện lựa chọn và kiên trì thực hiện, thông qua chủ trương, đường lối phát triển
kinh tế-xã hội đúng đắn và hợp xu hướng thời đại, Việt Nam ngày càng có điều kiện
tạo ra những tiền đề cơ sở vật chất, văn hóa để bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản
của con người.
Việc Đảng Cộng sản Việt Nam xác định mục tiêu xây dựng đất nước theo định hướng XHCN “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với hàm ý nhấn mạnh Việt Nam luôn kiên trì, nỗ lực bảo đảm “quyền sung sướng” (dân giàu) và “quyền tự do” (dân chủ) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu ra trong bản Tuyên ngôn Độc lập. Khi quốc gia giàu có về vật chất, văn hóa, tinh thần và bảo đảm tự do, dân chủ về mọi mặt, đó chính là cam kết chính trị của Việt Nam cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế thực hiện hiệu quả những giá trị phổ quát về nhân quyền đã được xác định trong “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”.
Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo đến quyền lợi và cuộc sống của mọi người dân
Trả lờiXóaĐảng Cộng sản Việt Nam xác định mục tiêu xây dựng đất nước theo định hướng XHCN “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với hàm ý nhấn mạnh Việt Nam luôn kiên trì, nỗ lực bảo đảm “quyền sung sướng” (dân giàu) và “quyền tự do” (dân chủ) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu ra trong bản Tuyên ngôn Độc lập.
Trả lờiXóa